Cảnh giác với dưa vàng ngon ngọt bị "tiêm thuốc"

,
Chia sẻ

Theo các chuyên gia hóa học, để dưa vàng trong tủ lạnh, những tác dụng xấu của thuốc bảo quản thực vật sẽ lộ rõ: Vỏ dưa héo dần, mềm ra và xuất hiện các khu vực thâm, đen, thối.

Hiện nay, người tiêu dùng khó có thể lựa chọn các sản phẩm hoa quả nào mà không có chất bảo quản thực vật trong đó. Loại quả khoái khẩu của nhiều người là dưa vàng cũng được “tráng” bên ngoài bằng thuốc bảo vệ thực vật. Còn người bán cũng không thiếu cách để dưa trở nên ngọt hơn khi khách muốn thử.

Theo các chuyên gia, vỏ của quả dưa vàng cứng, dày nên khả năng lượng thuốc bảo vệ thực vật ngấm sâu vào bên trong sẽ ít hơn các loại quả mọng nước, mỏng vỏ khác (như nho, cam, táo, …).

Tuy nhiên, điểm đặc biệt là vỏ quả dưa vàng sần sùi nên lượng thuốc bảo vệ thực vật chưa ngấm hết, còn lại ở bề mặt vỏ có thể vào thẳng ruột nếu người sử dụng gọt dưa không cẩn thận, để tay tiếp xúc với vỏ rồi lại cầm phần dưa đã gọt. Như vậy cũng nguy hiểm không kém.

Dưa vàng "lộ rõ" bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo quản thực vật

Các chuyên gia về hóa học cho biết  nếu để dưa vàng trong tủ lạnh, những tác dụng xấu của thuốc bảo quản thực vật sẽ lộ rõ: Vỏ dưa héo dần đi, mềm dần ra và xuất hiện các khu vực bị thâm, đen, có nơi bị thối.

Nguyên nhân là do thuốc bảo quản thực vật phát huy tốt tác dụng trong điều kiện bình thường hoặc nhiệt độ hơi cao (để phù hợp với việc xếp hàng chật kín trong các thùng xe và di chuyển trong thời gian dài, khiến nhiệt độ bên trong các thùng chứa tăng lên).

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo dưa vàng còn ẩn chứa một nguy cơ khác mà người tiêu dùng ít biết.

Đây là mặt hàng hay được người tiêu dùng đòi “thử” trước khi mua. Do đó, để đảm bảo dưa ngọt lịm, người kinh doanh và bán hàng cũng có cách làm dưa ngọt tức thời để đánh lừa cảm giác.

Theo tìm hiểu, cách đơn giản nhất là dao bổ dưa của người bán thường được tẩm sẵn một lớp đường hóa học mỏng. Khi khách mua có nhu cầu thử, lớp đường này từ dao bổ sẽ bám vào bề mặt miếng dưa vừa được cắt ra. Người ăn nào tinh miệng có nhận ra cũng khó mà biết được vì sao dưa có vị lạ.

“Việc này có 2 tác hại: Không biết loại đường hóa học kia có được dùng trên thực phẩm, đồ ăn cho người không; dao bổ dưa để mặt đường sẽ dễ bám bụi bẩn (nhất là khi đã được quệt đường lên), người ăn phải sẽ không tốt cho sức khỏe”, PGS.TS Trịnh Như Hùng, chuyên gia hóa học cho hay.

PGS Hùng còn cho biết thêm: “Công nghệ hiện nay còn cho phép đưa hóa chất trực tiếp vào quả dưa để tăng độ ngọt tự nhiên. Điều này càng trở nên cần thiết vì các phương pháp lai giống hiện nay thường tập trung mũi nhọn vào sản lượng, chất lượng chưa được như mong muốn. Quả dưa có thể to, đẹp mã, trọng lượng lớn nhưng chưa chắc đã ngọt. Tuy nhiên, thực tế tôi không biết cách này có được dùng đối với hoa quả ở Việt Nam hay không”.

Ngọc Anh

Chia sẻ