Ca mổ bắt con ở tâm dịch Đà Nẵng

Bích Vân,
Chia sẻ

Bé gái chào đời tại bệnh viện dã chiến, được đặt tên Vi để nhắc nhớ về giai đoạn lịch sử chống Covid-19 của Đà Nẵng.

Ca phẫu thuật đặc biệt

Sáng 15-8, trong khu cách ly điều trị Covid-19 tại Bệnh viện (BV) dã chiến Hòa Vang (TP Đà Nẵng), chị Nguyễn Thị Như Ánh (SN 1985; trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng; bệnh nhân 569) có dấu hiệu đau bụng khi đang ở tuần 38 của thai kỳ.

Bác sĩ (BS) Trần Thị Hoàng - Phó Giám đốc, BS Vũ Văn Long - Trưởng Khoa Kế hoạch hóa gia đình - và các BS chuyên khoa nhi sơ sinh, hồi sức nhi, gây mê… của BV Phụ sản Nhi Đà Nẵng đã lập tức đến BV dã chiến Hòa Vang. Xác định sản phụ từng sinh mổ 2 lần trước, BS Long, người có thâm niên hơn 10 năm thực hiện mổ bắt con, được chỉ định là BS mổ chính.

"Lúc này, sản phụ đã đau bụng nhiều, vết mổ cũ có nguy cơ bị nứt nếu không được mổ kịp thời nên tôi đã hội chẩn gấp qua điện thoại với lãnh đạo BV" - BS Long kể lại.

Ca mổ bắt con ở tâm dịch Đà Nẵng - Ảnh 1.

Thời gian chuẩn bị cho ca mổ đặc biệt này sẽ lâu hơn so với bình thường nên phải tiến hành mổ càng sớm càng tốt. Qua điện thoại, BS Trần Đình Vinh, Giám đốc BV Phụ sản Nhi Đà Nẵng, dặn dò: "Bình tĩnh, cẩn thận, giữ an toàn tốt nhất cho sản phụ, em bé và ê-kíp".

Kết thúc cuộc gọi với ban giám đốc, BS Long nhắn vội với vợ: "Ở nhà chăm sóc 2 con vì sau ca phẫu thuật này, ba sẽ bị cách ly 14 ngày".

Các BS bắt đầu phát lệnh mổ lúc 21 giờ ngày 15-8. Hơn 4 tháng đã trôi qua, BS Long vẫn nhớ rõ từng giây phút trong buổi tối hôm đó. Anh vừa căng thẳng vừa hồi hộp. Một phần vì phải khoác 3 bộ áo quần, ngoài bộ áo quần vô trùng sử dụng trong phòng mổ còn phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch Covid-19.

Bé gái nặng 3 kg cất tiếng khóc chào đời, cả ê-kíp gần như vỡ òa vì hạnh phúc. BS Long cẩn thận thực hiện những vết khâu cuối cùng để hoàn thành ca mổ kéo dài hơn 90 phút, gấp đôi thời gian so với ca sinh mổ lần 3 thông thường. Vì chưa có nghiên cứu nào trên thế giới về những ca sinh cho sản phụ nhiễm Covid-19 nên bác BS vẫn để bé được "da kề da" với mẹ và tận hưởng giọt sữa đầu tiên.

Ngay sau đó, các BS đã lấy 3 mẫu bệnh phẩm của bé để xét nghiệm SARS-CoV-2. Thật may mắn khi kết quả đều là âm tính. Bước ra khỏi phòng mổ, khi cởi áo quần bảo hộ ra, cả ê-kíp phẫu thuật đều ướt sũng. Họ mệt gần như sắp xỉu nhưng lại lâng lâng hạnh phúc. "Mình cũng xác định trước khi bước vào BV dã chiến, an toàn chống dịch là trên hết. Nhưng trong phòng mổ thì nguy cơ lây nhiễm cao hơn, mình thực hiện đúng nguyên tắc phòng dịch cho bản thân và đồng nghiệp. Giả sử có vô tình bị lây nhiễm thì đó cũng là chuyện phải chấp nhận. Thực tế là đã có rất nhiều đồng nghiệp mắc Covid-19 khi điều trị và chăm sóc bệnh nhân" - BS Long trải lòng.

"Con nuôi" của các Bác sĩ, điều dưỡng

Bảy ngày sau ca mổ, chị Ánh có 3 lần xét nghiệm âm tính liên tục và bé gái không bị lây nhiễm từ mẹ. Hai mẹ con được BS cho xuất viện để trở về nhà tự cách ly. Chị Ánh khoe với chúng tôi bức ảnh con gái chụp chung với nữ điều dưỡng Tâm của Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Trong suốt thời gian ở BV dã chiến, 4 nữ điều dưỡng của BV này đã thay phiên chăm sóc bé.

Ca mổ bắt con ở tâm dịch Đà Nẵng - Ảnh 3.

BS Vũ Văn Long (ngoài cùng, bên phải) trong ca phẫu thuật cho sản phụ Nguyễn Thị Như Ánh giữa Bệnh viện dã chiến Hòa Vang tối 15-8 (Ảnh: Đại Hòa)

 Đầu tháng 12, nữ điều dưỡng Tâm đã ghé nhà của chị Ánh để thăm "con nuôi". Các y - BS xem bé là đứa con tinh thần, giúp xua tan những mệt mỏi trong những ngày căng mình chống Covid-19.

"Từ ngày tôi sinh cháu, mỗi ngày có đến 10 y - BS thay phiên vào hỏi thăm, động viên tôi. Họ biết một bà đẻ mà không có gia đình ở bên sẽ buồn như thế nào. Nhưng tôi không buồn, tôi luôn cảm thấy ấm áp vì được các y - BS chăm sóc hết sức tận tâm" - chị Ánh tâm sự.

Sau khi Đà Nẵng khống chế được dịch Covid-19, chị Ánh đã cùng chồng đi làm giấy khai sinh đặt tên con là Trương Khánh Vi để sau này con luôn nhớ rằng 2 mẹ con đã vượt qua được Covid-19.

Bé Vi nay đã hơn 4 tháng tuổi, rất chăm bú mẹ và biết cười đùa khi mẹ và 2 chị trêu. Chị Ánh đang chuẩn bị đi làm trở lại sau kỳ nghỉ sinh. Đối với vợ chồng anh chị, Covid-19 không chỉ là cuộc chiến với Đà Nẵng mà là cuộc chiến của cả gia đình.

Ca mổ bắt con ở tâm dịch Đà Nẵng - Ảnh 4.

Chị Ánh cùng con gái Trương Khánh Vi - em bé chào đời giữa bệnh viện dã chiến khi mẹ đang mắc Covid-19. (Ảnh: Bích Vân)

 "Những ngày vô cùng khó khăn và vất vả thực sự đã qua. Vi, cô Vi của vợ chồng tôi, dù đã chào đời trong hoàn cảnh bất đắc dĩ nhưng con bé thực sự là hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm, yêu thương của rất nhiều người. Tôi luôn trân trọng họ" - chị Ánh trải lòng.

Tết năm nay, cái Tết đầu tiên của bé Vi cũng đánh dấu mốc 1 năm đầy gian nan của vợ chồng chị đã qua. Chị Ánh dự định sẽ sắm cho Vi vài bộ áo quần mới mặc Tết vì từ khi sinh ra tới giờ bé chỉ toàn dùng đồ cũ của 2 chị. Nhắc lại chuyện các BS trêu vợ chồng chị dừng đẻ, 3 cô con gái là được rồi, anh Trương Công Thắng, chồng chị Ánh, cười: "Trai gái gì 3 đứa là được rồi. Tôi chỉ mong sao vợ chồng, con cái được sức khỏe và bình yên là hạnh phúc lắm rồi".


Chia sẻ