“Chỉ có vaccine phòng COVID-19 mới có thể tạo được miễn dịch cộng đồng”

PV,
Chia sẻ

Các chuyên gia y tế cho rằng, vaccine COVID-19 là chìa khóa quan trọng, vũ khí hữu hiệu để chống lại virus SARS-CoV-2. Chỉ có tiêm vaccine, chúng ta mới có thể tạo được miễn dịch cộng đồng.

Theo BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, vaccine COVID-19 là chìa khóa rất quan trọng, chỉ có con đường tiêm vaccine thì chúng ta mới có thể tạo được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, khi đã xác định được vai trò của vaccine thì bằng mọi cách phải tiến hành được việc tiêm chủng càng sớm, càng tốt. Tuy nhiên bất cứ thuốc gì cũng có tỷ lệ phản ứng, nhưng mức độ rất thấp.

BSCKII Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cũng cho rằng, việc tiêm vaccine COVID-19 là vũ khí hữu hiệu trong việc chủ động tấn công lại virus SARS-CoV-2. Trước đây lượng bệnh nhân ít, chúng ta có thể làm công tác khoanh vùng, dập dịch, tuy nhiên khi dịch lan ra cộng đồng, vaccine là phương án tối ưu để tạo hàng rào miễn dịch đối với cộng đồng.

“Chỉ có vaccine phòng COVID-19 mới có thể tạo được miễn dịch cộng đồng” - Ảnh 1.

Cũng theo BS Khiêm, lượng người tiêm vaccine càng nhiều thì hàng rào ấy càng vững chắc. “Với mỗi một người được tiêm vaccine tức là thêm 1 chiến sĩ để chống lại COVID-19” - BS Khiêm chia sẻ.

Về những lo ngại trước một số phản ứng của vaccine COVID-19, BS Khiêm cũng cho biết, vaccine cũng giống như tất cả các loại sinh phẩm khác, đều có những tỷ lệ phản ứng nhất định khi vào cơ thể, nhưng tỷ lệ này nằm trong giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, mỗi sinh phẩm đưa ra thị trường, đặc biệt là với vaccine được tiêm trên diện rộng, nhà sản xuất cũng như các tổ chức liên quan đều có những thử nghiệm, xác chẩn nhất định về tính an toàn. Vì vậy, việc chúng ta cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại khi tiêm vaccine thì lợi ích có nhiều hơn thiệt hại, do đó mọi người nên tin tưởng vào vaccine và tiêm càng sớm càng tốt.

Sáng 29/5, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc" do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, báo cáo về việc thực hiện chiến lược vaccine, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết mục tiêu là tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, tuy nhiên nhu cầu vaccine ở các nước rất lớn, tình trạng khan hiếm trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có 1 loại chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn thứ 3, Bộ Y tế đã tích cực đàm phán, tìm kiếm tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19 trên thế giới. Cho tới nay, Việt Nam đã có ký kết, cam kết hơn 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, tiến độ cung ứng vaccine cũng cần hết sức được quan tâm để các lô vaccine về sớm nhất. Bộ Y tế khẳng định ưu tiên cho Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho người dân tại hai địa phương này nhanh nhất có thể.

“Chỉ có vaccine phòng COVID-19 mới có thể tạo được miễn dịch cộng đồng” - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Trước đó, chiều 28/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc họp trực tuyến với công ty Zuellig Pharma là đơn vị đại diện cung ứng vaccine phòng COVID-19 của Moderna cho Việt Nam.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Zuellig Pharma cung ứng vaccine cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất với giá cả hợp lý nhất để ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch. Đại diện Zuellig Pharma cam kết sẽ sớm thảo luận với Moderna các đề xuất của Việt Nam.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc với đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm: Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM); Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EURO CHAM); Hiệp hội Doanh nghiệp Anh; Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản và các công ty Samsung Việt Nam, SK, LG … để thảo luận về vấn đề cung ứng vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam cũng như việc tiêm chủng vaccine cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp.

GS Nguyễn Thanh Long khẳng định, tiếp cận vaccine phòng COVID-19 là một trong những ưu tiên không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Quan điểm của Việt Nam là làm thế nào để có thể tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng vaccine rộng nhất.

“Chỉ có vaccine phòng COVID-19 mới có thể tạo được miễn dịch cộng đồng” - Ảnh 3.

Chia sẻ