Cách nhận biết sớm bệnh ung thư cổ tử cung, tất cả phụ nữ đều cần biết

Châu Anh (th),
Chia sẻ

Ung thư cổ tử cung không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu nên khiến chị em chủ quan, không quan tâm. Bởi vậy, phụ nữ hãy đọc để tìm hiểu những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư cổ tử cung và sớm có biện pháp điều trị hữu hiệu.

Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung một khi họ bắt đầu có quan hệ tình dục. Ung thư cổ tử cung ít gặp ở độ tuổi 20-30, 60% là khoảng 35-55 tuổi, 20% là khoảng 55-65 tuổi, 8% khoảng 65-75 tuổi. Do vậy mà bệnh xuất hiện cả trước và sau mãn kinh.

Ở giai đoạn đầu của căn bệnh ung thư cổ tử cung, hầu như không có triệu chứng. Với hầu hết bệnh nhân ung thư cổ tử cung, những cơn đau dữ dội hay cảm giác khác thường không phải là dấu hiệu đầu tiên của bệnh.

Và giống như hầu hết các loại ung thư, giai đoạn đầu bao giờ cũng dễ dàng điều trị và có kết quả tốt nhất. Tuy nhiên nếu các dấu hiệu, triệu chứng bệnh đã phát triển thì việc điều trị có thể sẽ phức tạp hơn như hóa trị, xạ trị và kết quả mang lại không cao.

Cách nhận biết sớm bệnh ung thư cổ tử cung, tất cả phụ nữ đều cần biết - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết sớm bệnh ung thư cổ tử cung để bạn tham khảo trước khi làm các bước xét nghiệm.

Chảy máu âm đạo bất thường

Chảy máu âm đạo bất thường là triệu chứng liên quan nhiều nhất đến ung thư cổ tử cung. Nếu âm đạo bị chảy máu một cách bất thường thì bạn nên cảnh giác. Lưu ý, mức độ chảy máu ở mỗi người là khác nhau, có người chảy nhiều, có người chảy ít.

Đau vùng xương chậu

Triệu chứng đau vùng chậu là một trong những dấu hiệu quan trọng nhận biết bệnh ung thư cổ tử cung. Một khi tự dưng bạn thấy những cơn đau bất thường ở vùng chậu (không liên quan đến kinh nguyệt rồi bị chuột rút) vào ngày bình thường thì bạn cần phải chú ý.

Dịch âm đạo bất thường

Dịch âm đạo thường đục, màu xanh hoặc vàng, có mùi hôi hoặc lỏng cũng là một dấu hiệu đáng quan tâm. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân gây tiết dịch âm đạo bất thường mà không không hẳn là bệnh ung thư. Vì vậy, nên đi khám để chắc chắn bạn không bị ung thư cổ tử cung.

Mệt mỏi

Ung thư cổ tử cung cũng là một nguyên nhân khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, kém linh hoạt và lười vận động và nó có thể đi kèm với những dấu hiệu khác.

Bất thường khi đi tiểu tiện

Tiểu không kiểm soát, tiểu khó, lắt nhắt, khi bạn hắt hơi mà bị són tiểu hay khi đi tiểu có máu đôi lúc kèm máu, không tự chủ là dấu hiệu cảnh báo ung thư đã lan rộng ra ngoài cổ tử cung.

Nếu tình trạng trên diễn ra trong khoảng thời gian trên 1 tuần thì rất nguy hiểm.

Chu kì kinh nguyệt bất thường

Chu kì kinh nguyệt của chị em nói lên rất nhiều điều, nếu khi tử cung bị kích thích do ung thư tử cung thì nó sẽ tác động đến quá trình phát triển và rụng trứng theo chu kì bình thường của cơ thể người phụ nữ. Sự cân bằng hormone cũng bị thay đổi. Kết quả là chu kì kinh nguyệt của bạn không được bình thường như trước đây. Bạn có thể bị trễ kinh, kinh nguyệt kéo dài hoặc máu kinh nguyệt có màu đen sẫm… Vì vậy, chị em không được bỏ qua dấu hiệu khác thường này.

Đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ tình dục

Ngay cả những chị em không gặp vấn đề ở tử cung cũng có thể thấy có máu xuất hiện sau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nếu cảm giác đau và chảy máu sau quan hệ tình dục xảy ra thường xuyên hơn thì đó có thể là một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn ở cơ quan sinh sản như ung thư cổ tử cung.

Bao cao su không phòng được virus gây ung thư cổ tử cung

Bao cao su không hoàn toàn phòng được virus gây ung thư cổ tử cung như chị em lầm tưởng. Bởi virus HPV dễ lây truyền khi tiếp xúc vùng sinh dục không được bao cao su che phủ, gián tiếp qua quan hệ bằng tay, đồ lót...

Các dấu hiệu trên có thể cảnh báo bệnh đang ở giai đoạn muộn. Vì vậy, không nên chờ đến khi có triệu chứng mới thăm khám phụ khoa, mà nên chủ động tầm soát hàng năm, tiêm vắcxin ngừa HPV sớm (9-26 tuổi) để giảm 70% nguy cơ ung thư cổ tử cung. Độ tuổi nhiễm HPV nhiều nhất là 20-25; tổn thương tiền ung thư thường gặp ở tuổi 35.

Ngoài ra, định kỳ 3-6 tháng nên đi khám phụ khoa và làm thêm các xét nghiệm tầm soát tế bào ung thư. Nếu đang có vấn đề về viêm nhiễm phụ khoa như khí hư bất thường, viêm âm đạo, viêm lộ tuyến CTC... thì cần đi khám và chữa trị dứt điểm để bệnh không tiến triển nặng hơn.

Bên cạnh đó, trong cuộc sống thường ngày, chị em nên giữ gìn vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ, quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.

Chia sẻ