"Cái chết tuyệt vọng" đã âm thầm len lỏi trong xã hội Mỹ, lặng lẽ bóp nghẹt hàng trăm ngàn người ra sao?

Xuân Hoài,
Chia sẻ

"Không có sự mục ruỗng trong tầng lớp trung lưu ở Mỹ thì cuộc khủng hoảng ma túy không nghiêm trọng đến như vậy", một nhà kinh tế học lập luận về một vấn nạn trong xã hội Mỹ.

Trong tháng 11 người dân Mỹ sẽ bầu ra một tổng thống mới. Đương kim Tổng thống Donald Trump sẽ "đi vào lịch sử" nếu thất cử trong cuộc bầu cử này, báo Spiegel (Đức) bình luận.

Điều này không liên quan đến các lực lượng xã hội đã đưa ông Trump lên chiếc ghế tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, những tranh chấp chính trị trong 4 năm qua đều tập trung vào con người của nhà lãnh đạo này. Ngược lại, người ta hầu như không đề cập đến nguyên nhân sâu xa của cuộc đấu tranh của những người ủng hộ ông Trump.

"Tổng thống Trump là hệ lụy, không phải là nguyên nhân", nhà kinh tế học Angus Deaton ở trường Đại học Princeton bình luận. Ông Deaton từng được trao giải thưởng Alfred Nobel về kinh tế vào năm 2015.

Một thảm họa thầm lặng với 600.000 ca tử vong

Các nhà kinh tế học Deaton và Anne Case đã tiến hành nghiên cứu thực địa trong nhiều năm trời, ví dụ như ở tiểu bang Montana, nơi ông Trump thắng bà Hillary Clinton sát nút.

Mới đây bộ đôi kinh tế gia này đã viết một cuốn sách có nhan đề "Deaths of Despair" - cái chết tuyệt vọng, nói về một căn bệnh, triệu chứng của căn bệnh đó chính là nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, và ngay cả khi ông Trump có thất cử, thì căn bệnh này cũng chưa thể được chữa trị.

Theo Spiegel, cuốn sách đã làm nổi bật một thảm họa mà nhiều phương tiện truyền thông đã truyền tải với nhiều mảnh vụn, thảm họa đó tiến triển chậm chạp và thầm lặng. "Cái chết tuyệt vọng" là hình ảnh thể hiện sự đi xuống về mặt kinh tế của các nhiều thành phần trong dân chúng Mỹ, nói theo nghĩa đen: thảm họa này liên quan đến cái chết của hàng trăm ngàn người.

Xuất phát điểm là quan sát về sự tăng tuổi thọ bình quân liên tục diễn ra ở hầu hết các nước công nghiệp trong cả thế kỷ vừa qua, có thể nói đây là một xu hướng ổn định, tuy nhiên ở Mỹ trong những năm vừa qua xu hướng này lại dậm chân tại chỗ. Mỹ tụt hậu khá xa so với các nước như Canada hay Thụy Điển.

Cái chết tuyệt vọng đã âm thầm len lỏi trong xã hội Mỹ, lặng lẽ bóp nghẹt hàng trăm ngàn người ra sao? - Ảnh 2.

Cuốn sách của hai nhà kinh tế học Anne Case và Angus Deaton

Tuổi thọ nói chung này là con số trung bình của mọi thành phần xã hội. Hai nhà kinh tế học Case và Deaton đã nghiên cứu kỹ các dữ liệu tử vong của cơ quan y tế và phát hiện ra điểm cốt lõi của cuộc khủng hoảng thầm lặng này. Xét cho cùng, tỷ lệ tử vong cao đều xuất phát từ 3 nguyên nhân:

- Số vụ tự tử gia tăng nhanh chóng,

- Nghiện rượu và các căn bệnh do hậu quả của rượu

- Sử dụng chất ma tuý quá liều lượng.

Trong đó, Case và Deaton gọi nhóm dân cư bị ảnh hưởng nặng nề nhất là "tầng lớp lao động da trắng": họ là những lao động da trắng không tốt nghiệp đại học.

Trong khi tỉ lệ tử vong ở nhóm dân số trong độ tuổi từ 45 đến 54 ở hầu hết tất cả các nước công nghiệp khác đều có xu hướng giảm, thì tỉ lệ tử vong ở Mỹ từ cuối những năm 90 thậm chí vẫn đang tăng lên. So sánh với Thụy Điển, thì người Mỹ da trắng tuổi trung niên có nguy cơ tử vong cao hơn gấp đôi. Kể từ năm 1999 số ca tử vong bổ sung này và số ca tử vong đáng ra có thể tránh được cộng lại lên đến 600.000 người Mỹ, phần lớn ở độ tuổi trung niên.

Tỷ lệ tử vong tăng lên diễn ra vào thời điểm bùng nổ cuộc khủng hoảng ma túy ở nước Mỹ, nhưng theo các tác giả thì không thể đổ tất cả cho nguyên nhân này. "Không có sự mục ruỗng trong tầng lớp trung lưu ở Mỹ thì cuộc khủng hoảng ma túy không nghiêm trọng đến như vậy", ông Deaton lập luận. "Sự tuyệt vọng diễn ra âm ỉ trong xã hội. Điều này tạo cơ hội tiêu thụ đối với lĩnh vực công nghiệp dược phẩm, lĩnh vực này lại thiếu sự điều chỉnh thỏa đáng."

Theo các nhà kinh tế học Deaton và Case thì nguồn gốc của tình trạng cùng cực này là do sự dịch chuyển kiến tạo trên thị trường lao động Mỹ. Trước đây người lao động, dù không có bằng cấp, vẫn có một cuộc sống đầy đủ, nay nhóm người này ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Đã điều chỉnh theo tình trạng lạm phát thì tiền lương của khoảng một nửa dân số Mỹ thuộc diện nghèo trong hơn nửa thế kỷ qua không tăng – đàn ông da trắng không có bằng cấp thì trong thời gian từ 1979 đến 2017 sức mua thậm chí giảm 13%.

Điều này không chỉ có hậu quả về vật chất: Các nhà kinh tế học Case và Deaton cho thấy, tình trạng sức khỏe của những người ở lứa tuổi từ 45 đến 54 không có bằng đại học đang ngày càng xấu đi. Hiện tại những người ở độ tuổi này tỷ lệ người có bệnh mãn tính cao hơn so với những người ở độ tuổi nghỉ hưu ở Mỹ. Điều này không chỉ đơn thuần là thu thập các số liệu mà nó có nhiều ý nghĩa: Trên bình diện các quận, hạt, số phiếu bầu cho ông Donald Trump năm 2016 có tỷ lệ tương quan cao với những cử tri có nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Dưới áp lực kinh tế nhiều truyền thống xã hội bị đảo lộn: tỷ lệ kết hôn ở người Mỹ không có bằng cấp thấp hơn nhiều so với những người đã tốt nghiệp đại học. Họ cũng ít tham gia vào hoạt động của nhà thờ. Các tác giả gọi tình trạng này là "sự hủy hoại cộng đồng", nơi cho ta chỗ dựa trong cuộc sống.

Bỏ phiếu cho Trump là "biểu hiện của sự thất vọng và giận dữ"

Nguyên nhân dẫn đến sự phát triển này? Những người lao động trình độ thấp bị áp lực bởi robot và xu thế toàn cầu hoá. Khác với những nước ở châu Âu nơi không gia tăng tình trạng "cái chết tuyệt vọng", ở Mỹ thiếu hệ thống phúc lợi nhà nước để giảm nhẹ hoặc thậm chí ngăn chặn tình trạng đó.

Các nhà kinh tế học Case và Deaton đặc biệt lưu tâm tới hệ thống y tế của Mỹ. Khoảng 17% tổng sản lượng kinh tế được chi cho lĩnh vực này (để so sánh, ở Đức khoảng 11%). Khoản tiền hàng năm phải nộp cho hệ thống quá to lớn này đối với người Mỹ tựa như "một khoản cống nạp mà họ phải nộp cho một thế lực ngoại bang".

Trong đó, những người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp chỉ thuê nhân viên có trình độ cao, bởi vì nếu mức lương một năm là 100.000 USD thì chi phí cho bảo hiểm y tế cho cả gia đình (khoảng 20.000 USD) thấp hơn nhiều so với người có trình độ thấp với mức lương 30.000 USD.

Bi kịch là ở chỗ, không những người bị ảnh hưởng không biết nguyên nhân thực chất gây ra nỗi thống khổ của họ, mà cả ông Trump cũng không có giải pháp cho các vấn đề của cử tri của mình. Bầu ông Trump làm tổng thống, theo lời các nhà kinh tế học Case và Deaton, là "biểu hiện của sự thất vọng và giận dữ, chúng chỉ khiến mọi sự trở nên nghiêm trọng hơn, chứ không hề tốt hơn".

Chia sẻ