Cặp vợ chồng tìm thấy con trai mất tích 8 năm trên Tiktok, phút hội ngộ đầy xúc động nhưng nguyên nhân cậu bé bỏ nhà đi khiến nhiều cha mẹ giật mình

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Khi lướt Tiktok, cặp vợ chồng phát hiện cậu con trai mất tích 8 năm qua đang lục thùng rác kiếm đồ ăn.

Ngày 8/7, cha mẹ của Lý Linh khi đang xem Douyin (Tiktok Trung Quốc) nhìn thấy video quay cảnh những người nhặt rác. Xem kỹ hơn, họ nhận ra trong số những người bới rác có con trai mình ở ngã tư đường ở một quận tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, cách nhà 1.400 km. Ngay lập tức cặp vợ chồng đã bắt xe đến Trịnh Châu và nhờ cảnh sát địa phương hỗ trợ tìm con trai.

Sau nửa ngày tìm kiếm, cảnh sát gặp Lý Linh đang nằm trên một chiếc ghế dài ven đường, quần áo Lý xộc xệch, tay chân cáu bẩn, gương mặt đờ đẫn vì đói ăn.

Cha mẹ Lý vô cùng xúc động. "Giờ tốt quá rồi, chúng ta đã gặp lại nhau", mẹ của chàng trai nói rồi khóc nấc. Còn người cha cho hay, việc tìm thấy Lý giống như nhấc khỏi tảng đá lớn trong trái tim ông nhiều năm qua. Dù tinh thần không ổn định nhưng Lý Linh vẫn nhận ra cha mẹ mình. Cậu còn quỳ xuống ôm lấy họ và khóc.

Cặp vợ chồng tìm thấy con trai mất tích 8 năm trên Tiktok, phút hội ngộ đầy xúc động nhưng nguyên nhân cậu bé bỏ nhà đi khiến nhiều cha mẹ giật mình - Ảnh 1.

Dù tinh thần không ổn định nhưng Lý Linh vẫn nhận ra cha mẹ mình. Cậu còn quỳ xuống ôm lấy họ và khóc.

Trước khi mất tích, Lý Linh khi đó đang là sinh viên đại học bỗng bỏ nhà đi biệt tăm. Bà mẹ kể lại, do áp lực học tập, chàng trai này bị rối loạn tâm thần, đã từng có ý định tự tử. Lý đã lang thang khắp các nơi. Cậu làm một số việc tay chân, nhưng do tâm trí không bình thường nên vài buổi lại bỏ đi. Lâu dần, Lý phải bới rác ăn qua ngày, ngủ ở vỉa hè hay ghế đá trong công viên.

Mẹ Lý nói rằng bà sẽ chăm sóc con trai thật tốt, tôn trọng mong muốn của cậu mà không bắt ép như trước. "Miễn là con thấy thoải mái, vui vẻ là được", người phụ nữ ngoài 50 tuổi nói.

Đừng nhầm lẫn giữa mong muốn và kỳ vọng thái quá

Nói một cách thật lòng, phụ huynh nào cũng mong con mình học giỏi, con mình được điểm cao. Đó là mong muốn chính đáng và đương nhiên. Tuy nhiên, kỳ vọng là một chuyện, còn ép con phải học ngày học đêm, phải bằng mọi giá để nở mày nở mặt lại là một chuyện khác.

Đành rằng điểm số có quan trọng nhưng không phải là tất cả. Tiếc thay, không phải ai cũng hiểu điều này. Điểm số và thành tích lung linh vẫn có một "lực hút" mạnh mẽ, khiến nhiều bố mẹ quên mất cả những khía cạnh khác của cuộc sống con cái mình.

Cặp vợ chồng tìm thấy con trai mất tích 8 năm trên Tiktok, phút hội ngộ đầy xúc động nhưng nguyên nhân cậu bé bỏ nhà đi khiến nhiều cha mẹ giật mình - Ảnh 2.

Tưởng thương con, nhưng hóa ra hành động này lại đang cướp mất quyền được tự quyết định cuộc đời của con.

1. Tạo ra tâm lý phản nghịch

Nếu trẻ không muốn làm hoặc không hứng thú với việc đang làm, nhưng vẫn bị cha mẹ miễn cưỡng, ngay cả khi trẻ không nói ra, sự bất mãn của trẻ cũng sẽ tăng dần theo thời gian. Tâm lý của trẻ sẽ có sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Trẻ sẽ không muốn học, không thích học dẫn đến kết quả học tập sụt giảm, khác xa so với kết quả kỳ vọng của cha mẹ.

2. Thiếu tư duy và sáng tạo

Khi việc học trở nên nhàm chán, trẻ sẽ học và tiếp thu một cách máy móc. Trẻ sẽ không tìm hiểu sâu vấn đề và thiếu sự linh hoạt áp dụng vào thực tế.

3. Áp lực quá lớn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ

Học hành nhồi nhét và quỹ thời gian chiếm quá nhiều sẽ khiến trẻ không có thời gian nghỉ ngơi. Trẻ sẽ mất dần hứng thú với chuyện học, đồng thời cảm giác mệt mỏi sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng tập trung và sức khỏe của trẻ.

Cha mẹ tốt hãy biết lắng nghe và chia sẻ cùng con cái. Mỗi đứa trẻ có mặt mạnh, điểm hạn chế nhất định. Hãy để con học được vui, được hạnh phúc. Đừng đánh mất những điều giản dị trong đời sống gia đình.

Hãy dành thời gian quan tâm, chia sẻ và yêu thương để trẻ cảm nhận được sự ấm áp, niềm tin cuộc sống. Nếu cha mẹ không thức tỉnh thì một ngày nào đó sẽ hối hận khi bi kịch xảy ra.

Chia sẻ