Càng cải cách, giáo viên càng chịu nhiều sức ép
Những chiến sĩ trên mặt trận đổi mới giáo dục không ai khác chính là giáo viên. Vì vậy, đừng để giáo viên nào cảm thấy cô đơn.
Ngày 13-12, tại TP HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022 - 2023 với sự tham dự của đại diện các sở GD-ĐT tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thay đổi vị trí, vai trò của giáo viên
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là một trong những nhiệm vụ rất lớn của toàn ngành hiện nay. Đây là việc mới, lớn và khó với nhiều nội dung công việc mà ngành đã, đang và sẽ triển khai. Bắt đầu từ năm 2019, hoàn thiện vào năm 2025, đến năm học 2022 - 2023, chương trình mới đi được nửa đường.
Báo cáo tình hình triển khai chương trình đến năm học 2022 - 2023, Bộ GD-ĐT cho biết Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, bảo đảm hài hòa giữa "dạy chữ", "dạy người" và định hướng nghề nghiệp.
Nội dung chương trình bảo đảm chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; bảo đảm tính hoàn chỉnh, linh hoạt, liên thông thống nhất trong và giữa các cấp học; tích hợp và phân hóa hợp lý, có hiệu quả. Việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; trong đó góp phần thay đổi căn bản vị trí, vai trò của giáo viên từ dạy học truyền thụ kiến thức sang tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học của học sinh.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT chỉ ra những hạn chế khi chương trình chưa đầy đủ các môn học; việc biên soạn, thẩm định, phát hành sách giáo khoa còn chậm, một vài sách giáo khoa còn gây băn khoăn trong dư luận; công tác mua sắm thiết bị dạy học còn khó khăn, nhiều địa phương và nhà trường thiếu thiết bị dạy học tối thiểu; tình trạng thiếu trường lớp diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất; tình trạng thiếu giáo viên tính theo định mức, công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên ở một số địa phương còn chưa đầy đủ hoặc hiệu quả chưa cao…
Đại biểu phát biểu tại hội nghị
Khó trăm bề
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, quá trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 việc hiểu chương trình chưa có sự thống nhất, mỗi nơi có những sáng tạo, điểm vướng, khó khăn khác nhau.
Hà Nội là đô thị lớn với hơn 3.000 trường; 2,2 triệu học sinh và hơn 130.000 giáo viên. Ông Trần Thế Phương, Giám đốc Sở GĐ-ĐT TP Hà Nội, cho biết quy mô học sinh, trường lớp trên địa bàn tăng hằng năm nhưng việc tuyển giáo viên vô cùng khó khăn.
Thiếu giáo viên, khó tuyển giáo viên cũng là vấn đề được nhiều địa phương khác đề cập.Ông Vũ Văn Việt, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương, cho biết địa phương có nhu cầu tuyển 1.735 giáo viên nhưng chỉ tuyển được trên 1.000 do không có nguồn tuyển, đặc biệt là bậc mầm non, giáo viên môn tích hợp và giáo viên môn mới. Theo ông Việt, áp lực của giáo viên ngày càng lớn, càng cải cách càng áp lực.
Không chỉ thiếu giáo viên, nhiều đại biểu còn cho biết phần lớn giáo viên khó đáp ứng việc dạy môn tích hợp do trước đây được đào tạo đơn môn. Đã thiếu lại còn phải tinh giảm nên nhiều ý kiến đề nghị việc tinh giảm biên chế không thực hiện ở lĩnh vực giáo dục vì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của ngành.
Ngoài giáo viên, nhiều địa phương còn đề cập những khó khăn trong xây dựng cơ bản, đầu tư, mua sắm trang thiết bị. Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hải Phòng, cho biết các trường trên địa bàn đang thiếu 15.000 máy tính theo quy chuẩn. Thành phố có rất nhiều doanh nghiệp nên đang chờ các doanh nghiệp thải loại máy tính để xin lại rồi nâng cấp. Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hải Dương cho biết toàn bộ tiền dành cho trang thiết bị 17 tỉ đồng mới dừng ở lớp 1. Vấn đề khó hiện nay là không có kinh phí và quy trình đấu thầu rất khó khăn. Nhiều địa phương khác đề nghị Bộ GD-ĐT quy định trang thiết bị, bộ mẫu tiêu chuẩn theo từng môn để các địa phương áp dụng.
Nhiều việc phải làm
Phát biểu bế mạc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng công sức của 1,6 triệu nhà giáo và cán bộ quản lý đã quyết tâm thay đổi, vật lộn với dịch bệnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
"Đây chính là thành quả, sự cố gắng rất lớn của tập thể cán bộ, giáo viên toàn ngành. Chúng ta lại phải xác định với nhau rằng việc đổi mới toàn ngành và chương trình đang thực hiện là quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước... Đây là mục tiêu không thể lui và không thể thất bại. Sự thành bại của chúng ta trong đổi mới là con người, thành bại của con người là thành bại của quốc gia. Chúng ta không thể cho phép mình thất bại" - Bộ trưởng khẳng định.
Theo tư lệnh ngành giáo dục, cần phải động viên đội ngũ giáo viên, bởi những "chiến sĩ" trên mặt trận đổi mới không ai khác chính là họ. Vì vậy, đừng để giáo viên nào cảm thấy cô đơn!