'Chìa khóa' giúp trẻ làm chủ cuộc sống: Vun đắp từ những điều nhỏ nhặt

Vân Huyền,
Chia sẻ

Phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ những bài học về kỹ năng tự chủ trong cuộc sống hằng ngày.

Những bài học đó sẽ giúp trẻ hoàn thiện và trở thành người biết làm chủ cuộc sống của mình.

Trong quá trình phát triển và trưởng thành, trẻ sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn. Để làm chủ cuộc sống, con cần học cách vượt qua khó khăn. Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ hãy nói với con rằng, đó chỉ là nhất thời. Hãy bày tỏ niềm tin rằng, trẻ có thể làm tốt hơn trong thời gian tới.

Khuyến khích trẻ tự tin

Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Carnergie (Mỹ), kiến thức chuyên môn chỉ đóng góp 15% thành công của một người. Trong khi đó, 85% đến từ những kỹ năng liên quan đến mối quan hệ giữa người với người.

Ở thế giới của người lớn, chúng ta thích làm bạn và hợp tác chủ yếu với những người mình tin tưởng, hơn là dựa trên sự đánh giá về trí thông minh. Do đó, nhiều người cho rằng, với trẻ, nếu chỉ có thông minh sách vở thì không thể bảo đảm cho tương lai thành công sau này.

Một đứa trẻ luôn đạt điểm 9, 10 ở lớp, nhưng nhút nhát trước đám đông, e ngại, thiếu sự thấu hiểu và chia sẻ với người khác, không được nuôi dưỡng đam mê… thì ắt hẳn khó có thể tự tin và thuận lợi vượt qua các thử thách sau này của cuộc sống. Vì vậy, điều quan trọng là trẻ cần có sự đồng hành từ phụ huynh cũng như rèn luyện.

Tuy nhiên, thực tế không ít phụ huynh vô tình phớt lờ những hành trang thiết yếu này. Một số cha mẹ thường xuyên “ngó lơ” trước những câu hỏi của con, bác bỏ khi trẻ nêu ý kiến. Những hành động đó dần khiến trẻ đánh mất sự tự tin.

Chắc hẳn, nhiều phụ huynh từng để mặc con làm bạn với những thiết bị thông minh, khiến thế giới cảm xúc của trẻ trở nên máy móc, chai sạn hơn. Bởi vậy, thay vì phớt lờ những tố chất tiềm năng của trẻ, cha mẹ cần chú ý, dành nhiều thời gian cho con hơn. Đồng thời, khuyến khích trẻ tự tin, nhận diện cảm xúc. Đó sẽ là những yếu tố giúp trẻ có khả năng làm chủ cuộc sống khi trưởng thành.

Song, vấn đề đặt ra là, liệu trẻ làm chủ cuộc sống như thế nào khi chưa trưởng thành? Có thể hiểu rằng, làm chủ cuộc sống ở trẻ là giải quyết và đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Không ít phụ huynh cho rằng, sẽ rất khó để giúp trẻ có đủ tự tin, bản lĩnh để có thể làm chủ cuộc sống.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu biết yêu quý bản thân thì trẻ sẽ dễ dàng vượt qua những khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Yêu quý bản thân là trẻ tự tin về chính mình, biết được những mặt ưu, khuyết điểm của bản thân. Trẻ cũng sẽ không tự ti, mặc cảm khi so sánh mình với người khác, cũng như khi đón nhận những lời nhận xét tiêu cực về bản thân mình.

'Chìa khóa' giúp trẻ làm chủ cuộc sống: Vun đắp từ những điều nhỏ nhặt - Ảnh 1.

Trẻ cần hiểu rằng, ai cũng có lúc mắc lỗi. Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, để trẻ biết quý trọng bản thân, cha mẹ trước hết phải thường xuyên thể hiện những cử chỉ và lời nói yêu thương, trân trọng con. Như vậy, trẻ sẽ thấy rằng mình có ý nghĩa rất lớn đối với cha mẹ. Phụ huynh cũng nên tích cực khen ngợi và cổ vũ trẻ, tâm sự để con hiểu. Đồng thời, giúp trẻ gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, hướng con đến những hoạt động vui tươi lành mạnh, định hướng và giúp trẻ phát huy những tố chất, năng khiếu nổi trội.

Để hình thành cho trẻ kỹ năng làm chủ cuộc sống, cha mẹ cũng cần dạy con tính tự lập ngay từ nhỏ. Biết cách làm mọi thứ cho bản thân từ sớm là một yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển và trưởng thành ở trẻ.

Nếu cha mẹ quá kiểm soát hoặc để trẻ phụ thuộc quá lâu, con sẽ có xu hướng bám riết lấy người lớn, trở nên lười biếng và cảm thấy khó khăn trước mọi việc. Do đó, cha mẹ cần tin tưởng, động viên và khuyến khích trẻ làm những công việc trong khả năng và lứa tuổi. Hành động đó vừa giúp trẻ dần làm chủ những hoạt động hằng ngày, vừa là cơ hội để con thể hiện bản thân.

Sự tự tin giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống, thể hiện bản lĩnh, thế mạnh của bản thân, không ngại đối mặt với những thách thức, khó khăn. Các số liệu thống kê cho thấy, người tự tin thường có xu hướng thành đạt, được mọi người ngưỡng mộ, yêu mến. Bởi vậy, học sự tự tin, tin tưởng vào giá trị bản thân là yếu tố tiên quyết giúp trẻ thành công và hạnh phúc.

'Chìa khóa' giúp trẻ làm chủ cuộc sống: Vun đắp từ những điều nhỏ nhặt - Ảnh 2.

Trẻ cần biết tôn trọng người khác. Ảnh minh họa.

Bài học về kỹ năng sống

Chia sẻ về vấn đề này, cô Trịnh Mai Chi – giáo viên Trường Mầm non Bông Mai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - cho rằng, các phụ huynh có thể hướng dẫn cho con những bài học về kỹ năng sống ngay trong cuộc sống hằng ngày. Bởi, những bài học đó sẽ giúp trẻ hoàn thiện và trở thành người biết làm chủ cuộc sống của mình.

“Luôn đặt câu hỏi sẽ giúp trẻ nhận được những bài học vô cùng quan trọng và giá trị. Trẻ em nên được khuyến khích đặt ra các câu hỏi. Các con cũng nên đặt cả câu hỏi cho cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng và biết hết mọi thứ. Vì vậy, trong trường hợp đó, phụ huynh hãy giúp con tìm được tới những người mà có thể giúp giải quyết vấn đề”, cô Mai Chi cho biết.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dạy trẻ về sự trung thực và trách nhiệm. Bởi, hai yếu tố này gắn liền với nhau như “hình với bóng”. Trẻ em phải trung thực với chính mình và biết tự chịu trách nhiệm. Thay vì luôn đòi hỏi người khác có trách nhiệm, trẻ cần tự có trách nhiệm với bản thân. Trẻ cũng nên được học cách làm chủ quyết định.

Một yếu tố quan trọng khác là trẻ cần luôn thoải mái ở bất kỳ môi trường nào. Mọi người luôn muốn được tự do làm việc trong không gian khiến họ thoải mái nhất. Tuy nhiên, sẽ rất tệ khi trẻ em chỉ biết làm mãi một thứ mà con thích và không chịu thử điều gì đó mới. Như vậy, trẻ đang bỏ lỡ những trải nghiệm mới đầy thú vị để phát triển và phát hiện cá tính của cá nhân, cũng như truyền cảm hứng cho người khác.

Trong xã hội hiện đại, việc trẻ tiếp cận với Internet là điều dễ hiểu. Song, một trong những bước giúp trẻ làm chủ cuộc sống là không để bị điều khiển bởi mọi thông tin trên Internet.

Cô Mai Chi cho rằng, ngày nay, có hàng tỷ người truy cập Internet mỗi ngày. Mỗi người có một sở thích, ý kiến quan điểm của riêng họ. Đôi khi Internet được sử dụng vào mục đích xấu hay trái pháp luật. Điều đó có nghĩa là trẻ em nên được tiếp cận với Internet một cách có định hướng.

Trẻ cũng cần nhìn nhận các thông tin trên Internet đa chiều khi tiếp cận bất kỳ hiện tượng nào trong đời sống. Không phải mọi thứ được đăng tải trên Internet đều đúng. Do đó, trẻ cần học cách đánh giá và sàng lọc thông tin.

“Chìa khóa để làm chủ cuộc sống là hiểu rằng, ai cũng có thể mắc lỗi. Chẳng ai có thể luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đôi khi, chúng ta vẫn mắc lỗi. Trẻ em thỉnh thoảng vẫn nhận được điểm không tốt, vẫn cô đơn vì không có ai chơi. Khi đó, cha mẹ hãy nói với con rằng, điều đó chỉ là nhất thời. Hãy bày tỏ niềm tin rằng, trẻ có thể làm tốt hơn trong thời gian tới. Khuyến khích trẻ không ngừng tiến lên và chiến thắng bản thân. Bởi, thực tế, không điều gì là không thể”, chị Mai Chi nhận định.

Bên cạnh đó, tôn trọng người khác và tốt bụng là hai đức tính trẻ cần có. Trẻ cần được dạy không được phán xét người khác. Cha mẹ nên giúp trẻ hiểu rằng, trong cuộc sống, con có thể sẽ gặp những người thích phán xét và nói xấu. Song, họ có thể dạy cho trẻ những bài học.

“Chắc chắn, trong quá trình phát triển và trưởng thành, trẻ sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn. Để làm chủ cuộc sống, con cần học cách vượt qua khó khăn. Trẻ cần hiểu rằng, không có thành công nào đến một cách dễ dàng. Do đó, trẻ không thể chỉ vì một sự cố hay khó khăn trước mắt mà bỏ cuộc. Trẻ em sẽ học được rất nhiều thứ từ cách vượt qua thử thách để đạt được những điều chúng muốn”, giáo viên Mai Chi chia sẻ.

“Phụ huynh nên giúp trẻ hiểu rằng, cuộc sống luôn có được và mất. Điều quan trọng là trẻ phải biết con sẽ cảm thấy như thế nào khi thất bại. Nếu chưa bao giờ biết tới sự cay đắng của thất bại, trẻ cũng sẽ không bao giờ cảm nhận được giá trị và sự hồi hộp của chiến thắng. Nhận được bằng khen hay huy chương sẽ không làm tăng niềm vui của trẻ và nhiều khi còn khiến chúng trở nên tự phụ, thành tích ngày một kém đi. Điều này không chỉ đúng với kẻ thắng người thua, mà còn đúng trong rất nhiều lĩnh vực khác trong đời sống. Nếu không biết khổ cực, chúng ta sẽ chẳng biết quý trọng hạnh phúc và sự sung sướng mà mình đang có”, cô Trịnh Mai Chi – giáo viên Trường Mầm non Bông Mai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lưu ý.
Chia sẻ