Càng gắn bó với ba, IQ của trẻ càng cao

Quang Vũ,
Chia sẻ

Trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ trải qua 4 cột mốc quan trọng về phát triển trí não. Một trong những yếu tố giúp thúc đẩy sự phát triển này chính là sự quan tâm, thấu hiểu của ba, bên cạnh sự hiện diện của mẹ.

Phát triển trí não được hiểu là các khả năng suy luận, suy nghĩ, giải quyết vấn đề và trí nhớ của trẻ. Để theo dõi sự phát triển này, nhà tâm lý học Piaget đã phân chia thành 4 giai đoạn. Trong đó, ở mỗi giai đoạn sự đồng hành của Ba sẽ giúp trẻ tối ưu hóa quá trình phát triển trí tuệ, tư duy hơn.

- Giai đoạn 1 (0-2 tuổi): Giai đoạn này bé bắt đầu thực hiện được các động tác vận động cơ bản như hút, nắm bắt, lặp đi lặp lại. Ba có thể đồng hành, làm hình mẫu để bé làm quen với nhiều động tác hơn, nhanh chóng hoàn thành cách vận động cơ bản.

Qua một tuổi, chuyển động của trẻ phức tạp hơn, tính sáng tạo tốt hơn ví dụ như biết cách dùng gối khều đồ chơi thay vì bò lại lấy trực tiếp như trước đây. Lúc này, Ba có vai trò như một người “tư vấn” giúp bé tìm ra nhiều phương án mới mẻ, kích thích sự sáng tạo của bé.

Tròn 2 tuổi, bé có thể phối hợp một số bộ phận cơ thể để thực hiện hành động một cách “điêu luyện” hơn, ví dụ vừa chạy vừa ôm thú bông hoặc kéo theo xe đồ chơi. Khi nô đùa, vui chơi và được ba khuyến khích các hành động này, khả năng kết hợp của bé sẽ tốt hơn.

Nghiên cứu cũng chứng minh, sự liên kết các dây thần kinh trong não bộ có thể lên tới tốc độ 1.000 lần trong một giây nếu trẻ em được thường xuyên tương tác với ba. Vì vậy, để bé sớm thành thạo các hoạt động, dễ dàng bắt kịp đà phát triển, ba đừng bỏ lỡ những giây phút giá trị này, cố gắng mỗi ngày chơi đùa cùng con và thể hiện tình yêu qua những câu nựng trìu mến.

Càng gắn bó với ba, IQ của trẻ càng cao - Ảnh 1.

Nếu được tương tác với ba, sự liên kết các dây thần kinh trong não bộ của trẻ có thể lên tới 1.000 lần/giây.

- Giai đoạn 2 (2-7 tuổi): Từ 2 đến 4 tuổi, trẻ sẽ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ với khả năng ghi nhớ và nói về những đồ vật không có trong tầm mắt. Từ sau 4 tuổi, cuộc nói chuyện của bé bắt đầu có ý nghĩa hơn. Đây được gọi là giai đoạn vàng cho sự phát triển của trẻ.

Để phát triển được kỹ năng ngôn ngữ, trí nhớ và mô tả đồ vật không có trong tầm mắt, bé cần có một sự tập trung cao độ. Các chuyên gia tâm lý của Viện Tâm thần học, Tâm lý học & Khoa học thần kinh tại King's College London đã nghiên cứu và kết luận trong giai đoạn này, nếu được tương tác với Ba nhiều, trẻ sẽ có khả năng tập trung cao, giải quyết vấn đề, ngôn ngữ và kỹ năng xã hội tốt hơn. Vì vậy Ba nên thường xuyên đọc những cuốn sách thú vị, trò chuyện cùng bé và đặc biệt phải mang tâm lý vui vẻ.

- Giai đoạn 3 (7- 12 tuổi): Độ tuổi tiểu học, trẻ có thể hiểu được cách phản biện, lập luận. Hệ thần kinh trẻ lúc này bắt đầu ghi và nhận thức rõ ràng các thông tin, từ đó có phản xạ tương ứng với mọi tình huống.

Muốn phát triển được các kỹ năng này, ngoài sự tập trung cao độ, bé còn cần có khả năng phân tích và trải nghiệm các tình huống thực tế càng nhiều càng tốt. Lúc này, sự hướng dẫn của Ba - một người lớn tuổi và gắn bó, đại diện cho phái mạnh trong gia đình - sẽ giúp làm phong phú hơn sự hiểu biết, rèn luyện tốc độ phản xạ và các phương án thích hợp cho mọi tình huống. Được ba đồng hành cũng giúp các em kiên nhẫn xử lý mọi căng thẳng, thất vọng, tiến bộ nhanh hơn.

- Giai đoạn 4 (12 tuổi trở lên): Trẻ bắt đầu hiểu và suy nghĩ về các khái niệm trừu tượng. Lý luận logic và suy luận trở nên dễ dàng hơn cho trẻ suy nghĩ và có thể áp dụng trong giải quyết vấn đề.

Để phát triển khả năng suy luận, bé rất cần một người đồng hành đóng vai trò phản biện. Khi này, những cuộc trò chuyện của Ba sẽ có tác dụng tích cực giúp bé hình thành tư duy rõ ràng, hứng thú khám phá thế giới xung quanh. Từ đó giúp bé có thể hiểu về khái niệm trừu tượng và giải quyết vấn đề bằng logic của chính mình.

Càng gắn bó với ba, IQ của trẻ càng cao - Ảnh 2.

Được ba giáo dục từ nhỏ giúp trẻ phát triển tốt nhất về thể chất và tâm lý.

Từ những dẫn chứng trên, có thể thấy, vai trò của Bố là đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển trí não của trẻ. Tuy nhiên, cùng với guồng quay cuộc sống ngày càng áp lực, đa số các ông bố trẻ vì quá bận rộn mà vô tình dành ít thời gian với con hơn, từ đó ít thấu hiểu và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Thực trạng này được gói gém qua 1 đoạn clip nhỏ dưới đây.

Con ước điều nhỏ xíu mà ba mẹ có hiểu?

Nếu bạn cũng từng có thời điểm như ông bố trong đoạn clip trên, hãy thay đổi ngay từ hôm nay. Không cần làm điều gì quá lớn lao, chỉ với khoảng 1 tiếng mỗi ngày, sắp xếp lại thời gian biểu, tạm gác các trò chơi trên smartphone, giảm bớt thời gian lướt facebook… và thay thế vào đó là khoảng thời gian cùng bé vui chơi thật chất lượng. Từ đó, giúp bé phát triển trí não tốt hơn, đồng thời cũng giúp bố giải toả căng thẳng sau một ngày dài làm việc.

Càng gắn bó với ba, IQ của trẻ càng cao - Ảnh 4.

Chia sẻ