Cha mẹ cảnh giác khi vào mùa tiêu chảy do Rotavirus

,
Chia sẻ

Một tháng trở lại đây, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương luôn trong tình trạng quá tải phải nằm ghép 2-3 trẻ một giường bệnh. Trong đó, chủ yếu là trẻ bị tiêu chảy do rotavirus.

Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bên cạnh các bệnh về hô hấp, tiêu hóa cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều trẻ đến khám và nhập viện trong thời gian gần đây. Điều này không có gì là bất thường vì tỷ lệ trẻ bị tiêu chảy thường tăng hơn vào mùa đông xuân.

Khoa tiêu hóa chỉ có 25 giường, nhưng số trẻ nằm viện luôn dao dộng trong khoảng 50 cháu, có hôm lên lên tới 90 bé. Trong đó, rotavirus là nguyên nhân chủ yếu, chiếm khoảng 60%, tiến sĩ Hải cho biết.

Cha mẹ cần chú ý bù nước khi trẻ bị tiêu chảy nhiều lần. Ảnh: H.N.

Tiêu chảy cấp do Rotavirus hay tiêu chảy mùa đông là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virus Rota gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 3 tháng đến 24 tháng tuổi. Trong 5 năm đầu đời, hầu như không trẻ nào thoát khỏi tiêu chảy cấp do rotavirus.

Bác sĩ Bùi Thị Hương, phụ trách khoa Tiêu hóa cũng cho biết, sau khi bị lây nhiễm virus sau 1-4 ngày, trẻ bứt đầu có các triệu chứng như sốt nhẹ, quấy khóc, nôn, sau đó tiêu chảy, phân thường nhiều nước, đi nhiều lần trong ngày (phân màu xanh hoặc màu trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải). Ngoài ra, trẻ có thể ho, sốt nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng.

“Trẻ bị tiêu chảy thường rất mệt mỏi, sụt cân, kém ăn. Biến chứng nguy hiểm của bệnh là khô kiệt do mất nước, mất muối dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không được bù nước kịp thời”, bác sĩ Hương nói.

Cũng theo bác sĩ, trong việc điều trị bệnh, quan trọng nhất là bù dịch (bằng đường uống), bù kẽm (trong 10-14 ngày) và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bệnh thường kéo dài 3-7 ngày. Vì thế, cha mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ vẫn tiếp tục nôn trớ dù đã được truyền dịch và uống thêm kẽm.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy vì chúng không có tác dụng tiêu diệu virus mà còn làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài. Do đó, trẻ vẫn tiếp tục bị tiêu chảy, mà phân không được bài xuất ra ngoài, ứ đọng lại trong ruột gây chướng bụng, thủng ruột, tắc ruột, thậm chí dẫn đến tử vong.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị, cần lưu ý pha oserol đúng theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Tuyệt đối không tự ý chia nhỏ gói thuốc và pha làm nhiều lần. Nếu pha loãng hơn thì sẽ không có tác dụng bù nước và chất điện giải còn nếu đậm hơn thì khi uống vào tiêu chảy sẽ tăng lên.

“Cha mẹ nên đút từng thìa oserol một cho trẻ, 2 phút một lần, không nên cho bé tu hoặc uống liên tục. Uống nhiều và liên tục, oserol không những không hấp thu vào đường ruột mà lượng nước có thể mất nhiều hơn do bị nôn. Nếu trẻ bị nôn thì dừng lại 10 phút, sau đó cho uống lại với tốc độ chậm hơn”, bác sĩ Hương cho biết.

Ngoài ra, cũng theo các chuyên gia các bà mẹ không nên sử dụng các thuốc chống nôn. Việc dùng thuốc chống nôn có thể gây ức chế thần kinh, khiến trẻ ngủ li bì, khó phát hiện nếu tình trạng bệnh nặng hơn. Các loại nước lá ổi, nước gạo rang hay thuốc cầm tiêu chảy sẽ làm cho phân vón lại nhưng thực ra quá trình viêm trong ruột vẫn diễn ra. Trường hợp phân không thải ra ngoài sẽ tích lại khiến bụng trướng, khiến trẻ ăn uống kém, không tốt cho quá trình điều trị bệnh.

Cha mẹ cũng tránh kiêng khem quá mức như không cho trẻ uống sữa, chỉ cho trẻ ăn cháo trắng với muối. Như thế sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh nặng hơn.

Bệnh lây qua đường tiêu hóa, virus từ phân người bệnh bám vào bề mặt các vật dụng trong gia đình, qua tay bé hoặc người chăm sóc dễ xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Vì thế, để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ nên đưa con đi uống vắcxin. Ngoài ra, cần giữ gìn vệ sinh sống, vệ sinh bàn tay sạch sẽ.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ