Chia rẽ quan điểm về việc cần tiêm mũi vaccine thứ 4 để ngừa Omicron

Hoài Thanh,
Chia sẻ

Giám đốc điều hành Moderna, ông Stephane Bancel, ngày 6/1 cho rằng hiệu quả mũi tiêm tăng cường sẽ suy giảm theo thời gian và người dân Mỹ có thể cần đến mũi tiêm thứ 4 trong mùa thu này để tăng khả năng phòng vệ.

Chia rẽ quan điểm về việc cần tiêm mũi vaccine thứ 4 để ngừa Omicron - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chuẩn bị liều tiêm vaccine Moderna tại bệnh viện Enfermera Isabel Zendal ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Theo ông Bancel, những người tiêm mũi tăng cường vào mùa xuân vừa qua tại Mỹ sẽ có được lớp bảo vệ tốt xuyên qua mùa đông, thời điểm số ca nhiễm mới tăng nhanh do người dân có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn để tránh thời tiết lạnh giá. Nhưng hiệu quả của mũi tăng cường sẽ giảm sau một vài tháng, tương tự như những gì từng diễn ra với hai liều tiêm trước đó.

“Tôi sẽ ngạc nhiên nếu dữ liệu trong vài tuần tới khẳng định mũi tăng cường duy trì hiệu lực tốt theo thời gian. Tôi cho rằng hiệu lực bảo vệ của mũi tiêm này sẽ giảm”, ông Bancel nêu quan điểm trong buổi trả lời phỏng vấn tại cuộc hội thảo do Goldman Sachs tổ chức ngày 6/1.

Giám đốc điều hành Moderna cũng cho biết chính phủ nhiều nước, trong đó có Anh và Hàn Quốc, đang đặt mua thêm vaccine để sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng mới. Theo ông, người dân sẽ cần mũi tiêm nhắc vào mùa thu năm 2022 và quãng thời gian tiếp theo. Riêng người cao tuổi và người có bệnh nền có thể sẽ cần tiêm bổ sung định kỳ hàng năm. Trước đó, dữ liệu sơ bộ được Moderna công bố hồi đầu tháng 12 cho thấy mũi bổ sung liều 50mg và 100 mg của hãng giúp lượng kháng thể tăng lần lượt 37 lần và 83 lần.

Những tranh luận về mũi thứ 4, mũi tiêm nhắc

Nhiều nước coi mũi tăng cường đóng vai trò quan trọng trong chiến lược y tế cộng đồng nhằm kiểm soát lây lan của virus, sau khi Omicron cho thấy khả năng kháng vaccine, làm giảm hiệu lực của cơ chế hai liều tiêm. Số liệu do giới chức y tế Anh công bố cho thấy cơ chế hai liều tiêm vaccine Moderna và Pfizer chỉ đạt mức hiệu quả 10% trong ngăn chặn lây nhiễm Omicron sau thời điểm 20 tuần tính từ mũi hai. Mũi tăng cường sẽ giúp tăng hiệu lực 75% trong ngăn chặn lây nhiễm có triệu chứng hai tuần sau khi tiêm.

Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ của mũi tăng cường lại có xu hướng giảm dần sau 4 tuần. Nghiên cứu cho thấy liều tăng cường có hiệu lực khoảng 55%-70% trong ngăn chặn lây nhiễm sau khi tiêm từ 5-10 tuần, sau đó giảm xuống còn 40%-50% sau 10 tuần. Giám đốc điều hành hãng Pfizer Albert Bourla hồi tháng 12 cũng từng nhận định người dân có thể cần đến mũi thứ 4 và thời hạn tiêm có thể rút ngắn hơn do mức độ lây lan nhanh của biến thể Omicron.

Chia rẽ quan điểm về việc cần tiêm mũi vaccine thứ 4 để ngừa Omicron - Ảnh 2.

Người dân ở Miami, bang Florida, Mỹ xếp hàng để xét nghiệm COVID-19. Ảnh: NYT

Tuy nhiên, giới khoa học hiện còn ý kiến phản đối việc tiêm mũi thứ 4 hay tiêm nhắc định kỳ với thời hạn 6 tháng. Giáo sư Andrew Pollard - một trong các chuyên gia tham gia sáng chế vaccine AstraZeneca và là người đứng đầu Nhóm vaccine Đại học Oxford (Oxford Vaccine Group), đã bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc Anh hay một số nước chạy theo phương pháp của Israel về tiêm mũi vaccine thứ tư.

Ông cho rằng mũi nhắc lại có thể chỉ cần thiết với người dễ bị tổn thương dù số này đã hoàn tất quy trình tiêm ba mũi vaccine. Những người thuộc nhóm này gồm có người già, người có hệ miễn dịch suy yếu. “Việc tiêm nhắc 6 tháng một lần với tất cả mọi người là tốn kém, không bền vững và thậm chí không cần thiết”, giáo sư Pollard nêu quan điểm khi trả lời phỏng vấn trên kênh BBC Radio 4’s ngày 4/1.

Omicron khiến nhiều chuyên gia thay đổi quan điểm, từ phản đối sang ủng hộ tiêm mũi tăng cường. Nhưng ngay cả những người này cũng không ủng hộ cơ chế tiêm liều thứ 4, như cách mà Israel đang triển khai. Họ cho rằng virus biến đổi, nhưng những bộ phận khác của hệ miễn dịch, như tế bào T hay tế bào B vẫn duy trì tốt sức đề kháng trước các biến thể sau mũi tiêm thứ 3, thậm chí là mũi hai.

Không thể ngăn chặn lây nhiễm, nhưng chính những tế bào này giúp giảm tình trạng diễn tiến bệnh nặng và từ đó giữ cho tỉ lệ nhập viện, tử vong ở mức thấp. Nhiều nước đã chuyển đổi phương thức chống dịch, từ ngăn chặn lây nhiễm mới sang ưu tiên giảm tỉ lệ nhập viện, tử vong.

Đó là những gì đang diễn ra trên thực tế với biến thể Omicron. Báo cáo tình hình dịch bệnh theo tuần của WHO ngày 6/1 cho thấy tuần qua có tổng số 9.520.488 ca nhiễm mới trên toàn cầu, tăng 71% so với tuần trước đó và là ngưỡng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Nhưng số ca tử vong trong tuần chỉ là 41.178 ca, giảm so với mức 44.680 ca của một tuần trước đó.

“Những người tiêm đủ liều vaccine hiện có khả năng chống chọi tốt trước nguy cơ nhập viện. Omicron đã cho thấy một thực tế theo đuổi ngăn chặn lây nhiễm là cách tiếp cận thất bại”, ông Michel Nussenzweig, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Rockefeller tại New York, bình luận.

Chia sẻ