Chết tôi rồi!

Hải Anh,
Chia sẻ

Khi hỏi con quyển sách Toán quên ở đâu, sau một hồi ngẫm nghĩ, cu Zĩn buông ngay một câu: “Chết m. tôi rồi, quên sách ở lớp rồi” khiến chị Trang há hốc mồm.

Bé Huy học ở một trường điểm trong thành phố. Cuối tuần nào đi học về cũng có một phiếu bé ngoan khiến ba mẹ vui lắm. Vậy mà tuần này không thấy Huy tíu tít khoe với mẹ phiếu bé ngoan như mọi lần. Mẹ ngạc nhiên lắm. Gạn hỏi thì Huy chỉ im lặng không nói gì. Mãi đến khi gặp cô giáo chủ nhiệm mẹ mới biết dạo này Huy hay nói bậy khiến các bạn trong lớp bắt chước theo.

Một lần bắt gặp Huy chơi với các bạn trong xóm và la hét: “Đập chết m. nó đi”, “Khốn kiếp”... Bị mẹ tra hỏi, Huy khai: “Bố toàn nói thế thôi”. Thì ra mỗi lần ba bé Huy ngồi cổ vũ chú Huy chơi game, bố hay phát ngôn những câu như thế mà không hề để ý Huy đang ngồi chơi ngay cạnh đó và cũng không ngờ con lại học lỏm nhanh đến thế.

Cũng có con bị nhiễm ngôn ngữ xấu từ... ông bà nội là chị Trang (Vĩnh Phúc). Ở nhà, bà nội hay nói tục làm cu Zĩn cũng bị nhiễm theo. Hôm vừa rồi kiểm tra lại sách vở của con thì thấy thiếu quyển sách Toán, hỏi con thì Zĩn ngẫm nghĩ một lúc rồi như chợt nhớ ra, bảo: “Chết m. tôi rồi, quên sách ở lớp rồi” làm chị Trang muốn... mếu. Chị đã dạy con không được nói thế vì như vậy là xấu, nhưng cứ lâu lâu lại thấy Zĩn buột miệng: “Chết m. tôi rồi”. Bà nội từ ngày thấy cháu bị “nhiễm” cũng chừa luôn không dám nói câu cửa miệng ấy nữa.

Có lúc, Zĩn còn bắt chước theo ông nội, cứ tè dầm xong là lẩm bẩm: “Đái m. nó ra quần rồi” khiến mẹ Zĩn dở mếu dở cười.

Trẻ lên 3 cả nhà tập nói. Vẫn biết là con trẻ còn non nớt, chưa thể phân định điều đúng – điều sai nhưng chị Trang vẫn lo, khó có thể góp ý với bố mẹ chồng nhưng cũng không biết phải dạy con ra sao.

Các chuyên gia cho rằng, ở lứa tuổi 2-6, các bé rất thích bắt chước. Bởi thế, bé có thể nói lại y hệt những câu từ bố mẹ, ông bà, hay người xung quanh mà bé nghe được. Không chỉ nói, các bé còn bắt chước y chang cả hàng động, việc làm của người xung quanh mà bé được tiếp xúc. Trong khi đó, ở độ tuổi này, bé chưa ý thức được lời nói nào là đúng – sai, là nên hay không nên...
 
Nói bậy không phải là lỗi của con trẻ bởi bé không phân biệt được thế nào là nói bậy mà chỉ cố gắng bắt chước tất cả những lời mà mình nghe được. Do đó, khi thấy con nói bậy, cha mẹ phải giải thích ngay, giúp con nhận ra rằng nói như thế là không tốt. Tỏ thái độ nghiêm khắc, không hài lòng và nói với con rằng cách nói đó không tốt, không được học theo. Chính nhờ thái độ này của bố mẹ, các bé sẽ thấy vấn đề có vẻ phức tạp đây, phải dừng lại thôi.
 
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần tìm hiểu xem bé ảnh hưởng cách nói bậy từ ai và trực tiếp góp ý với người đó hoặc chủ động tránh cho bé tiếp xúc với nguồn ngôn ngữ không được trong sáng này.
 
Trong quá trình học nói, rất ít trẻ em tránh được việc nói bậy. Tuy nhiên, bố mẹ cần phát hiện sớm và giúp trẻ loại bỏ tình trạng này càng nhanh càng tốt.
 

Cơ hội trổ tài cho các bạn nấu ăn ngon chụp ảnh đẹp đây: click vào GIA ĐÌNH KHEN NGON để xem thể lệ dự thi và xuýt xoa với giải thưởng nào!!!

Chia sẻ