Chàng trai dân IT lương 22 triệu/tháng nhưng vẫn không để dành nổi 20 triệu/năm

Quỳnh Chi,
Chia sẻ

Xem ra có vợ giữ "tay hòm chìa khóa" là một điều rất tốt, các anh chàng độc thân ạ!

Anh Vương quê ở Đà Nẵng, sống ở TPHCM, đi làm được gần 5 năm, từ mức lương ban đầu là 7 triệu, sau khi nhảy việc nhiều lần, cuối cùng cách đây hơn 1 năm anh cũng tìm được chỗ làm ưng ý với con số 22 triệu tiền lương 1 tháng. Ngày xưa lương 7 triệu anh tiêu kiểu 7 triệu, đến khi 22 triệu anh tiêu kiểu 22 triệu, thế nên anh vẫn gần như chả dư ra được đồng nào.

Trước đây anh ở trọ xóm sinh viên, tiền trọ chỉ chừng 1 triệu 1 tháng, bây giờ qua công ty mới, lương cao, anh thuê hẳn cái phòng trọ rộng rãi gần công ty, ở một mình với giá 2.3 triệu hàng tháng. Thêm tiền điện nước, tiền mạng, tiền cáp tivi là gần 3 triệu đồng.

Chàng trai dân IT lương 22 triệu/tháng nhưng vẫn không để dành nổi 20 triệu/năm - Ảnh 1.

Anh Vương (ảnh) ra trường đã 5 năm, đi làm có mức lương tốt nhưng vẫn than thở vì không dành dụm được tiền.

Là đàn ông con trai nên anh Vương không nấu nướng ở nhà. Buổi sáng anh thường ăn 1 cái bánh mì 15.000 đồng hoặc 1 tô phở, hủ tiếu, bánh canh gì đó 25.000 đồng và 1 ly cafe take away 12.000 đồng. Trung bình anh tốn khoảng 30.000 đồng tiền ăn sáng mỗi ngày. Khu công ty anh làm giá đồ ăn trưa khá cao so với những nơi khác. Trời Sài Gòn buổi trưa nắng nóng, quán 35.000 đồng chen chúc, nóng nực, đồ ăn lại không ngon nên anh thường ăn cơm văn phòng 40.000 - 50.000 đồng ở quán cafe cho có máy lạnh, rộng rãi lại thoải mái, có chỗ ngả lưng buổi trưa. Tối anh cũng ăn ngoài, lúc thì ăn 1 mình, lúc đi cùng bạn gái. Tiền ăn tối của anh thường dao động ở khoảng 1.5 triệu 1 tháng.

Cuối tuần anh và bạn gái hay mua đồ về nấu ăn. Tuy nhiên thay vì nấu ăn để tiết kiệm như nhiều người, cuối tuần là dịp để anh mua đồ ăn ngon về nấu. Lúc thì là cua ghẹ, hải sản, lúc lại là bò tơ Củ Chi, cá Tầm Đà Lạt,... Thường thì mỗi ngày cuối tuần anh tiêu khoảng 400.000 đồng 2 buổi trưa và tối cho 2 người.

Chàng trai dân IT lương 22 triệu/tháng nhưng vẫn không để dành nổi 20 triệu/năm - Ảnh 2.

Kiếm nhiều tiêu nhiều, đó là tâm lý chung của nhiều cánh mày râu. Ảnh minh họa.

Anh Vương quan niệm "mình làm ra tiền thì mình có quyền xài tiền mình làm ra" nên khá thoải mái trong chuyện chi tiêu. Cuối tuần anh thường đưa bạn gái đi coi phim ở rạp phim gần nhà. Phim nào 2D thì 220.000 đồng 2 vé 2 người, phim nào 3D thì 440.000 đồng 1 ghế đôi, thêm 1 phần combo 2 nước vừa 1 bắp lớn khoảng 220.000 đồng hoặc 1 combo đặc biệt kèm quà tặng cỡ 300.000 đồng. Tiền cafe, trà sữa thì chỉ khoảng 150.000 đồng 1 tuần mà thôi. Cũng nhiều người hỏi sao không đặt vé đi coi mấy ngày Happy day, có khuyến mãi cho rẻ, anh Vương nói những ngày đó quá đông, khó đặt được ghế tốt, 1 tháng cũng coi chừng 2 lần nên anh thích đi cuối tuần hơn cho thoải mái.

Ngoài ra anh cũng thường xuyên đi cafe cùng đồng nghiệp, bạn bè đại học hoặc bạn bè cùng quê. Một tuần thường anh sẽ có 3-4 cái hẹn như thế, chi phí thường của ai người nấy trả, nên mỗi cuộc hẹn anh tốn khoảng 50.000 – 65.000 đồng.

Anh và bạn gái ở trọ gần chỗ nhau, cũng gần chỗ anh làm nên tiền xăng xe 1 tháng không nhiều, có chăng chỉ là tiền xăng chạy xe đi dạo, đi hẹn hò cuối tuần nên chi phí này chừng 500.000/tháng. Anh đi làm xa quê, thường xuyên điện thoại về nhà cho ba mẹ nên dùng gói cước trả sau của một nhà mạng để được miễn phí 10 phút nội mạng, thêm chi phí gọi ngoài mạng thì tiền điện thoại khoảng 300.000 đồng một tháng.

Chàng trai dân IT lương 22 triệu/tháng nhưng vẫn không để dành nổi 20 triệu/năm - Ảnh 3.

Tình phí cũng là 1 khoản đáng kể phải chi. Ảnh minh họa.

Công ty anh 1 năm thường có 2 chuyến du lịch, công ty hỗ trợ 1 phần, nhân viên đóng thêm 1 phần. Dự án anh làm thường góp tiền theo tháng, cứ đến ngày nhận lương mỗi nhân viên lại đóng vào 300.000 đồng, để dành đấy, bao giờ đi du lịch là có sẵn tiền rồi. Anh Vương còn đang mua trả góp xe máy (PV - Giá 55 triệu bao gồm phí giấy tờ) nên mỗi tháng hết khoảng 3 triệu tiền trả ngân hàng.

Tiền hiếu hỷ một tháng của anh chừng 1 - 2 triệu tùy tháng, có tháng nhiều, có tháng ít. Tiền mua đồ lặt vặt (dầu gội, sữa tắm, nước giặt, nước xả, bọt cạo râu, sữa rửa mặt…) và tiền mua quần áo 1 tháng của anh chừng 1 – 1.5 triệu.

Bỏ qua tất tần tật những chi phí đã kể trên, hàng tháng anh Vương vẫn dư ra được khoảng 4-5 triệu. Tuy nhiên, anh là dân IT nên lâu lâu lại đổi điện thoại laptop và mua đồ chơi công nghệ nên cũng tốn kha khá tiền, khi thì anh mua bàn phím mới, lúc thì headphone mới, loa mới,...

1 năm anh về quê khoảng 4 lần, chi phí bay đi bay về TPHCM - Đà Nẵng khoảng 1.5 triệu 1 lần, tiền quà cáp, tiền biếu bà nội, bố mẹ và cho em gái khoảng 6 triệu 1 lần. Ngoài 2 chuyến du lịch cùng công ty, anh cũng thường xuyên đi du lịch cùng bạn bè. Gần như Vũng Tàu, Phan Thiết thì nhóm anh chơi hay tự chạy xe máy đi, chi phí cho mỗi chuyến đi khoảng 800.000 đồng/ người/ chuyến. Xa như Đà Lạt, Nha Trang thì nhóm anh đi xe giường nằm, đi 3 ngày 2 đêm, chi phí khoảng 2.000.000 đồng/ người/ chuyến. Mỗi năm anh dành ra khoảng 6.000.000 đồng cho việc đi du lịch cùng bạn bè.

Chi tiết chi tiêu hàng tháng của anh Vương và tiền để dành sau 1 năm:

- Tiền thuê nhà, điện, nước, mạng, cáp tivi: 3.000.000 đồng

- Tiền ăn sáng: 30.000 đồng * 30 = 900.000 đồng

- Tiền ăn trưa (trong tuần): 45.000 đồng * 26 = 1.170.000 đồng

- Tiền ăn tối (trong tuần): 1.500.000 đồng

- Tiền ăn trưa + tối (cuối tuần): 400.000 đồng * 4 = 1.600.000 đồng

- Tiền café cùng bạn bè: 200.000 đồng * 4 = 800.000 đồng

- Tiền coi phim: 220.000 đồng + 440.000 đồng + 220.000 đồng * 2 = 1.100.000 đồng

- Tiền xăng xe: 500.000 đồng

- Tiền điện thoại: 300.000 đồng

- Tiền góp tiền đi chơi cùng dự án: 300.000 đồng

- Tiền mua xe trả góp: 3.000.000 đồng

- Tiền hiếu hỷ: 1.500.000 đồng

- Tiền mua đồ lặt vặt + quần áo: 1.000.000 đồng

Tổng cộng: 16.670.000 đồng / tháng

Chi tiêu theo năm của anh Vương:

- Chi phí sinh hoạt hàng tháng: 16.670.000 đồng * 12 = 200.040.000 đồng

- Tiền đổi điện thoại, laptop, mua đồ công nghệ: 15.000.000 đồng

- Tiền máy bay về quê hàng năm: 1.500.000 đồng * 4 = 6.000.000 đồng

- Tiền biếu bà nội, bố mẹ, cho em gái: 6.000.000 đồng * 4 = 24.000.000 đồng

- Tiền du lịch cùng bạn bè: 6.000.000 đồng

Tổng cộng: 251.040.000 đồng / năm

Lương anh Vương 1 năm (bao gồm lương tháng thứ 13, không có thưởng Tết, trừ thuế):

(22.000.000 đồng lương – 1.200.000 đồng thuế) * 13 = 270.400.000 đồng

Tiền để dành được: 19.360.000 đồng / năm

Như vậy, mặc dù còn độc thân và có mức lương kha khá nhưng sau một năm đi làm, với cách chi tiêu của mình anh Vương chỉ để dành được khoảng 20 triệu đồng và mua được một phần chiếc xe máy mới. Tôi lại nghĩ đến lời nói đùa như thật trước lúc ra về của anh: "Chắc bạn gái ra trường anh cầu hôn nàng rồi cưới vợ luôn quá! Để vợ giữ tiền, vợ quản chi tiêu, chứ cứ đà này, bao nhiêu tiền làm ra anh cũng chả giữ được đồng nào cho đến ngày lấy vợ đâu."

Hóa ra, thu nhập cao ko đồng nghĩa với để dành được nhiều tiền. Thói quen chi tiêu do sở thích, quan điểm mỗi người quyết định nhưng với các chàng độc thân chưa vợ, chuyện để dành tất nhiên là khó khăn hơn các anh cưới được người vợ giữ tay hòm chìa khóa.

Chia sẻ