Cách chống và đuổi kiến ba khoang tại nhà không cần dùng tới các hóa chất độc hại

Scorpiot,
Chia sẻ

Kiến ba khoang đang là vấn nạn được nhiều người quan tâm vì sự nguy hiểm và hậu quả khôn lường mà nó để lại. Đặc biệt đối với những gia đình có trẻ nhỏ. Hãy cùng tìm hiểu những cách đuổi bay chúng khỏi nhà bạn mà vẫn an toàn, không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Kiến ba khoang là loài côn trùng có các khoang đen - vàng cam xen kẽ, có thân mình thon, dài như hạt thóc. Chiều dài từ 1 tới 1,2cm, ngang từ 2 tới 3mm. Loài kiến này có 3 đôi chân, 2 đôi cánh trong đó một đôi cánh dài mỏng trong suốt gấp lại gọn gàng và dấu bên dưới đôi cánh cứng ngắn. Chúng bay và chạy rất nhanh.

Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.

Khuyến cáo cách chống và đuổi kiến ba khoang tại nhà mà không cần dùng tới các hóa chất độc hại - Ảnh 1.

Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển.

Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn.

Chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động, bị chà sát hoặc bị giết.

Để phòng chống kiến ba khoang tại nhà mà không cần sử dụng các hóa chất độc hại, bạn có thể tham khảo một số mẹo nhỏ sau.

1. Cách chống kiến ba khoang

Đề phòng côn trùng bay vào nhà: Bạn có thể đề phòng côn trùng bay vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn.

Khuyến cáo cách chống và đuổi kiến ba khoang tại nhà mà không cần dùng tới các hóa chất độc hại - Ảnh 2.

Ngủ trong màn: Buông màn và ngủ trong màn là cách tốt nhất bảo vệ bạn khỏi sự tấn công của kiến ba khoang.

Tránh đứng dưới bóng đèn sáng: Bạn nên tránh đứng dưới bóng đèn sáng ở trong nhà. Chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và tiêu diệt chúng.

Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ: Cách làm này giúp tiêu diệt nơi ẩn nấp và sinh sản của kiến ba khoang. Giúp hạn chế ảnh hưởng của chúng tới cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của gia đình bạn.

Khuyến cáo cách chống và đuổi kiến ba khoang tại nhà mà không cần dùng tới các hóa chất độc hại - Ảnh 3.

Giũ mạnh đồ dùng sinh hoạt trước khi sử dụng: Để tránh các con kiến ba khoang còn ẩn náu trong các đồ dùng sinh hoạt, bạn nên giũ mạnh chúng trước khi sử dụng. Đặc biệt là các đồ dùng tiếp xúc trực tiếp với da như khăn mặt, quần áo...

Xung quanh nhà nên trồng các loại cây như xả, dạ hương,... để xua đuổi kiến ba khoang vì chúng không thích mùi hương này.

Khuyến cáo cách chống và đuổi kiến ba khoang tại nhà mà không cần dùng tới các hóa chất độc hại - Ảnh 4.

Những người thường làm việc vào buổi tối dưới ánh đèn cần đóng cửa sổ hoặc lắp lưới ngăn côn trùng, nhất là vào mùa mưa bão. Nhớ đóng các cửa lại trước khi mở đèn để ngăn côn trùng bay vào phòng theo ánh sáng.

Nên dùng các loại thuốc bôi ngoài da để chống muỗi và các côn trùng khác.

Không phơi quần áo, khăn mặt ở bên ngoài vào buổi chiều tối.

Chú ý: Kiểm tra phát hiện côn trùng trong bồn tắm, bể chứa nước, khăn mặt, quần áo trước khi sử dụng.

2. Cách đuổi kiến ba khoang

Dùng vợt điện bảo vệ mình: Khi phát hiện kiến ba khoang, bạn hãy dùng vợt điện để bắt kiến thay vì dùng tay hoặc đập nát kiến ra. Vì khi dùng tay tiếp xúc với kiến ba khoang sẽ khiến nọc độc sau khi kiến chết dính vào da. Nó có thể gây ngứa, bỏng rát da, nhiễm trùng nếu như bạn tiếp xúc phải.

Khuyến cáo cách chống và đuổi kiến ba khoang tại nhà mà không cần dùng tới các hóa chất độc hại - Ảnh 5.

Làm bẫy bắt kiến:

Bước 1: Bật đèn sáng ngoài sân hoặc ban công để dụ chúng bay ra ngoài.

Bước 2: Ngay dưới bóng đèn, đặt một chậu nước trong. Nước sẽ giúp phản chiếu ánh đèn và thu hút kiến ba khoang đến. Chúng sẽ bị chết khi rơi vào nước.

Lưu ý: Nên sử dụng các loại bóng đèn phát ra ánh sáng xanh và tím để thu hút được nhiều kiến ba khoang nhất.

Khuyến cáo cách chống và đuổi kiến ba khoang tại nhà mà không cần dùng tới các hóa chất độc hại - Ảnh 6.

Dùng đèn diệt côn trùng UV: Công dụng diệt côn trùng rất tốt nhờ cơ chế tỏa khí CO2 như hơi người và phát ánh sáng tím thu hút côn trùng. Bạn có thể dùng loại đèn này để diệt kiến ba khoang cho không gian nhà mình.

Làm lưới ngăn: Buông rèm cửa để che bớt ánh sáng trong nhà, đóng kín các cửa, bịt các khe hở. Làm lưới ngăn côn trùng ở các cửa, lỗ thông khí,... cũng là một cách đuổi kiến ba khoang ra khỏi nhà an toàn.

Khuyến cáo cách chống và đuổi kiến ba khoang tại nhà mà không cần dùng tới các hóa chất độc hại - Ảnh 7.

Phun thuốc diệt côn trùng: Có thể phun thuốc diệt côn trùng để diệt kiến ba khoang nhưng phải chọn loại thuốc xịt có thương hiệu uy tín và trang bị đủ thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn.

Dùng baking soda:

Trộn muối (mồi dụ kiến ba khoang) với baking soda và rắc hỗn hợp quanh nhà, khi kiến ăn vào thì sẽ làm cho bụng phình to, trương lên mà chết. Hoặc cũng có thể dùng baking soda với nước lau nhà, nước cốt chanh hoặc một ít dấm ăn, sau đó lau hoặc xịt vào các góc nhà nơi ẩn nấp của côn trùng, chúng sẽ sợ mà chạy mất sau 1 đến 2 ngày.

Không nên mở các cửa hoặc bật điện quá sáng vào ban đêm để tránh sự thu hút của kiến cũng như các loại côn trùng khác. Ở các vùng chung cư cần có sự bố trí đèn hợp lý, nhà xa những bóng đèn đường lớn, trong nhà dùng đèn ánh vàng, ánh sáng nhẹ.

Cách xử lý tại nhà khi bị kiến ba khoang đốt:

- Khi bị tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, vùng da tiếp xúc có thể xuất hiện ban đỏ, ngứa. Ngay lập tức hãy dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch chất độc bám trên da. Sau đó dùng hồ nước bôi lên vùng da tổn thương nhằm mục đích làm mát da, tránh phồng rộp.

- Khi da đã bị nổi mụn, phồng rộp như vết bỏng, tiếp tục dùng hồ nước bôi để làm sạch, dịu da.

- Nếu vùng tổn thương xuất hiện mủ, dùng dung dịch xanh methylen bôi lên vết thương để sát khuẩn, tránh bị nhiễm trùng.

- Khi vết thương đã khô, không còn chảy dịch, hãy sử dụng các loại thuốc dạng mỡ có tính kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa (ví dụ fucidin-H, fucicort) để bôi, giúp vết thương mau lành.

- Nếu bị tổn thương nặng, cần phải có bác sĩ kê đơn thuốc uống kèm với bôi bên ngoài để ngăn ngừa nguy cơ dị ứng toàn thân hoặc bội nhiễm nặng.

Chia sẻ