Cả thế giới đang mở cửa trở lại bất chấp việc các ca lây nhiễm Covid-19 tăng vọt

MỸ LINH,
Chia sẻ

Số ca lây nhiễm đang tăng nhanh hơn bao giờ hết, song nhiều quốc gia quyết định rằng đã đến lúc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế.

2 tháng trước, khi có khoảng một triệu ca nhiễm được xác nhận và vấn đề sống sót trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn thế giới, thì việc phong tỏa là ưu tiên hàng đầu mỗi ngày.

Tuần trước, số ca mắc đã tăng vọt lên hơn 7 triệu ca, với 136.000 ca nhiễm mới được phát hiện chỉ riêng vào Chủ nhật - số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Thế nhưng, ưu tiên hàng đầu của những ngày này lại là: Tái mở cửa.

Bàng hoàng trước sự sụp đổ của nền kinh tế, các quốc gia dường như đang muốn nói rằng: cách ly như vậy là quá đủ. Còn đối với các quan chức y tế đã theo dõi virus từ thời điểm cảnh báo khi dịch bệnh lan truyền từ đại lục này sang đại lục khác, họ cho rằng thời điểm bây giờ rất phức tạp. "Đây không phải là lúc để bất kỳ quốc gia nào mất cảnh giác", ông Ted Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, đã cảnh báo tại một cuộc họp báo ở Geneva tuần trước. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng "rất lâu nữa mới kết thúc".

Trong khi tỷ lệ lây nhiễm ở các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ và Châu Âu có thể đã chậm lại, thì virus vẫn tiếp tục len lỏi đến mọi ngóc ngách trên toàn thế giới. Thật vậy, đỉnh dịch toàn cầu vẫn còn ở những tháng trước mắt .

 - Ảnh 1.

Trong trường hợp không có vắc-xin hoặc thậm chí là phương pháp điều trị hiệu quả, chiến lược duy nhất được sử dụng là hạn chế sự tiếp xúc giữa người với người. Các thành phố trên khắp thế giới đã làm điều đó, gặt hái những thành quả khi các ca nhiễm bệnh mới giảm dần, và sau đó gỡ bỏ dần các lệnh hạn chế di chuyển một cách thận trọng.

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Về lâu dài, khi đại dịch bùng phát và suy yếu dần, các quan chức y tế công cộng cho biết, có thể cần phải có một khoảng thời gian đóng cửa và mở cửa lặp đi lặp lại. Và đây là một vấn đề khó khăn hơn rất nhiều.

Giữa những ảnh hưởng về kinh tế chưa từng được thấy ở bất kỳ thế hệ nào trước đó, tồn tại nhiều ý kiến và ý định chính trị xung quanh việc phong tỏa một lần nữa. Và trong khi công chúng phần lớn đồng ý với các hạn chế (thường không thực thi trên phạm vi rộng), vẫn còn phải xem liệu họ có thể tiếp nhận điều này lần thứ hai không.

Sự nguy hiểm nhất của virus chắc chắn là tính lây lan. Nó hiện đang lan rộng theo cấp số nhân ở các nước đang phát triển, nơi các hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh có thể sớm bị quá tải nếu con số tiếp tục tăng đột biến.

Hôm thứ ba tuần trước, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, Tiến sĩ Anthony S. Fauci, đã đưa ra một đánh giá bi quan - ông mô tả Covid-19 là "cơn ác mộng tồi tệ" nhất của ông - và một lời cảnh báo: "chỉ trong vòng bốn tháng, nó đã tàn phá cả thế giới. Và chắc chắn nó vẫn chưa kết thúc."

Tổ chức Y tế Pan American hôm thứ ba tuần vừa rồi đã vẽ một viễn cảnh tàn khốc cho châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean. Cuộc khủng hoảng, theo giám đốc tổ chức, tiến sĩ Carissa F. Etienne, "đã đẩy khu vực của chúng ta đến giới hạn."

Tại Nga, Moscow đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong tuần trước ngay cả khi số ca nhiễm bệnh được phát hiện tiếp tục tăng lên đều đặn.

Ngay cả một số quốc gia từng tích cực chống lại virus đang mất dần cảnh giác. Một trong số đó là Ấn Độ. "Sẽ có một lệnh cấm hoàn toàn không được phép ra khỏi nhà", Thủ tướng Narendra Modi đã nói với công dân của mình vào ngày 24 tháng 3. "Mọi tiểu bang, mọi quận, mọi ngõ, mọi làng sẽ bị phong tỏa."

Tham vọng ấy khiến tất cả sửng sốt. Ấn Độ là một đất nước 1,3 tỷ dân, và hàng trăm triệu công dân của họ là những người nghèo khổ, với vô số hàng triệu người sống trong các khu ổ chuột chật cứng với điều kiện vệ sinh thấp và hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng yếu kém.

Nhưng bất chấp hành động nhanh chóng, đất nước này hiện đang vật lộn với sự gia tăng mạnh mẽ các ca nhiễm bệnh. Chỉ trong 24 giờ, Ấn Độ đã báo cáo 10.000 trường hợp mới, với tổng số ít nhất là 266.500, vượt qua Tây Ban Nha để trở thành một trong năm quốc gia có số ca nhiễm cao nhất. Các chuyên gia y tế công cộng đang cảnh báo về tình trạng thiếu giường bệnh và bác sĩ.

Nhưng tuần này, người Ấn Độ có thể một lần nữa ăn tối, mua sắm và cầu nguyện tại các địa điểm tôn giáo. Manish Sisodia, một quan chức chính phủ ở New Delhi, cảnh báo rằng thủ đô có khả năng có 500.000 ca nhiễm virus corona mới vào cuối tháng 7, dựa trên tỷ lệ lây nhiễm hiện tại.

Ở Mỹ Latinh, các trường hợp đang gia tăng cả ở các quốc gia áp dụng các biện pháp cách ly sớm, như Peru và Bolivia, và ở những nước bỏ qua nhiều khuyến nghị một cách công khai, như Brazil và Nicaragua.

Các chính phủ, khi buộc phải lựa chọn giữa việc chứng kiến công dân của mình chết vì virus hay chết vì nghèo đói, đang dần nới lỏng cách ly.

María Camila Salazar, 22 tuổi, một bà mẹ hai con sống ở Medellín, thành phố lớn thứ hai của Colombia, cho biết "chúng tôi đi ngủ mà không có gì để ăn cả."

Cô Salazar và gia đình, giống như hàng triệu người trên khắp châu Mỹ Latinh, thu thập bìa cartoon, thủy tinh và nhựa để kiếm sống. Nhưng cô gần như mất đường kiếm sống khi đất nước bị phong tỏa và không may đó là khi cô vừa sinh đứa con thứ hai.

Tổng thống Colombia, Iván Duque, gần đây đã nới lỏng các biện pháp cách ly, cho phép các quan chức địa phương thực hiện các bước cuối cùng theo quy định. Và rồi số ca lây nhiễm mới tại đất nước này tăng vọt trở lại.

Ở Nam Phi, các quan chức y tế đã ghi nhận hơn một nửa số trường hợp hiện tại của nước này xuất hiện trong hai tuần qua. Với 51.000 ca nhiễm được xác nhận, nó xuất hiện nhiều nhất ở châu Phi.

"Giống như nhiều người Nam Phi, tôi cũng lo lắng khi chứng kiến những con số này tiếp tục tăng", Tổng thống Cyril Ramaphosa đã viết trong lá thư hàng tuần gửi tới người dân cả nước.

Tuy nhiên, đất nước này đang mở cửa trở lại và hầu hết các thành viên của lực lượng lao động Nam Phi hiện đã quay trở lại với công việc của họ.

Ông Ramaphosa cho biết việc phong tỏa đã đạt được mục tiêu giúp các bệnh viện có thời gian chuẩn bị - một khẳng định có thể sẽ được kiểm nghiệm trong những ngày tới.

Rõ ràng các hình mẫu về việc làm chậm sự lây lan của virus được áp dụng ở Tây Âu và Mỹ không hiệu quả ở tất cả mọi nơi, đặc biệt kém hiệu quả ở những xã hội mà nền kinh tế phi chính thức đóng vai trò quan trọng. Hơn nữa, ngay cả những quốc gia đã đạt được tiến bộ sau khi bị tấn công mạnh mẽ bởi làn sóng đầu tiên của virus cũng không đồng nghĩa hoàn toàn thoát khỏi các rủi ro. Các quy tắc cách ly xã hội ở nhiều nơi - và việc tuân thủ chúng - vẫn còn mơ hồ, và ít phù hợp với mong muốn cơ bản nhất của con người là được trò chuyện, kết nối.

Theo The New York Times

Chia sẻ