Cha mẹ cần lắng nghe con thế nào?

Minh Nhật,
Chia sẻ

Chỉ khi lắng nghe, cha mẹ mới hiểu được tâm tư tình cảm, đau khổ của con từ đó tháo gỡ bế tắc của trẻ.

Cha mẹ là những người đầu tiên trong cuộc đời mà đứa trẻ giao tiếp và học cách giao tiếp. Trong giao tiếp lắng nghe là bước gợi mở đầu tiên trong mỗi cuộc trò chuyện. Việc cha mẹ chú ý lắng nghe giúp con tự tin bộc bạch, thổ lộ những suy nghĩ, cảm xúc trải nghiệm của mình. Ngược lại nếu cha mẹ không sẵn sàng lắng nghe con cái chia sẻ thì càng ngày đứa trẻ sẽ càng xa cách. Con rụt rè không dám thể hiện mình.

Dưới đây là một số chìa khoá giúp bố mẹ có được kỹ năng lắng nghe và trò chuyện cùng con:

1. Luôn trong tư thế sẵn sàng lắng nghe

Trước tiên cha mẹ dành thời gian tâm sự cùng con chú trọng sự tương tác qua đôi mắt. Khi con nói chuyện, cha mẹ thể hiện sự chân thành tôn trọng và có thái độ nghiêm túc lắng nghe.

Tiến sĩ tâm lý học Tina Payne Bryson khuyên rằng, khi cùng con trò chuyện, cha mẹ nên ngồi xuống cùng với trẻ. Bởi vì khi phụ huynh ngồi ngang bằng trẻ, con sẽ cảm thấy thoải mái hơn, thấy mình đang được tôn trọng. Cha mẹ tuyệt đối đừng nói chuyện riêng hay ngắt ngang lời con. Hãy để trẻ được nói hết suy nghĩ của mình trước khi bố mẹ muốn bày tỏ ý kiến. Thi thoảng phụ huynh hãy gật đầu, mỉm cười, hướng đôi mắt về phía con về chúng cảm thấy lời nói của mình được bố mẹ lắng nghe.

Cha mẹ cần lắng nghe con thế nào? - Ảnh 1.

2. Tập trung vào cuộc trò chuyện với con

Giao tiếp là một quá trình tương tác hai chiều. Bởi vậy khi trò chuyện với con, cha mẹ nên tập trung vào câu chuyện của trẻ. Nếu đang không thể tập trung được hãy nói với trẻ rằng: "Cha mẹ xin lỗi con có thể vui lòng trình bày lại được không?", hoặc "con có thể đợi bố mẹ trong hai phút để mẹ làm nốt việc này rồi lắng nghe con nói". Điều đó sẽ dạy cho trẻ rằng, trong một cuộc giao tiếp ai cũng cần được tôn trọng. Và con sẽ cảm thấy tâm tư của mình được lắng nghe.

3. Lắng nghe ý kiến của con trên nhiều phương diện

Phụ huynh cần thu thập tư liệu vấn đề của trẻ trên nhiều phương diện để tránh cái nhìn chủ quan phiến diện. Qua đó sẽ trở nên công tâm hơn, sáng suốt hơn khi giải quyết vấn đề trẻ đang khúc mắc.

Việc lắng nghe hiệu quả không đồng nghĩa với việc phải giữ im lặng. Đôi khi cha mẹ có thể hỏi lại con một số câu hỏi. Ví dụ khi con đang tức giận, mẹ có thể hỏi trẻ: "Con muốn mẹ giúp đỡ gì nào?". Những câu hỏi hay thường đưa ra lời tư vấn thuyết phục hoặc hướng đến sự giải quyết vấn đề cho trẻ. Hoặc khi trẻ kể 1 câu chuyện vui, mẹ hãy thêm những lời như "ồ", "thế ư", "tuyệt vời"… như thế trẻ sẽ hào hứng hơn kể nốt câu chuyện của mình.

4. Thường xuyên chủ động gợi ý để con tương tác với mình

Cha mẹ có thể hỏi trẻ những câu hỏi đơn giản, vui vẻ mà không mang tính chất điều tra như: "Hôm nay con học có vui không? Con và bạn bè kể chuyện gì vui? Bài tập có khó không? Có ai bắt nạt con không?...". Với trẻ không giỏi diễn đạt, thường ấp úng, hồi hộp, lo lắng, căng thẳng, bất an... mỗi khi đối diện người lớn, cha mẹ cần thường xuyên tâm tình, quan tâm, giúp con mạnh dạn chia sẻ tâm tư tình cảm, phản biện xã hội để thành công trong hiện tại và tương lai.

Cha mẹ cần lắng nghe con thế nào? - Ảnh 2.

5. Tạo bầu không khí vui vẻ

Muốn cuộc trò chuyện với trẻ đạt hiệu quả tốt hơn, cha mẹ cần tạo bầu không khí thân mật, gần gũi, pha trò, kể vài chuyện thú vị nhằm rút ngắn khoảng cách tình cảm giữa hai bên. Trong các cuộc tiếp xúc, cha mẹ cần hạ thấp mình xuống (cả nghĩa đen lẫn bóng) để sự tương tác trở nên gần gũi, thân mật, đôi bên dễ giãi bày tâm sự.

6. Nói lại những gì bạn nghe được

Cha mẹ có thể nói rằng: "Con thực sự rất tức giận!" hoặc "Con rất buồn đúng không". Khi gọi tên một cách chính xác và rõ ràng cảm giác của ai đó, sẽ giúp điều chỉnh toàn bộ hệ thống thần kinh của họ giúp họ bình tĩnh hơn.

Mọi sự việc không chỉ lắng nghe bằng tai mà cả bằng mắt, não bộ và trái tim. Trẻ con cũng có tình cảm và thế giới nội tâm riêng và luôn mong muốn được cha mẹ thấu hiểu. Bởi vậy, bạn hãy dành nhiều thời gian hơn cho con và rèn luyện kỹ năng lắng nghe, nói chuyện với con để hiểu hơn về các bé.

Chia sẻ