Cáu giận tàn phá cơ thể bạn thế nào?
Trong cuộc sống hàng ngày, hầu hết chúng ta đều trải qua cảm giác cáu giận, mức độ tùy thuộc vào khả năng tiết chế của mỗi người .
Giới khoa học cho rằng cảm xúc tiêu cực chính là kẻ thù cho sức khỏe. Stefanie Duijndam - Tiến sĩ, trợ lý giáo sư tại Đại học Tilburg và là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Rối loạn Tâm lý và Bệnh Soma ở Hà Lan, nói: “Cáu giận là một phản ứng căng thẳng điển hình. Nó có thể ảnh hưởng đến cơ thể bạn về lâu dài”.
1. Tình trạng viêm nhiễm tăng cao
Tiến sĩ Duijndam giải thích: “Hệ thống miễn dịch của bạn được thiết kế để tấn công các mối đe dọa tiềm ẩn đối với cơ thể bằng các tế bào gây viêm. Khi bị căng thẳng mãn tính, bao gồm cả sự tức giận, những dấu hiệu viêm này cũng tăng lên. Vì vậy, ngay cả khi bạn không bị nhiễm trùng, chẳng hạn như đang ủ bệnh, những tế bào viêm nhiễm này có thể bắt đầu hoạt động ồn ào và tấn công các tế bào khỏe mạnh”.
Một nghiên cứu năm 2019 theo dõi 226 người lớn tuổi trong một tuần cho thấy, những người có mức độ tức giận cao hơn thường có mức độ viêm nhiễm cao hơn và nguy cơ mắc các bệnh mãn tính cao hơn, chẳng hạn như bệnh tim, viêm xương khớp, bệnh tiểu đường, và thậm chí một số bệnh ung thư.
2. Bệnh tim và cao huyết áp
Tiến sĩ Duijndam nói: “Phần lớn bằng chứng mà chúng tôi có về hậu quả sức khỏe của sự tức giận thực sự liên quan đến tim và phần còn lại của hệ thống tim mạch. Vì thế, hãy dành một chút thời gian để chú ý từng bộ phận khác nhau trên cơ thể bạn cảm thấy thế nào, bạn sẽ không cảm thấy khó để hiểu tại sao sự tức giận có thể tàn phá tim.
Khi bạn tiếp tục lặp lại trạng thái tức giận, điều đó dẫn đến khả năng phục hồi tim mạch kém.
Tức giận có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim, hai yếu tố gây áp lực lớn lên cơ tim và do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp mãn tính. Một dòng hormone căng thẳng cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu và nồng độ axit béo trong máu, từ đó làm hỏng các mạch máu và dẫn đến sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Đó là một trong những lý do tại sao việc thường xuyên nổi giận có thể là nguyên nhân các tình trạng như bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường loại 2.
3. Suy giảm chức năng phổi
Thở nhanh và nông là một trong những tác động vật lý đầu tiên gây ra do sự tức giận. Tiến sĩ Duijndam nói: “Khi chúng ta cần chiến đấu hoặc chạy trốn khỏi một tình huống đe dọa, phổi cố gắng cung cấp nhiều oxy hơn cho những vùng mà nó cho là thiết yếu, như não và cơ bắp. Do đó, những cảm xúc mạnh mẽ như tức giận là nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn hen suyễn”.
4. Đau mãn tính
Khi bạn đang trong cơn thịnh nộ, bạn có thể thực sự cảm thấy hơi nóng di chuyển từ cốt lõi của mình đến các vùng như ngực, cánh tay và hàm.
Tiến sĩ Duijndam nhấn mạnh: “Nếu không được bày tỏ, sự tức giận chắc chắn có thể dẫn đến căng cơ và trở thành một đống rung cảm gây ra đau nhức hoặc nghiêm trọng.
5. Vấn đề tiêu hóa
Đường ruột của bạn bao gồm dạ dày, ruột già và ruột non có hệ thống thần kinh riêng; nó hoạt động ngay cả khi không có não và thực sự có nhiều tế bào thần kinh hơn toàn bộ tủy sống. Chúng bao gồm các tế bào thần kinh cảm giác theo dõi những gì đang diễn ra trong ruột, cùng với các tế bào thần kinh vận động kiểm soát các cơn co thắt đường tiêu hóa (GI) chịu trách nhiệm tiêu hóa.
Ruột và não của bạn là một đường cao tốc hai chiều; khi hệ thống “chiến đấu hoặc bỏ chạy” của bạn thường xuyên được kích hoạt, não thực sự có thể ảnh hưởng đến các cơn co thắt liên quan đến quá trình tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, táo bón, tiêu chảy và đau dạ dày.
6. Nổi mụn
Tương tự như ruột, da cũng có thể phản ứng với cảm xúc căng thẳng. Nếu bạn có xu hướng chạm lên mặt trong lúc cảm thấy căng thẳng, lo lắng hoặc cáu kỉnh, điều đó sẽ chỉ khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, nếu cơn thịnh nộ khiến bạn mất ngủ và ăn uống kém, làn da của bạn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.