Cháu hư tại... ông bà

,
Chia sẻ

"Chị chải đầu xong phải chú ý dọn dẹp tóc rụng chứ, để sàn nhà bẩn thế này à" - Bé Hiếu (6 tuổi) một tay chống nạnh, một tay chỉ thẳng vào mặt mẹ.

Giọng của bé được sao chép y nguyên từ bà nội. Chị Nhung - mẹ bé chưa kịp quay lại nhắc nhở con thì bà nội kịp thời xuất hiện và không dứt lời khen ngợi bé: “Con giỏi quá, mới ít tuổi đầu mà đã có ý thức vệ sinh”. Sau đó, bà còn quay lại khẽ trách chị: “Đấy, con phải học tập thằng bé ấy”.

Giống như nhiều cặp vợ chồng khác, hai vợ chồng chị Nhung cũng bận bịu với công việc cả ngày nên từ nhỏ, bé Hiếu đã được giao cho bà nội chăm nom. Thấy bà nội thương yêu cháu, chị cũng yên tâm nhưng chính vì bà chiều quá lại khiến bé trở nên uơng bướng.

Nhiều lần tức giận, chị mới phát vào mông con hai cái, thằng bé đã thách thức: “Mẹ dám đánh con, con sẽ mách bà ‘trị tội’ mẹ” hoặc “Mẹ không thương con. Con không cần mẹ, con chỉ cần bà thôi”. 

Bé còn ngấm ngầm “trả thù” lại mẹ theo cách riêng. Nhiều lần, chị Nhung phải cuống cuồng tìm giầy trước khi đi làm. Có hôm, thằng bé cười khành khạch, đắc chí: “Giày của mẹ ở dưới gậm giường ấy. Mẹ có giỏi thì chui xuống mà lấy”. Xong, bé nhanh chân lên phòng riêng, khóa trái cửa lại.

Bà nội chính là người “dung túng” cho kiểu ăn nói “vô lễ” của bé. Được hôm mẹ về sớm, tạt qua hiệu bánh ngọt mua cho con vừa cắn một miếng, thằng bé đã “ném toẹt” xuống sàn lớn tiếng “Cái này chả ngon. Ai thèm ăn”. Quá giận con, chị vớ ngay chiếc chổi quét nhà gần đó nhưng chưa kịp dạy con, bà nội đã xô tới can thiệp “Trời đánh tránh miếng ăn. Nó không thích ăn thì thôi chứ, sao chị đánh nó”.

Nói giọng địa phương như ông

Khác với chị Nhung, chị Hương giao toàn quyền chăm con cho ông nội. Bé Tú – con trai chị vừa bước vào tuổi tập nói nên bi bô suốt ngày. Có lần, "chị suýt" ngất khi nghe con ngọng nghịu “tau, mi” - kết quả học được từ ông nội (ông có quê gốc ở miền trung).

Không những thế, kỹ năng phát âm của bé Tú cũng không được chuẩn xác. Hàng xóm vẫn trêu vui rằng, không biết bé đang nói tiếng Anh hay tiếng Pháp. Nhiều lần, chính chị Hương và ông xã phải nhờ ông nội “phiên dịch” hộ vì không hiểu bé muốn đòi thứ gì.

Khéo léo khi dạy con cùng ông bà

Nhiều bé được ông bà chăm sóc từ nhỏ thường có xu hướng nghe lời ông bà nhiều hơn bố mẹ. Lời khuyên cho người mẹ là ngay từ đầu, nên dành thời gian quan tâm đến con thay vì giao toàn quyền cho ông bà chăm sóc. Cha mẹ nên thể hiện tiếng nói của mình với bé từ sớm để tránh tình trạng bé ngang ngược, thích cãi lại.

Các bậc phụ huynh cũng nên kiên trì, thống nhất phương pháp giáo dục bé với ông bà để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nếu do sơ suất, bé lỡ nhiễm phải hành vi, ngôn từ không phù hợp từ phía ông bà, cha mẹ cũng không nên hốt hoảng, nhất là không nên vội vã đánh con vì bé chưa thể nhận thức hết được tác hại từ những cử chỉ đó của mình. Cha mẹ nên khéo léo trao đổi với ông bà để xử lý nghiêm và giúp bé chấm dứt những hành vi thiếu lễ phép đó.

Với những bé trong độ tuổi học nói, bé sẽ dễ bắt chước cách phát âm, từ ngữ trực tiếp từ người trông nom bé. Do đó, cha mẹ nên tìm cách tăng cường giao tiếp đồng thời thường xuyên sửa lỗi phát âm để bé mau tiến bộ.
 
Theo Me&be
Chia sẻ