Cháu trai thấp còi nhưng bà nội vẫn khẳng định chắc nịch 'gen nhà tôi cao lớn'

Khánh Chi,
Chia sẻ

Chiều cao của con bạn không hoàn toàn phụ thuộc vào di truyền mà nó vẫn có thể cải thiện trong quá trình nuôi dưỡng với dinh dưỡng, môi trường phù hợp.

Chị Đỗ Thị Dung (Thanh Xuân, Hà Nội) cho con trai 4 tuổi đi khám tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia vì thấy con gầy gò, xương ức nhô cao và chân tay khẳng khiu.

Theo chia sẻ của chị Dung, hằng ngày chị đi làm xa nhà 30km nên gửi gắm con cho ông bà nội chăm sóc. Lúc đầu chị rất tin tưởng ông bà vì ai cũng bảo mẹ chồng chị có tay nuôi trẻ nên 4 người con của bà đều cao lớn.

Tuy nhiên, không hiểu sao con trai chị càng thêm tuổi càng có biểu hiện còi cọc, thấp bé hơn các bạn cùng trang lứa. Chị nhiều lần muốn cho con đi khám dinh dưỡng nhưng mẹ chồng lại giận dỗi bảo "nhà này gen cao lớn thì nuôi kiểu gì sau này nó vẫn cao lớn".

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm theo chỉ định, bác sĩ kết luận con trai của chị Dung đã bị suy dinh dưỡng, nguyên nhân có thể là do chế độ ăn uống, vận động không hợp lý.

Nói về vấn đề trên, BS.CKII Hoàng Thị Tín - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, so với 10 năm trước thì chiều cao của người Việt đã cải thiện đáng kể: chiều cao trung bình nam giới tăng 3,7cm, nữ tăng 2,6cm.

Tình trạng thấp còi cũng giảm, nếu 15 năm trước tỷ lệ thấp còi chiếm 30% thì theo điều tra mới nhất tỷ lệ này còn dưới 20%. Trong khu vực Đông Nam Á, thanh niên Việt Nam chỉ thấp hơn Thái Lan, Singapore.

Theo BS Hoàng Thị Tín, có 4 yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao gồm: di truyền, sức khỏe toàn diện của trẻ, dinh dưỡng và môi trường (tâm lý, trẻ không căng thẳng tâm lý, giấc ngủ đầy đủ, hoạt động thể lực).

Cháu trai thấp còi nhưng bà nội vẫn khẳng định chắc nịch 'gen nhà tôi cao lớn' - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đối với yếu tố di truyền chiều cao được nhiều phụ huynh quan tâm, BS Hoàng Thị Tín cho biết yếu tố này ở nước phát triển chiếm tới 50-60%, còn các nước đang phát triển là 20 – 40 %.

Người ta có thể tạm tính chiều cao lúc trưởng thành của con gái theo công thức: (chiều cao bố + chiều cao mẹ - 13) : 2

Nếu là con trai thì dùng công thức: (chiều cao bố + chiều cao mẹ + 13) : 2

Ví dụ: bố cao 159cm, mẹ cao 148 cm thì con gái trưởng thành có chiều cao trung bình 147cm, con trai cao trung bình 160 cm.

Tuy nhiên, đó chỉ là cách tạm tính chiều cao còn thực tế rất nhiều bố mẹ "chim chích" nhỏ bé nhưng vẫn có con cao lớn. Vậy nên khi đánh giá chiều cao của đứa trẻ phải đánh giá theo một tiến trình dài.

Trường hợp bố mẹ nhỏ bé nhưng nuôi con đúng cách thì con vẫn có thể cao lớn. Đôi khi bố mẹ thấp lùn do thiếu dinh dưỡng chứ không phải gen bố mẹ lùn.

Bố mẹ thấp lùn vẫn cần phát huy tối đa gen chiều cao của con bằng các yếu tố còn lại như dinh dưỡng, sức khỏe, môi trường.

Cha mẹ có thể tự đo chiều cao của con nhưng phải đúng cách để có chỉ số chính xác. Ví dụ, trẻ dưới 2 tuổi đo nằm cần hai người thực hiện, 1 người giữ đầu bé, giữ gối thẳng và 1 người đo.

Trẻ trên 2 tuổi có thể đo đứng. Khi đo trẻ phải có đầu, vai, mông, bắp chân tiếp xúc mặt tường, người đo phải hạ mình xuống thấp mới đo chính xác được. Việc thực hiện sai kỹ thuật khiến nhiều mẹ đo con xong lại thấy con thấp đi hoặc không tăng chiều cao.

Tổ chức Y tế thế giới - WHO có thang đánh giá chỉ số cân nặng - chiều cao của cơ thể theo độ tuổi để kiểm tra chiều cao, cân nặng phù hợp hay không. Các bác sĩ dinh dưỡng cũng có quan điểm rất rõ trong điều trị dinh dưỡng cho trẻ đó là không phải chuyển đứa trẻ từ còi xương sang béo phì.

Khi theo dõi dinh dưỡng cho trẻ cần theo dõi kỹ lưỡng. Cha mẹ có thể theo dõi cân nặng, đánh dấu thời điểm cân, đo để tiện so sánh các mốc phát triển của con.

Đối với các thời điểm tăng chiều cao cho con, BS Hoàng Thị Tín cho biết, giai đoạn vàng can thiệp chiều cao của con là 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ và 1 năm đầu đời.

Trong năm đầu tiên đứa trẻ có thể tăng chiều cao gấp rưỡi. Sau đó từ 1 đến 3 tuổi đứa trẻ tăng 1cm/ tháng; 3 đến 5 tuổi chỉ tăng 2– 5cm/năm tùy theo trẻ.

Giai đoạn can thiệp chiều cao sau đó là tiền dậy thì khi bé gái 12,5 tuổi, bé trai 13,5 tuổi. Vì thế khi trẻ qua 10 tuổi thì cha mẹ có thể chú ý can thiệp chiều cao. Đó là cơ hội cuối cùng nếu cha mẹ muốn can thiệp tăng chiều cao cho con.

Bảng chiều cao cân nặng chuẩn của bé trai, bé gái từ 0-10 tuổi theo WHO:

Cháu trai thấp còi nhưng bà nội vẫn khẳng định chắc nịch 'gen nhà tôi cao lớn' - Ảnh 2.

Chia sẻ