Các phương thức làm đẹp có thể gây dị tật thai nhi

,
Chia sẻ

Để đỡ xấu khi mang thai, nhiều bà bầu uống các loại hoocmon làm đẹp mà không biết rằng kể cả loại vitamin A làm sáng mắt uống trong giai đoạn này cũng có thể gây dị tật thai nhi.

Rất nhiều phụ nữ mang thai không biết rằng việc lạm dụng mỹ phẩm là nguyên nhân làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi.

Theo tiến sĩ Trần Danh Cường, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh, Phó trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Phụ sản TW, nguy cơ dị tật xảy ra cao nhất khi thai nhi được 4 đến 11 tuần tuổi. Do vậy, việc sử dụng mỹ phẩm trong giai đoạn này phải hết sức cẩn thận.

Thai nhi bị dị tật đầu chiếm tỷ lệ cao nhất

Ngồi chờ tại phòng khám BV Phụ sản TW, ai cũng tò mò liếc nhìn chị V.Q.T, 25 tuổi, trú đường Hai Bà Trưng, Hà Nội bởi trông chị như đang chuẩn bị lên sàn diễn, chứ không phải đi khám thai. Mặc dù mang thai được hai tháng nhưng T. vẫn trang điểm khá đậm, uốn mi cong vút, móng tay, móng chân sơn vẽ nhiều màu. Nghe BS tư vấn về việc không nên lạm dụng mỹ phẩm khi mang thai, chi T.“chống chế”: “Mình dùng mỹ phẩm bôi ngoài da chứ có uống đâu mà lo. Có bầu, trông đã xấu, da mặt lại nổi đầy tàn nhang không trang điểm đậm không che hết được”.


Tùy vào từng loại hóa mỹ phẩm độc hại khi đưa vào cơ thể sẽ gây ra những dị tật khác nhau. Ở Việt Nam, thai nhi bị dị tật đầu có tỷ lệ cao nhất, chiếm tỷ lệ 1/4 so với các dị tật khác. Theo tiến sĩ Trần Danh Cường, đây là một trong số những dị tật nặng nhất, đa số phải buộc ngừng thai nghén bởi những đứa trẻ có khiếm khuyết về não khi sinh ra sẽ là người tàn phế, trí tuệ phát triển không bình thường.

Vitamin A cũng có thể gây dị tật thai nhi

Trong thời kỳ mang thai, do những thay đổi về nội tiết tố nên nhiều người bị nổi nám, da sần sùi, lỗ chân lông giãn to. Đây chính là nguyên nhân khiến chị em phụ nữ cố trang điểm thật đậm nhằm che bớt những khuyết điểm trên mặt. Tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, phụ trách Khu điều trị da liễu thẩm mỹ, Viện Bỏng quốc gia, cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời không triệt bệnh tận gốc. Bên cạnh đó, khi mang thai, da của phụ nữ nhạy cảm hơn, dễ mẫn cảm với các thành phần hóa chất có trong mỹ phẩm. Để điều trị nám tận gốc, có thể dùng kỹ thuật laser hoặc các dược phẩm gây ức chế men nhưng các phương pháp này chống chỉ định với phụ nữ mang thai vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

Theo ông Cường, các loại hóa mỹ phẩm dùng trong công nghệ làm tóc (duỗi, hấp, nhuộm, keo xịt…) thường chứa chất amoniac. Đây là loại hóa chất cực độc, nếu để thấm vào máu hoặc hít phải với lượng lớn sẽ dẫn đến nguy cơ đẻ non, sản giật, thậm chí làm chết phôi thai ngay lập tức.

Phụ nữ mang thai cũng không nên sơn móng chân, móng tay vì các sản phẩm làm móng thường chứa các chất độc hại như benzen, formaldehyde và một số kim loại nặng như chì… Nguy hiểm hơn, aceton, nước rửa móng được xếp vào là một trong những chất độc hàng đầu, quá trình bốc hơi nhanh, dễ ngấm qua đường hô hấp vào máu.
 
“Phụ nữ khi mang thai tuyệt đối không được uống các loại hoocmon làm đẹp hay bất kỳ một loại dược phẩm nào mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa sản. Ngay cả các loại vitamin A làm sáng mắt khi uống trong giai đoạn mang thai cũng có thể gây dị tật thai nhi”, TS Trần Danh Cường cảnh báo.

Theo Xuân Trường
Baodatviet
Chia sẻ