Cảnh giác với sốt virut ở trẻ

,
Chia sẻ

Thời điểm chuyển từ hè sang thu, nhiệt độ trong ngày chênh nhau nhiều, khiến trẻ nhỏ mắc bệnh và nhập viện tăng, nhất là những trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp, viêm phổi, sốt virut...

Tỷ lệ bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện tăng nhanh: Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội khoảng 300 trẻ mỗi ngày, Thanh Nhàn 200 trẻ, Đức Giang 120, Bắc Thăng Long 160... Vì vậy, các phụ huynh cần chăm sóc trẻ để phòng tránh bệnh sốt virut trong thời tiết chuyển mùa.

Nhận biết các dấu hiệu khi trẻ bị sốt virut

Sốt cao: Đây là biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt do virut, thường từ 38-39oC, thậm chí 40-41oC. Khi hạ sốt trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường; đau mình mẩy: ở trẻ lớn thì đau cơ bắp, trẻ thường kêu đau khắp mình, trẻ nhỏ có thể quấy khóc; đau đầu: một số trường hợp trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo,...



Viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng có thể đỏ...

Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virut đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là đại tiện lỏng, không có máu, chất nhày.

Viêm hạch: Đặc biệt là các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy.

Phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt.

Viêm kết mạc mắt: Kết mạc mắt có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt.

Nôn: Có thể trẻ nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn.


Kiên trì hạ sốt và bù nước

Sốt do vi rút, trẻ sốt cao liên tục trong nhiều ngày, có những trẻ chỉ sốt về đêm, về chiều, rồi kèm theo các triệu chứng sổ mũi nhiều, họng đỏ gây kích thích khiến bé có tiếng ho, rồi có cảm giác bé nuốt vướng, nôn trớ...

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Kháng sinh không có hiệu quả điều trị sốt vi rút. Trẻ đã bị sốt cao liên tục trong nhiều ngày, cơ thể đã mệt mỏi nay lại uống thêm kháng sinh, sức đề kháng càng giảm. Có trẻ còn bị tác dụng phụ của kháng sinh gây đi ngoài... sức khỏe càng yếu, khiến sốt càng kéo dài. Vì thế, điều quan trọng là dùng thuốc hạ sốt và bổ sung thêm nước (nước trái cây, dung dịch oresol...).


Lưu ý, nhiều trường hợp, trẻ mới dùng thuốc hạ sốt được 2 - 3 tiếng đã tái sốt lại thì không cho trẻ uống tiếp thuốc hạ sốt mà cần chườm khăn ấm vào bẹn, nách, trán... Nếu trẻ kèm theo triệu chứng sổ mũi nhiều thì cần rửa nước muối sinh lý hàng ngày giúp mũi thông thoáng.

Phải đưa trẻ đến khám ngay tại cơ sở y tế khi có các dấu hiệu sau:

- Sốt cao trên 38,5oC, đặc biệt là trên 39oC mà dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả.

Lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, tăng dần, buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày.

Để phòng bệnh trong thời điểm chuyển mùa, cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cho trẻ uống nhiều nước hàng ngày và chú ý mặc quần áo theo thời tiết.


Vì thời điểm này, về đêm khuya và sáng sớm đã hơi se lạnh, trong khi buổi trưa lại nắng gay gắt, nên cần điều chỉnh quần áo cho trẻ thường xuyên, vừa phòng nguy cơ nhiễm lạnh, vừa phòng nguy cơ đổ mồ hôi cũng gây cảm lạnh cho bé.

 
 
Theo BS Nguyễn Văn Tuấn
Sức khỏe & Đời sống
Chia sẻ