Cha đẻ của "Dạ cổ hoài lang" bị ung thư vòm họng nhưng ông vẫn âm thầm giấu kín cho đến phút nhắm mắt xuôi tay

HH,
Chia sẻ

NSƯT Thanh Hoàng trong mắt đồng nghiệp là người nghệ sĩ đáng kính dù nghèo khó, bệnh tật cũng quyết không để khán giả rủ lòng thương.

Anh thợ xây vô tình "va" phải nghệ thuật thành tác giả của vở kịch cháy vé suốt 20 năm

NSƯT Thanh Hoàng tên thật là Hồ Kim Hoàng, sinh năm 1963 trong một gia đình có 5 anh em. Vì nhà nghèo nên học hết lớp 9, ông phải nghỉ học đi làm công nhân xây dựng. Một lần, ông được người bạn rủ lên Sài Gòn đi thi vào trường Nghệ thuật sân khấu II. Nghe lời bạn, anh thợ xây Kim Hoàng vào phòng thi cho vui, ai ngờ lại đỗ mà bạn thì trượt. Thanh Hoàng đặt chân vào nghệ thuật đầy lạ lùng như thế.

Tốt nghiệp trường sân khấu, Thanh Hoàng về Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận công tác. Ông bắt đầu chấp bút các vở kịch cho các hội diễn nghệ thuật quần chúng, rồi vừa dàn dựng vừa tham gia diễn xuất. Đến chính ông cũng không ngờ được, 10 năm sau, mình lại trở thành một ngôi sao của làng kịch nói Sài Gòn.

NSƯT Thanh Hoàng: Từ anh thợ xây đến người nghệ sĩ đáng kính dù nghèo khó, bệnh tật cũng quyết không để khán giả rủ lòng thương - Ảnh 1.

Năm 1993, Thanh Hoàng vô tình nghe được bản nhạc Dạ cổ hoài lang của nghệ sĩ Cao Văn Lầu. Quá xúc động, ông đã viết một vở kịch lấy cảm hứng từ bản nhạc này để nói về một vấn đề rất thời sự khi ấy là nỗi lòng của những người Việt kiều xa xứ. Vở đoạt giải Tư. Cũng vì đoạt giải Tư chứ không phải giải Nhất, Nhì nên đạo diễn trẻ Công Ninh, người vừa tu nghiệp ở nước ngoài về, mới nhận lời dựng vở. Cái lý của Công Ninh là: "Giải Nhất giải Nhì thì thường giáo điều khô cứng. Giải Tư thì được." Kết quả là, vở kịch của một tác giả quần chúng lần đầu có tác phẩm lên sân khấu chuyên nghiệp đã đưa tên tuổi của toàn bộ ê-kíp trẻ thành những ngôi sao có chỗ đứng vững chắc trong làng sân khấu suốt hơn 20 năm qua bao gồm cả Thành Lộc, Hồng Vân, Việt Anh, Quốc Thảo.

NSƯT Thanh Hoàng: Từ anh thợ xây đến người nghệ sĩ đáng kính dù nghèo khó, bệnh tật cũng quyết không để khán giả rủ lòng thương - Ảnh 2.

Cũng từ đó, Thanh Hoàng ghi tên mình vào danh sách thế hệ vàng của sân khấu kịch Sài Gòn.

Dạ cổ hoài lang là vở kịch duy nhất hiện nay được diễn liên tục trong suốt 24 năm qua với tổng cộng hơn 1000 suất diễn. Thời gian đầu, vở diễn 3 suất mỗi ngày tại sân khấu 5B, nhưng khán giả Sài Gòn phải rồng rắn xếp hàng dài từ đầu Võ Văn Tần đến tận hồ Con Rùa để đặt mua trước cả tuần mới mong có một tấm vé đi xem. Năm 1995, vở kịch ra Bắc, dự định chỉ lưu diễn 1 - 2 ngày cuối cùng kéo dài thành hơn 10 suất diễn.

24 năm qua đi, rất nhiều thế hệ diễn viên và đạo diễn đã nhờ Dạ cổ hoài lang mà có được bệ phóng trong làng sân khấu. Năm 2017, phiên bản điện ảnh của Dạ cổ hoài lang đã ra đời với bàn tay dàn dựng của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã tạo ra hiệu ứng truyền thông lớn. Vẫn là Thanh Hoàng viết kịch bản. Đồng thời ông cũng tham gia một vai nhỏ trong phim là cha ruột của Năm Triều.

NSƯT Thanh Hoàng: Từ anh thợ xây đến người nghệ sĩ đáng kính dù nghèo khó, bệnh tật cũng quyết không để khán giả rủ lòng thương - Ảnh 3.

Bộ phim "Dạ cổ hoài lang" do Thanh Hoàng chắp bút viết kịch bản đã tạo ra hiệu ứng truyền thông lớn hồi đầu năm 2017.

Ngày phim ra mắt, Thanh Hoàng lặng lẽ đứng ở một góc thảm đỏ, dành sự chú ý cho các nghệ sĩ trẻ. Từ trước tới nay vẫn vậy, ông lúc nào cũng trầm lặng như thế. Có bao nhiêu sôi nổi Thanh Hoàng đều dồn cả vào những kịch bản, những vở diễn, nhưng bộ phim của mình cả rồi.

Người nghệ sĩ của lòng tự trọng

Với sự đa năng của mình, Thanh Hoàng trải qua nhiều công việc khác nhau trong sự nghiệp. Tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên..., rồi đảm nhận vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B trong nhiều năm cho đến khi chủ động rời bỏ cương vị này vì tự thấy bản thân chưa làm tròn trách nhiệm với anh em.

Nói về việc rời bỏ này, NSƯT Thanh Hoàng từng tâm sự: "Tôi thèm trở lại với nghệ thuật, dành hết thời gian và tâm trí cho những kịch bản đang ấp ủ. Làm lãnh đạo là phải tư duy theo kiểu khác, cứ bị xé cảm xúc ra, không viết được. Thêm nữa, tôi chuẩn bị cho con tôi sang nước ngoài du học nên chạy sô đóng phim lo tài chính nhiều quá. Tôi không muốn vì việc riêng của mình mà làm anh em trong nhà hát thất vọng. Ngày trước tôi về nhà hát với con người nghệ sĩ mà thôi. Giờ tôi trở lại cũng với con người nghệ sĩ ấy."

NSƯT Thanh Hoàng: Từ anh thợ xây đến người nghệ sĩ đáng kính dù nghèo khó, bệnh tật cũng quyết không để khán giả rủ lòng thương - Ảnh 4.

"Ngày trước tôi về nhà hát với con người nghệ sĩ mà thôi. Giờ tôi trở lại cũng với con người nghệ sĩ ấy."

Trên màn ảnh, nghệ sĩ Thanh Hoàng ít khi đóng những vai lớn, nhưng vai diễn nào của ông cũng là luôn là một điểm nhấn đặc biệt. Nét diễn tự nhiên, sâu sắc và điêu luyện, khả năng diễn xuất đa dạng, tà có chính có, hài có bi có của NSƯT Thanh Hoàng khiến các nhân vật mà ông hóa thân luôn đem đến sự thú vị, ấn tượng cho khán giả. Song, tài năng là vậy, Thanh Hoàng lại lựa chọn một cuộc sống kín đáo, lặng lẽ, lẩn trốn ánh hào quang đầy cám dỗ của làng giải trí. Nhưng lẩn trốn đấy, bình dị đấy, thanh đạm đấy mà không xuề xòa, buông tuồng, suồng sã. Ông như phần lớn các nghệ sĩ thuộc thế hệ cũ, luôn giữ gìn hình ảnh con người nghệ sĩ của mình một cách cẩn trọng, chỉn chu, đẹp đẽ trước công chúng, dù cho có bất cứ chuyện gì xảy ra.

Đó là lí do mà dù mắc ung thư vòm họng đã vài năm nay, nhưng bạn bè đồng nghiệp ít ai biết Thanh Hoàng bị bệnh. Khán giả thì càng không. Ông vẫn làm việc, vẫn đi quay phim, đóng kịch bình thường, vẫn thể hiện một tinh thần sung sức, lạc quan, tỉnh táo. Chỉ gần đây, khi cơ thể bị xuống dốc, sa sút nhiều, đồng nghiệp mới biết tình hình sức khỏe của ông nhiều hơn.

NSƯT Thanh Hoàng: Từ anh thợ xây đến người nghệ sĩ đáng kính dù nghèo khó, bệnh tật cũng quyết không để khán giả rủ lòng thương - Ảnh 5.

Sự ra đi của Thanh Hoàng vì thế trở nên đột ngột, ngỡ ngàng với rất nhiều người.

Nữ diễn viên Hồng Ánh chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng, sinh thời NSƯT Thanh Hoàng rất thích hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ: "Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo". 

NSƯT Thanh Hoàng: Từ anh thợ xây đến người nghệ sĩ đáng kính dù nghèo khó, bệnh tật cũng quyết không để khán giả rủ lòng thương - Ảnh 6.

Có lẽ, ông đã sống, đã cống hiến cho nghệ thuật, đã làm tròn vai trò của người nghệ sĩ theo đúng tinh thần của một cây thông đứng giữa đất trời ấy: luôn vươn thẳng, hiên ngang, kiêu hãnh, phụng hiến tận lực và đẹp đẽ đến phút cuối cùng của cuộc đời.

Chia sẻ