Chăm sóc bệnh nhi mắc sởi: Giấu giọt nước mắt trong nhà vệ sinh

Nhã Đan, ảnh: Chí Toàn,
Chia sẻ

Các y, bác sĩ, vẻ ngoài rắn rỏi, luôn động viên tinh thần bố mẹ các bệnh nhân nhi mắc sởi, nhưng cũng đã có lúc phải chạy vào nhà vệ sinh để gạt giọt nước mắt xót thương...

Tại khoa khám bệnh, chứng kiến hàng trăm con người từ trẻ nhỏ bị bệnh tới bố mẹ đứng ngổn ngang, người ôm con khóc thổn thức não nề, người vạ vật nhìn con thở khó nhọc bên chiếc máy thở to kềnh, giữa hàng trăm tiếng khóc, nghe từng tiếng thở nặng nề của trẻ… bác sĩ, điều dưỡng dù là người cứng rắn nhất cũng phải bật khóc.

Đó là tâm sự rất thật của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Tình hình dịch sởi năm nay diễn biến vô cùng phức tạp, có trẻ mắc sởi sáng nhập viện vẫn chơi đùa nhưng chiều đã tử vong; có gia đình hai con cùng mắc sởi, một bé đã tử vong, bé còn lại đang trong tình trạng suy hô hấp nặng...

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, đến ngày 24/4, khoa Nhi đã tiếp nhận hơn 160 ca nhiễm sởi, trong đó có tới 8 trường hợp tử vong. Bình thường khi nhiễm sởi, trẻ có dấu hiệu phát ban rồi mới dẫn tới biến chứng cụ thể nhưng dịch năm nay, virus sởi tấn công trực diện vào phổi gây viêm và suy hô hấp nặng trong một thời gian rất ngắn. Trong 8 ca tử vong trên, có 4 trường hợp mắc sởi suy hô hấp phổi trong vòng 3 ngày đầu. 

Chăm sóc bệnh nhi mắc sởi: Giấu giọt nước mắt trong nhà vệ sinh 1
Y bác sĩ tận tâm cứu chữa những em bé bị bệnh 

Là một người gắn bó lâu năm trong nghề, lại rất cứng rắn nhưng khi nhắc tới những trường hợp trẻ tử vong do sởi năm nay, bác sĩ Tiến Dũng không khỏi nghẹn ngào: “Buộc lòng phải chứng kiến những cái chết đau đớn của các cháu, tôi cảm thấy bất lực, đó là những hình ảnh ám ảnh tôi nhất từ trước tới nay. Bạn có hình dung được không cái cảm giác mọi y bác sĩ trong khoa đều cố gắng, nỗ lực, quên ăn quên ngủ để cứu chữa nhưng hơi thở các cháu vẫn ngày càng yếu đi, lồng ngực nhỏ bé cứ lõm lên, gập xuống rồi chúng tôi biết, mọi sự nỗ lực đều không lại khi tiếng thở lần cuối của các cháu trút xuống. Đó là nỗi đau đớn mà chúng tôi không biết diễn tả như thế nào”...

"Lấy sự sống là niềm hi vọng, động lực làm việc"

Thay nhau, các y bác sĩ, điều dưỡng lại bước vào tua trực kéo dài liên tục gần 30 tiếng đồng hồ, từ sáng sớm tinh mơ của ngày hôm trước tới trưa ngày hôm sau. Bệnh viện Bạch Mai là một trong những bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nặng, vì vậy mà số ca bệnh nhi mắc sởi rất đông

Tuy nhiên bác sĩ Dũng tự hào khi Bạch Mai có khoa chống nhiễm khuẩn đầu ngành, máy thở và các dụng cụ phục vụ y tế luôn được đảm bảo vệ sinh có quy trình rõ ràng, tại Bạch Mai chưa có trường hợp nào bị nhiễm chéo. 

Chăm sóc bệnh nhi mắc sởi: Giấu giọt nước mắt trong nhà vệ sinh 2
Cứ 30 phút, bác sĩ, điều dưỡng lại tua qua các phòng bệnh để kiểm tra tình trạng của bé

Để có chỗ cho bệnh nhi nằm, các phó trưởng khoa và các bác sĩ đã nhường phòng của mình để kê thêm giường, cũi cho các bé mắc sởi nằm chữa bệnh. Từ khi dịch sởi bùng phát toàn bộ nhân sự, từ lãnh đạo bệnh viện đến các bác sĩ, điều dưỡng đều phải thực hiện lệnh tổng động viên.

Hiện tại, bệnh viện Bạch Mai có trên 37 điều dưỡng viên, bác sĩ nội trú tăng cường lên con số 14. Có những bạn sinh viên thực tập, bệnh viện cũng yêu cầu “tăng ca”, ngày tập huấn, tối trực luôn. 

Bác sĩ, điều dưỡng trong ca trực đều đứng liên tục, đi nhanh hơn chạy, tay thoăn thoắt với khối công việc đồ sộ: thăm khám, truyền máu, lấy ven, cho bé thở máy, thăm hỏi động viên gia đình… Cứ  30 phút một lần, bác sĩ, điều dưỡng lại một lần đi kiểm tra các phòng bệnh. Mỗi ngày, bác sĩ, ý tá chỉ ăn cơm 5-7 phút lại tiếp tục quay lại với guồng quay đó. 

Chăm sóc bệnh nhi mắc sởi: Giấu giọt nước mắt trong nhà vệ sinh 3
Gần 30 tiếng đồng hồ đứng liên tục, đi nhanh hơn chạy, y bác sĩ tận tình và mong mỏi các bệnh nhi mau chóng lành bệnh

Sinh năm 1988, chưa có gia đình nhưng điều dưỡng Cao Thị Trang rất xúc động khi nhắc tới công việc của mình trong tâm sởi hiện nay: “Dù tôi chưa có con nhưng tôi hiểu được cảm giác con mắc bệnh là như thế nào, được sự đau đớn của gia đình khi nhìn những đứa trẻ lần lượt ra đi ra sao". 

Chị kể một trường hợp, không chỉ chị mà rất nhiều người bác sĩ, y tá đều khóc, có người cứng rắn hơn chạy nhanh vào nhà vệ sinh chỉ để lau dòng nước mắt khi chứng kiến một gia đình có hai cháu nhỏ tên Bảo Khánh, Bảo An, hai cháu cùng bị mắc sởi, một trong hai cháu vừa trút hơi thở cuối cùng.

Trong căn phòng đó, ai ai chứng kiến cũng không khỏi đau xót, không cầm được nước mắt nhìn gia đình cháu bé. Dường như dưới cặp mắt trũng sâu, những nếp nhăn hằn lên khuôn mặt, bố mẹ bé dường như quá mệt mỏi, không thể khóc thêm được giọt nước mắt nào nữa. 

Chăm sóc bệnh nhi mắc sởi: Giấu giọt nước mắt trong nhà vệ sinh 4

Chị Phạm Thị Trang, Điều dưỡng viên sinh năm 1991 cho biết: “Điều ước lớn nhất hiện tại của tôi đó là dịch sởi hãy qua nhanh. Có thời điểm tôi muốn quỵ ngã không thể đứng vững khi nhìn cảnh các bé ngày một ốm yếu. Nhưng ý nghĩ đó tôi phải cố tự an ủi mình để lấy lại sức lực để tiếp tục chăm sóc các bé”. 

Điều dưỡng này còn xúc động chia sẻ: “Tôi nhớ như in cảm giác hạnh phúc dâng trào khi một bệnh nhi chiến thắng căn bệnh. Trước khi ra về, cha mẹ và gia đình bé cùng đến nắm tay chúng tôi để cảm ơn. Những lúc mệt mỏi, sợ hãi, tôi lại nhớ lại câu chuyện này để lấy đó làm động lực làm việc. Nghề này áp lực, vất vả nhưng tôi biết sẽ chẳng thấm vào đâu với những khuôn mặt bơ phờ, hốc hác, trũng sâu của người cha người mẹ có con mắc bệnh sởi bị biến chứng. Là thầy thuốc, công việc có căng thẳng nhưng mình vẫn có thể về với gia đình sau ngày đó còn cha mẹ bé, biết bao người phải đau đáu, vất vả chăm con tại viện"...

Chăm sóc bệnh nhi mắc sởi: Giấu giọt nước mắt trong nhà vệ sinh 5
Điều dưỡng Lê Thị Hoài bật khóc trước những trường hợp em bé bị bệnh nặng

Điều dưỡng trưởng Lê Thị Hoài nghẹn ngào: “3 tuần gần đây là thời điểm tôi thấy căng thẳng, nặng nề vô cùng. Bạch Mai luôn là một bệnh viện có lượng bệnh nhân đông tuy nhiên đỉnh điểm phải nói tới tháng 4 này khi dịch sởi bùng phát. Không chỉ mình tôi, mà bất cứ y bác sĩ nào cũng cảm thấy bất lực trước sự ra đi của các con. 20 năm trong nghề, tôi chưa bao giờ cảm thấy xót xa như lần này, nhìn các con ra đi, yếu ớt thở mà mình không biết nên làm gì.

Với một người thầy thuốc, không gì buồn hơn, bất lực hơn là nhìn bệnh nhi mỗi ngày diễn biến nặng lên. Chúng tôi chỉ biết phải nỗ lực hết sức, hi vọng và hi vọng. Dù mệt, nhưng chúng tôi đều cố gắng, để gia đình cháu bé yên tâm, cháu bé nhanh khỏe, chúng tôi không cho phép mình được buông xuôi, mệt mỏi vào lúc này".

Chỉ với những bệnh nhân nặng này đã đủ quay cuồng, làm không xuể chưa kể lượng bệnh nhân đến khám từ sáng sớm tới đêm thâu cũng lên đến con số vài chục, thậm chí cả trăm trong những ngày cao điểm. Nhìn vào cường độ làm việc của y bác sĩ, ai cũng biết nếu không vì lòng yêu nghề, sự tận tâm, thì lấy đâu động lực, sức khỏe, tinh thần để vượt qua những căng thẳng trong tâm sởi như lúc này.
Chia sẻ