Cấm “vùng cam”, dân chạy sang “vùng vàng” ăn uống: Phương án chống dịch hiện tại ở Hà Nội có hợp lý?

Gia Đoàn,
Chia sẻ

Những ngày qua, việc dừng ăn uống tại chỗ ở "vùng cam", không ít người dân đã di chuyển sang "vùng vàng, vùng xanh" để ăn uống. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, Hà Nội có nên thay đổi phương án chống dịch?

Ngày 25/12, theo Sở Y tế Hà Nội, trong số 1.879 ca bệnh ghi nhận hôm nay có 549 ca cộng đồng, 1.272 ca tại khu cách ly, 58 ca tại khu phong tỏa.

Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (207); Đống Đa (166); Long Biên (120); Thanh Trì (108); Thanh Xuân (104); Đông Anh (96); Hoàn Kiếm (93).

Số ca nhiễm tăng cao, quận Đống Đa, Hai Bà Trưng chuyển màu "cam" - cấp độ 3, nguy cơ cao và đã dừng hoạt động không thiết yếu. Ngoài ra, 14 phường, xã tại 7 quận, huyện khác đưa ra yêu cầu tương tự.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, khi những địa bàn trên đóng cửa dịch vụ ăn uống tại chỗ, người dân đã tìm sang quận, phường khác cách nhau chỉ vài chục mét để ăn uống. 

Cấm "vùng cam", dân chạy sang "vùng vàng" ăn uống

Nhiều ngày qua, việc dừng ăn uống tại chỗ ở "vùng cam", không ít người dân đã di chuyển sang "vùng vàng, vùng xanh" để ăn uống. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, Hà Nội có nên thay đổi phương án chống dịch? 

Ví dụ cụ thể nhất, sáng cùng ngày, tại quán phở Thìn ở phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) thuộc "vùng cam" phải dừng phục vụ tại chỗ, chỉ được phép mang về. Thay vì vậy, cửa hàng đã nhờ quán cà phê cách đó 100m ở phố Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm phục vụ khách ăn tại chỗ.

Cấm “vùng cam” dân chạy sang “vùng vàng” ăn uống, phương án chống dịch như hiện nay tại một số quận ở Hà Nội có hợp lý? - Ảnh 1.

Những ngày qua, số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, các quận trung tâm đồng loạt đóng cửa dịch vụ không thiết yếu sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định, việc dừng các dịch vụ không thiết yếu trong phạm vi một vài quận, huyện không còn hiệu quả trong tình hình dịch bệnh hiện nay. 

"Số ca nhiễm ở Hà Nội tăng cao đã được dự báo từ trước kể từ khi thành phố mở cửa bình thường mới trở lại. Nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, các quận trung tâm đồng loạt đóng cửa dịch vụ không thiết yếu sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. 

Mầm bệnh virus SARS-CoV-2 đã âm thầm lây lan trong cộng đồng lâu nay. Dù giãn cách thì các thành viên trong gia đình vẫn gặp nhau hàng ngày, người dân vẫn phải đi chợ và đi làm, sự tiếp xúc giữa người này với người kia là không thể tránh. 

Nếu còn ca bệnh chưa được phát hiện, virus sẽ tiếp tục lây cho người khác. Chưa kể giao thương hàng hóa, đi lại giữa Hà Nội với các tỉnh thành vẫn diễn ra hàng ngày, mầm bệnh từ nơi khác có thể xâm nhập", ông Hùng phân tích.

Cấm “vùng cam” dân chạy sang “vùng vàng” ăn uống, phương án chống dịch như hiện nay tại một số quận ở Hà Nội có hợp lý? - Ảnh 2.

Do đang nằm trong "vùng cam" nên để thích ứng với hoàn cảnh, quán phở đã thuê một quán cafe ở phố Hàm Long (quận Hoàn Kiếm) cách đó vài chục mét nhưng thuộc "vùng vàng" được phép ngồi ăn tại chỗ sau đó hướng dẫn khách sang để phục vụ.

Theo ông Hùng, hiện các quận, huyện như Đống Đa, Hai Bà Trưng ở Hà Nội đang có nhiều giải pháp như yêu cầu nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21h hàng ngày để giảm tải sự lây nhiễm Covid-19. 

Tuy nhiên, điều này sẽ khiến người dân quận này hoàn toàn có thể sang quận khác ăn uống, mua bán, như vậy không những không hiệu quả mà còn có thể làm tăng khả năng lây lan.

"Khi F0 tăng, thay vì loay hoay tìm cách "siết" một số hoạt động, quan trọng nhất là phải có giải pháp để điều trị, hỗ trợ điều trị F0 để không bị diễn biến nặng, nếu diễn biến nặng không tử vong, giảm quá tải cho ngành y tế và các bệnh viện. 

Hiện tại rất khó đoán định khi nào dịch bệnh của Hà Nội lên đến đỉnh. Đặc biệt, đây lại là thời điểm cuối năm, có nhiều hoạt động, giao thương tập trung đông người", ông Hùng nêu ra. 

Cần thích ứng linh hoạt, cửa hàng nào chật chội, không đảm bảo thì dừng bán tại chỗ

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, trước số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội đang tăng cao như hiện nay việc Hà Nội đang áp dụng dừng bán ăn uống tại chỗ ở những khu vực có nguy cơ cao cũng là điều dễ hiểu. 

Theo ông Phu, việc người dân "vùng cam" đến "vùng vàng, xanh" ăn uống tại chỗ có nhưng sẽ không quá nhiều. Nếu không thực hiện dừng bán tại chỗ những khu vực nguy cơ cao sẽ gây nguy cơ dịch bệnh bùng phát. 

Cấm “vùng cam” dân chạy sang “vùng vàng” ăn uống, phương án chống dịch như hiện nay tại một số quận ở Hà Nội có hợp lý? - Ảnh 3.

Khách bê túi quẩy từ vùng cam sang vùng vàng để ăn phở.

"Hà Nội quyết định dừng bán tại những khu vực vùng 3 (vùng cam) chính vì ăn uống không kiểm soát được. Tuy nhiên, tôi cho rằng thành phố nên linh hoạt trong việc cho dừng bán dịch vụ ăn uống tại chỗ như không phải theo địa giới hành chính mà chúng ta nên đánh giá theo nguy cơ, có thể áp dụng cả quận nhưng ở quận khác chỉ vài phường, thậm chí một phường chỉ ở phố tập trung đông người nguy cơ cao. 

Cửa hàng nào chật chội, không đảm bảo thì dừng bán ăn uống tại chỗ... Đó là sự thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch, nguy cơ đến đâu xử lý tới đó", ông Phu nêu. 

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội cũng nên xem xét điều chỉnh việc áp dụng dừng bán ăn uống tại chỗ ở quận này nhưng quận khác vẫn thực hiện.

Cấm “vùng cam” dân chạy sang “vùng vàng” ăn uống, phương án chống dịch như hiện nay tại một số quận ở Hà Nội có hợp lý? - Ảnh 4.

Các chuyên gia lo ngại, nếu cứ áp dụng các biện pháp hạn chế dịch vụ như vậy, nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, sẽ phải kéo dài các biện pháp này. Không biết khi nào người dân, doanh nghiệp mới được mở cửa trở lại, trong khi hiệu quả chống dịch khó đo lường.

"Việc quan trọng nhất mọi người phải đảm bảo giãn cách ở nơi đông người, không tập trung đông, đảm bảo an toàn cho bản thân. Việc áp dụng dừng hoạt động ăn uống ở quận này nhưng dân có thể sang quận khác ăn uống bình thường tại chỗ cũng sẽ rất khó kiểm soát", ông Nga bày tỏ.

Các chuyên gia cho rằng, nếu cứ áp dụng các biện pháp hạn chế dịch vụ như vậy, nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, sẽ phải kéo dài các biện pháp này. Không biết khi nào người dân, doanh nghiệp mới được mở cửa trở lại, trong khi hiệu quả chống dịch khó đo lường.

Chia sẻ