Cách làm sạch và ngăn ngừa tắc lỗ chân lông

BS. Nguyễn Bích Ngọc,
Chia sẻ

Tắc lỗ chân lông là tình trạng lỗ chân lông bị tắc nghẽn do các tế bào chết, bụi bẩn cùng với dầu nhờn tích tụ lại... Nếu để kéo dài, không được xử lý có thể gây mụn nhọt, viêm da…

Lỗ chân lông là những lỗ nhỏ trên da có chứa dầu và mồ hôi. Đôi khi, lỗ chân lông bị tắc nghẽn do dầu và tế bào chết (da bong ra mỗi ngày). 

Khi bị bít tắc bản thân lỗ chân lông sẽ trở thành mụn đầu đen, mụn đầu trắng hoặc mụn trứng cá. 

Thông qua việc chăm sóc da và điều trị da thích hợp, có thể kiểm soát hoặc làm sạch lỗ chân lông bị tắc.

1. Tại sao lỗ chân lông bị tắc?

Các tuyến trên mặt tiết ra một chất gọi là bã nhờn. Bã nhờn là một loại dầu tự nhiên bao phủ da để giữ ẩm. Chức năng của lỗ chân lông là đưa dầu lên bề mặt da, để bảo vệ và cấp nước cho da.

Tuy nhiên, đôi khi bã nhờn, tế bào da chết và các chất khác bị mắc kẹt bên trong lỗ chân lông gây bít tắc. Lỗ chân lông bị tắc có thể trông to hơn bình thường hoặc có cảm giác mấp mô.

Đôi khi, lỗ chân lông bị tắc nghẽn có thể dẫn đến mụn trứng cá, đặc biệt là nếu nó bị viêm. Mụn trứng cá là tình trạng da phổ biến nhất, có thể tạo ra một số loại mụn, bao gồm:

- Mụn đầu đen: Xuất hiện khi dầu và tế bào da chết bị kẹt trong lỗ chân lông, nhưng lỗ chân lông vẫn mở.

- Mụn đầu trắng: Những nốt mụn này xảy ra khi lỗ chân lông đóng lại và chứa một lượng nhỏ mủ trắng.

- Mụn nhọt: Loại mụn này xảy ra khi vi khuẩn, da chết và dầu bị mắc kẹt trong lỗ chân lông và gây sưng tấy, viêm nhiễm.

- Mụn nang: Là một dạng nặng của mụn trứng cá xảy ra khi các mụn nang phát triển bên dưới bề mặt da.

Mặc dù chúng không gây ra nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, nhưng lỗ chân lông bị tắc và mụn trứng cá có thể gây tăng sắc tố da, sẹo và gây mất thẩm mĩ…

Tắc lỗ chân lông

Hình ảnh tắc lỗ chân lông.

2. Các yếu tố nguy cơ gây tắc lỗ chân lông

Tế bào da chết và bã nhờn thường khiến lỗ chân lông bị tắc, nhưng các yếu tố khác có thể khiến lỗ chân lông bị tắc nhiều hơn, bao gồm:

Các sản phẩm gây mụn: Một số sản phẩm dành cho da, chẳng hạn như kem trang điểm, kem chống nắng và kem dưỡng da… có thể gây bít lỗ chân lông, gây mụn.

Độ đàn hồi của da: Độ đàn hồi của da giảm khiến lỗ chân lông to và lộ rõ hơn. Lỗ chân lông lớn hơn có thể dễ bị tắc nghẽn hơn.

Tăng sản xuất bã nhờn: Sự tăng sản xuất bã nhờn cũng là một yếu tố nguy cơ gây bít tắc lỗ chân lông. Một số yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất dầu của da (bã nhờn) bao gồm nội tiết tố, di truyền và tuổi tác...

Bất cứ ai cũng có thể bị tắc nghẽn lỗ chân lông và mụn trứng cá. Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), mụn trứng cá phổ biến nhất ở độ tuổi từ 12 đến 24 tuổi, nhưng một số người ở độ tuổi 30 và 40 cũng bị tình trạng này.

3. Làm thế nào để làm sạch lỗ chân lông bị tắc?

Có thể thực hiện một số bước tại nhà để giúp làm sạch lỗ chân lông bị tắc. AAD đề xuất các phương pháp chăm sóc da sau đây để giúp thông thoáng lỗ chân lông hoặc giảm kích thước của chúng.

3.1 Sử dụng các sản phẩm không gây dị ứng tránh tắc lỗ chân lông

Có thể tìm kiếm các sản phẩm trang điểm, chăm sóc da và chống nắng mà nhãn mô tả là không gây dị ứng hoặc không chứa dầu...

3.2 Tránh gãi hoặc chà xát

Một số người cảm thấy muốn gãi, hoặc chà xát lên các lỗ chân lông bị tắc và mụn trứng cá. Điều này có thể sẽ trở thành thói quen. Tuy nhiên trên thực tế, nó có thể gây tổn thương cho da.

3.3 Làm sạch nhẹ nhàng

Sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng, cân bằng độ pH hai lần mỗi ngày với nước ấm (nhưng không nóng) là một cách hiệu quả để loại bỏ dầu thừa và tế bào chết trên da.

Nên rửa mặt nhẹ nhàng, vì chà xát mạnh có thể gây mẩn đỏ...

photo-1656741307337

Làm sạch da nhẹ nhàng.

3.4 Tẩy da chết

Tẩy da chết bao gồm việc loại bỏ các tế bào chết trên bề mặt da. Làm điều này có thể giúp giảm kết cấu của lỗ chân lông bị tắc.

Có hai loại tẩy da chết:

Tẩy da chết cơ học, bao gồm việc loại bỏ da chết vật lý bằng cách sử dụng khăn hoặc bàn chải…

- Tẩy da chết hóa học, trong đó sử dụng sản phẩm axit an toàn để làm tan các mảnh vụn (da chết).

Axit salicylic là một chất tẩy tế bào chết hóa học phổ biến có thể giúp thông thoáng lỗ chân lông. Nó cũng hữu ích để điều trị mụn trứng cá, tăng sắc tố và các tình trạng da thông thường khác. 

Nên sử dụng kem chống nắng cùng với sản phẩm tẩy da chết hóa học, vì những sản phẩm này làm cho da nhạy cảm hơn với tia UV.

3.5 Retinol

Những người có làn da nhờn hoặc lão hóa hoặc lỗ chân lông to có thể nhận thấy rằng da của họ kém đàn hồi, điều này có thể góp phần làm cho lỗ chân lông bị tắc. Tăng độ đàn hồi của da có thể giúp giảm tắc nghẽn lỗ chân lông.

Retinol là một thành phần chăm sóc da được khuyên dùng cho những người có làn da trưởng thành, da dầu hoặc bị mụn trứng cá.

Nên bắt đầu với một sản phẩm có nồng độ thấp và sử dụng trước khi đi ngủ, vì retinol đôi khi có thể gây kích ứng da ban đầu. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên sử dụng retinol.

Một số người cũng sử dụng mặt nạ than và miếng dán se lỗ chân lông để giải quyết tình trạng lỗ chân lông bị tắc, nhưng không có nhiều bằng chứng chứng minh rằng những phương pháp này có hiệu quả.

4. Điều trị tắc lỗ chân lông như thế nào?

Có thể sử dụng các kỹ thuật sau để điều trị lỗ chân lông bị tắc:

Hút mụn: Sử dụng các công cụ đặc biệt, bác sĩ da liễu có thể hút bã nhờn một cách an toàn, có thể gây ra mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng từ lỗ chân lông. Tuy nhiên, không nên làm điều này ở nhà.

Lột da: Bác sĩ da liễu có thể sử dụng phương pháp lột da hóa học để điều trị da xỉn màu hoặc da sần sùi.

Mài da vi điểm (Microdermabrasion): Là phương pháp tẩy tế bào chết bằng một thiết bị cầm tay đưa tinh thể đặc biệt lên da, nhẹ nhàng lấy đi tế bào chết, dầu thừa, vi khuẩn trên da giúp lỗ chân lông được thông thoáng. Các bác sĩ da liễu sử dụng phương pháp này để cải thiện kết cấu da không đồng đều.

Điều trị axit hyaluronic: Dùng axit hyaluronic có thể làm giảm kích thước lỗ chân lông…

5. Cách phòng ngừa tắc lỗ chân lông

AAD khuyến nghị, có thể thực hiện các bước để ngăn chặn lỗ chân lông bị tắc phát triển trở lại sau khi bắt đầu điều trị.

- Giữ cho da sạch và ẩm.

- Sử dụng các sản phẩm không gây dị ứng.

- Tẩy trang trước khi ngủ.

- Tránh chạm vào mặt.

- Tẩy tế bào chết các vùng da dễ bị xung huyết.

- Sử dụng kem chống nắng không chứa dầu.

Chia sẻ