Các quốc gia đón Tết Nguyên Đán ăn gì để lấy may đầu năm?

Libra,
Chia sẻ

Bên cạnh Việt Nam thì Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc cũng là các quốc gia đón Tết theo Âm lịch. Cùng tìm hiểu những món ăn may mắn ngày đầu năm của họ nhé!

1. Việt Nam – bánh chưng
 
Ẩm thực Việt Nam vốn đa dạng cả ba miền Bắc - Trung - Nam nhưng món ăn nhất định phải có mặt trong mâm cỗ ngày đầu năm chính là bánh chưng. “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Dây neo, tràng pháo, bánh chưng xanh” - Chiếc bánh với hình thức vuông vắn, tươi xanh gắn với sự tích hoàng tử Lang Liêu, thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, là sự hội tụ tinh hoa của đất trời và mong muốn một năm đầy may mắn. Từ những nguyên liệu gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong và các loại gia vị ướp nhân đã tạo nên chiếc bánh chưng đậm đà, đặc trưng của đất nước “con Lạc cháu Hồng”.
 
 
Bánh chưng vuông vắn, tươi xanh thể hiện tinh hoa của đất trời và con người Việt.
 
Trung Quốc – bánh bao và cá 
 
Người Trung Quốc rất coi trọng bữa tối đầu tiên của dịp Tết Nguyên Đán. Đối với họ, đây là thời điểm tất cả các thành viên trong gia đình phải cùng tụ họp, quây quần bên nhau, thể hiện sự sum vầy, ấm áp và cầu chúc tốt lành đến với mỗi người. Vì thế, trong số rất nhiều các món ăn thịnh soạn đủ hương vị của mâm cỗ Trung Hoa như mì sợi, vịt quay, bánh tổ, há cảo... thì bánh bao và cá là 2 món không thể vắng mặt. Chiếc bánh bao trắng tròn thể hiện sự tròn đầy, hạnh phúc viên mãn. Còn món cá (tiếng Hoa là “yu”) do cách phát âm gần giống với “dư” trong dư dả nên hứa hẹn đem đến sự sung túc, giàu có.
 
Bánh bao trắng tròn thể hiện sự tròn đầy, hạnh phúc viên mãn.
 

Còn món cá lại hứa hẹn đem đến sự sung túc, giàu có cho gia chủ.

Singapore, Malaysia – Yu Sheng
 
Trên thực tế, Yu Sheng (âm Hán Việt: Ngư Sinh” là món ăn thường nhật của người dân các nước Singapore, Malaysia. Tuy nhiên, trong ngày đầu năm mới, nó vẫn được sử dụng làm món khai vị trên bàn tiệc với ý nghĩa thịnh vượng cho mỗi gia đình. Đây là một món salad gồm cá hồi, rau củ thái nhỏ trộn kèm với nước sốt. 
 
 
Ý nghĩa của nó được tạo nên từ các thành phần: cá hồi may mắn; cà rốt, dưa leo, củ cải, bưởi,... tượng trưng sự dư dả, thăng tiến; dầu ăn, đậu phộng, vừng để “hút” tài lộc vào nhà. Hơn nữa, màu sắc của Yu Sheng thật sự nổi bật khiến bữa ăn càng hấp dẫn và đẹp mắt hơn hẳn. 

Yu Sheng – món khai vị đầu năm với ước muốn dư dả, thịnh vượng.
 
Hàn Quốc – Canh Tteokguk
 
Người Hàn Quốc cũng đón Tết cổ truyền theo Âm lịch và canh Tteokguk là món ăn truyền thống ngày đầu năm mới của người dân đất nước này. Canh có thành phần chính là bánh gạo Tteok dạng thỏi dài được thái vát chéo, nấu cùng nước dùng (có thể là thịt bò, xương heo, cá hoặc rong biển,... tùy khẩu vị), bên trên là những lát thịt mỏng, trứng thái sợi, màu xanh của hành lá... 


Vào buổi sáng mồng 1, người ta dùng món này với ý nghĩa đánh dấu thêm tuổi mới, mong ước trường thọ và tải sản cũng dồi dào như thanh bánh gạo. Bên cạnh đó, canh Tteokguk còn tượng trưng cho sự thanh khiết, trọn vẹn của vạn vật trên thế gian theo quan niệm của “xứ sở kim chi”.
 
Canh Tteokguk - sự thanh khiết, trọn vẹn và mong ước trường thọ.
Chia sẻ