Chị vào đại học nhờ em gái song sinh nhường bước

YẾN TRINH,
Chia sẻ

Cánh cửa đại học đã mở ra với tân sinh viên Mai Cẩm Huệ (19 tuổi, cựu học sinh lớp 12C7 Trường THPT Che Guevara, Bến Tre). Em gái sinh đôi của Huệ là Mai Cẩm Hường dù sức học khá nhưng đã nhường chị mình bước tiếp trên con đường học vấn.

Chị vào đại học nhờ em gái song sinh nhường bước - Ảnh 1.

Tân sinh viên Mai Cẩm Huệ làm thêm ở một quán cà phê ở quận 11, TP.HCM để có tiền trang trải việc học - Ảnh: YẾN TRINH

Huệ nói rằng nếu không có sự cố gắng của cha mẹ và tấm lòng của một người ở TP.HCM cho ăn ở nhờ, em khó lòng đi học tiếp vì cảnh nhà quá khó khăn.

"Huệ đậu rồi nhưng tiền đâu mà học…"

Biết tin trúng tuyển vào Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM với số điểm tổ hợp D14 xét theo học bạ là 26,5 điểm, Huệ mừng lắm nhưng không dám bày tỏ niềm vui. Ông Mai Hoàng Mây (49 tuổi, cha của Huệ) biết con gái muốn được học tiếp nhưng ngó lại cảnh nhà thì rầu thúi ruột. 

"Mẹ Huệ bị tiểu đường từ lúc hai chị em nó học lớp 2, từ đó đến nay có đi bán ve chai gần nhà nhưng kiếm được không bao nhiêu. Tôi và thằng hai lên TP.HCM đi mần hồ gửi tiền về nuôi mấy mẹ con Huệ. Giờ Huệ nó đậu rồi nhưng tiền đâu mà học…", giọng người cha chùng xuống.

Đi riết, bỏ vợ con không đành, năm 2019 ông Mây về nhà ở hẳn. Ở quê không dễ có việc làm. Ông xoay ra vác mùn xơ dừa thuê, ngày công cao nhất được 300.000 đồng, thấp thì 100.000 đồng. Gia tài của vợ chồng ông ngoài ngôi nhà tường gạch không trát vữa, còn có một khoảng đất trồng dừa nhưng "trái trăn chẳng thấy đâu". 

Điều đặc biệt, dù cảnh nhà khó khăn, hai chị em Huệ - Hường đều học giỏi. Theo lời ông Mây, do nằm trong danh sách hộ cận nghèo nên hai con có một người được miễn học phí. Trong xóm làng heo hút ở ấp Hội Thành, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, hai chị em ngày ngày đèo nhau đi học.

Huệ nhớ lại: "Ngày biết kết quả, em nói với ba là cho con học nữa nghe. Lúc đó ba buồn buồn không nói gì. Em gái thì nhất quyết không đi học nữa, sẽ đi làm phụ chị tiền học, rồi đòi theo dì đi làm công ty trên Bình Dương…". 

Trước tình cảnh đó, ông Mây chợt nhớ ra một người cách đây 3-4 năm có xuống tài trợ làm con lộ ngoài ấp. Lúc đó ông cũng ra vô phụ giúp. Ông bốc máy gọi, vì nhớ vị này có dặn khi nào tụi nhỏ học xong lớp 12 thì liên lạc, sẽ tìm cách giúp đỡ đi học tiếp.

Lội bộ đi làm thêm

Chị vào đại học nhờ em gái song sinh nhường bước - Ảnh 2.

Dù cảnh nhà khó khăn, Huệ không muốn từ bỏ giấc mơ đại học

Anh Trần Phước Hòa - người mà ông Mây nhắc đến - sau khi nghe chuyện đã động viên ông cố gắng lo cho tụi nhỏ đi học. Vậy là ông Mây đưa hai con lên nhà anh Hòa là một quán cơm chay ở quận 11. Bàn qua bàn lại, Huệ sẽ học tiếp và ở lại nhà vợ chồng anh Hòa. Hường được gửi cho một cơ sở làm đẹp ở Long Thành (Đồng Nai) vốn quen thân với anh Hòa và được học nghề miễn phí.

Tạm yên tâm về nơi ăn chốn ở của con, ông Mây về lại dưới quê, đi mượn tiền của chủ vựa mùn xơ dừa được 10 triệu đồng. Hôm 20-9 vừa rồi, trước hạn chót làm hồ sơ nhập học một ngày, ông chạy xe máy từ nhà lên đưa cho con gái, rồi dúi cho con thêm 500.000 đồng chi tiêu lặt vặt. 

Ông kể: "Chủ vựa nói coi như là ứng trước cho tôi, tôi đi mần trả lần lần. Con đậu đại học, tôi mừng lắm, nhưng cũng có người chọc ghẹo có lo nổi hay không, học chi cho nhiều. Nghe vậy tôi cũng tủi thân, sợ người ta nghĩ mình nghèo mà còn đèo bồng học hành nọ kia…". 

Chị em Huệ - Hường cũng tính hay là cứ đi làm công ty, học nhiều sợ cha mẹ nặng gánh, nhưng ông Mây cản. Rồi có sự trợ giúp của anh Hòa, ông Mây cho biết cảm thấy vững tâm hơn.

Huệ cũng là tân sinh viên sớm lo toan. Biết cảnh khó, hè năm lớp 11 hai chị em rủ nhau đi làm thêm cho một cơ sở thủ công mỹ nghệ gần nhà. Công việc của họ là đập vỡ gáo dừa - một công đoạn làm nút áo. 

Ngày đầu lên TP.HCM, với chiếc điện thoại hơn 1 triệu đồng cha mua cho, Huệ lên mạng tìm việc làm thêm ngay. Hiện em làm nhân viên phục vụ tại một quán cà phê cách nơi mình ở nhờ hơn 2km.

Huệ cho biết: "Em làm theo ca mỗi ngày 6 tiếng, mỗi tiếng 18.000 đồng. Ngày nào làm ca sáng từ 6h thì em dậy từ 5h rồi đi bộ ra quán". Huệ dự định dùng số tiền kiếm được để mua sách vở, dụng cụ học tập. Tháng 10 vào học chính thức, em nói rằng vẫn sẽ vừa học vừa đi làm thêm đỡ đần cho cha mẹ.

Mong con học thành tài

Khi được hỏi chuyện đường dài của Huệ, ông Mây cho biết đợi con gái có thẻ sinh viên, ông sẽ làm hồ sơ vay ngân hàng chính sách địa phương để trả lại số tiền mượn vợ chồng anh Hòa 15 triệu đồng. 

"Học phí năm đầu của Huệ là gần 50 triệu đồng, số tiền lớn quá. Tôi mong mượn được của ngân hàng để lo cho con. Mấy bữa nay tôi sốt ruột lắm. Tôi cố ráng mần kiếm tiền, miễn con đừng thất học tội nghiệp", ông nói.

Ông Mây còn cho biết, đang tính xem có đem được chiếc xe đạp dưới quê lên cho Huệ đi học không vì "trường cũng cách chỗ con cỡ 4-5 cây số". Ông còn ao ước có tiền mua cho con máy tính vì nghe nói làm sinh viên phải có máy để học. 

Ông chia sẻ: "Tôi chỉ mong con học thành tài, con cứ học cho giỏi đừng lo nghĩ chuyện nhà, đừng lo chuyện báo đáp cha mẹ".

Khi chúng tôi tìm đến chỗ làm của Huệ, cô tân sinh viên nhỏ nhắn đang tất tả rửa ly, lau bàn, bưng nước cho khách. Quệt giọt mồ hôi trong buổi trưa nóng bức, em nói sẽ quyết tâm học và trở thành một phiên dịch viên đúng như ngành học em yêu thích: Ngôn ngữ Trung. Nhắc tới quê nghèo cùng bao nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, mắt em đỏ hoe, rồi sau đó lại cười tươi khi nói về ước mơ của mình…

Cô Phạm Thị Kim Thoa, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 12 của Huệ - Hường, cho biết hai chị em học giỏi và rất chăm chỉ. Khi có chuyện buồn, Huệ hay nhắn tin hoặc gọi điện thoại kể cho cô giáo nghe. Huệ cũng từng chia sẻ với cô giáo rằng cảnh nhà khó khăn, có lẽ em sẽ không đi học tiếp được.

"Tôi động viên và nói rằng em học rất tốt, phải cố gắng vượt qua khó khăn. Sau này học xong em có việc làm, có thể giúp đỡ gia đình và có một tương lai tốt hơn. Lên đại học, em có thể đi làm thêm trang trải cho việc học, đừng từ bỏ", cô Thoa chia sẻ.

Chia sẻ