Buôn người ở Iraq vẫn là vấn nạn với phụ nữ, trẻ em

Nhu Thụy,
Chia sẻ

Kể từ khi Chuẩn tướng Wissam al-Zubaidi nhậm chức Giám đốc đơn vị chống buôn người, ông đã chỉ đạo 115 vụ bắt giữ các đối tượng buôn người ở Iraq. Ông cho rằng đây chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”.

Những mảnh đời đáng thương

Vượt qua những bức tường bê tông, chiếc xe dừng lại khi đến sát một chiếc Kia màu đỏ tại điểm hẹn. Hàng ghế sau là hai cô gái Noor và Shahad. Họ lo lắng liếc nhìn xung quanh khi Husham (không phải tên thật), một người đàn ông trung niên bụng phệ, người chăn dắt họ đi về phía chiếc Kia. Người ngồi trong xe Toyota Landcruiser gần đó là Chuẩn tướng Wissam al-Zubaidi, Giám đốc đơn vị chống buôn người. Ông đóng giả làm người tìm mua phụ nữ để làm gái mại dâm. Tên buôn người Husham thỏa thuận sẽ bán mỗi thiếu nữ với giá 5.000 USD cho Al-Zubaidi. Hắn không hay biết rằng ngay cả tài xế lái chiếc Kia cũng là cảnh sát chìm.

Vài phút sau, khi Husham, Noor và Shahad bước vào chiếc xe Kia, đèn pha xe bắt đầu nhấp nháy. Đó là tín hiệu để người của Chuẩn tướng al-Zubaidi xuất kích. Husham bị cảnh sát còng tay, thu giữ tiền làm tang chứng. Noor rơi nước mắt vì nghĩ rằng mình bị cuốn vào một cuộc chiến băng nhóm. Shahad không khóc nhưng cô hoảng sợ khi cảnh sát dẫn họ đến xe của al-Zubaidi. Họ được đưa đến đơn vị chống buôn người để thẩm vấn. Vài ngày sau, họ được chuyển vào ngôi nhà an toàn do Chính phủ quản lý.

Nhức nhối nạn buôn người ở Iraq - Ảnh 1.

Đơn vị chống buôn người bắt giữ Husham

Noor (21 tuổi) và Shahad (17 tuổi) đều là nạn nhân của những tục lệ cổ hủ ở Iraq. Noor sinh ra tại thành phố Najaf. Giống như bà, mẹ và các dì của mình, Noor gần như bị "giam lỏng" trong nhà. Năm cô 9 tuổi, Noor đang đi học về thì gặp người thanh niên hàng xóm. Hai người không biết rằng việc họ chào nhau đã gây ra một "cơn bão" với hai dòng họ. "Gia đình không thể chấp nhận việc tôi nói chuyện với đàn ông không cùng họ. Hai dòng họ gặp nhau và quyết định chúng tôi phải lấy nhau. Bố bảo rằng tôi sẽ phải sống chết với anh ta và tôi không bao giờ được về nhà nữa", Noor kể.

Chỉ vì bảo vệ "danh dự" mà nhiều gia đình ở Iraq sẵn sàng hy sinh con gái họ. Rất nhiều thiếu nữ bị trói buộc vào những cuộc hôn nhân không giá thú vì họ chưa đủ 18 tuổi để kết hôn theo đúng luật. Cũng vì hôn nhân phạm pháp mà nhiều phụ nữ Iraq thường xuyên là nạn nhân của bạo hành gia đình. Theo thống kê của Liên hợp quốc, 46% phụ nữ Iraq đã hoặc đang chịu sự tra tấn về thể xác, tinh thần và tình dục. Sau khi Noor lấy chồng, cô trở thành người hầu cho gia đình chồng. Họ đối xử với cô không khác gì người giúp việc, đánh đập, chửi mắng cô. Không chịu đựng được, Noor bỏ nhà lên Baghdad. Cô đến ngôi đền Imam Kadhim linh thiêng nhằm tìm một nơi lánh nạn. Một người lạ mặt nói sẽ cho cô ở tạm nhà bà ta và Noor không biết rằng mình đã sập bẫy kẻ buôn người. Cô bị đưa đến thành phố Erbil, thủ phủ vùng tự trị của người Kurd ở phía Bắc Iraq. Noor cùng một số cô gái khác bị bán cho một chủ nhà chứa và buộc phải hành nghề mại dâm. Nếu từ chối phục vụ khách, họ sẽ bị đánh đập và bị bỏ đói.

Nhức nhối nạn buôn người ở Iraq - Ảnh 2.

Shahad, Noor và con trai của Noor trên đường đến tòa án

Đó là lần đầu tiên cô gặp Shahad, con gái của Husham. Shahad xuất thân trong một gia đình tan vỡ và lớn lên trong một trại trẻ mồ côi ở Baghdad. Khi cô bước sang tuổi 13, Husham đột nhiên đến đòi lại cô. Sau đó, Husham đưa cô đến Erbil, nơi ông ta để bạn mình cưỡng hiếp cô rồi chính Husham tấn công tình dục con gái. Husham buộc Shahad và các cô gái bán dâm. Một quan chức ở Baghdad đã cấp hộ chiếu cho Noor với danh tính giả là vợ của Husham để dễ dàng đi qua các trạm kiểm soát ở khu vực biên giới. Thậm chí Noor từng bị đưa sang Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất) để tiếp khách.

Noor nhiều lần chạy trốn không thành. Noor từng liên lạc với một sĩ quan an ninh người Kurd. Anh ta hứa sẽ giúp đỡ nhưng thực tế đã mật báo cho Husham. Hắn đánh cô phải nằm liệt giường cả tháng trời. Sau khi Noor mang thai và sinh ra một đứa con trai, Husham đã dùng đứa trẻ để khống chế, bắt cô tiếp khách. "Nếu khách phàn nàn, hắn đánh con để tôi có thể nghe thấy tiếng khóc của con qua điện thoại. Vì con, tôi phải cắn răng chịu đựng".

Nhức nhối nạn buôn người ở Iraq - Ảnh 3.

Chuẩn tướng Wissam al-Zubaidi trong văn phòng đơn vị chống buôn người của Bộ Nội vụ Iraq

Kẽ hở của pháp luật

Ngôi nhà an toàn của Chính phủ là một tòa nhà hai tầng được bảo vệ bởi những bức tường cao và một vài nhân viên bảo vệ. Tầng trên là nơi trú ẩn của người vô gia cư, tầng trệt là nơi ở của các nạn nhân bạo lực gia đình và buôn người. Noor và Shahad được đưa đến đây theo lệnh của thẩm phán và phải ở lại trong suốt thời gian điều tra kéo dài nhiều tháng. Họ không có quyền sử dụng điện thoại, không được tham gia học tập, học nghề, mà dành cả ngày lo lắng về phiên tòa sắp đến. Noor và Shahad lo lắng họ có thể bị buộc tội mại dâm. Iraq đã thông qua "Luật chống buôn người" năm 2012, để bảo vệ các nạn nhân khỏi bị truy tố. Tuy nhiên, nhiều người trong hệ thống tư pháp nước này vẫn áp dụng luật từ năm 2001 trừng phạt hành vi mại dâm với mức án tù chung thân. Kể từ năm 2003, Iraq được xem là "thiên đường" cho những kẻ buôn người và là "địa ngục" với phụ nữ.

Nhức nhối nạn buôn người ở Iraq - Ảnh 4.

Shahad, Noor tại tòa án

Nhà hoạt động nữ quyền Janat al-Ghazi cho biết: "Các đối tượng buôn người nhắm đến những cô gái trẻ nghèo hoặc vô gia cư. Họ hứa hẹn sẽ cho nạn nhân chỗ ở hay công việc, rồi sau đó cưỡng hiếp họ. Họ luôn dùng lý lẽ rằng người phụ nữ đã bị "vấy bẩn", cô ta không còn cách nào khác ngoài việc phải sống bằng nghề mại dâm… Chính quyền đã nhiều lần tuyên bố sẽ tìm cách dẹp bỏ khu phố đèn đỏ Bataween ở Baghad nhưng mãi chưa thực hiện".

Kể từ khi Chuẩn tướng Al-Zubaidi nhậm chức Giám đốc đơn vị chống buôn người, ông đã chỉ đạo 115 vụ bắt giữ các đối tượng buôn người. Tuy nhiên, ông cho rằng đây chỉ là bề nổi của "tảng băng chìm". Sinh ra trong một gia tộc có truyền thống quân sự, ông là người có lòng tin vào sự công bằng của pháp luật. Vấn đề là đơn vị của ông có quá ít nguồn lực. "Chúng tôi chỉ có 8 sĩ quan và hơn chục người khác làm các công việc hỗ trợ. Từng đấy nhân lực lại phải quản lý nửa phía Tây của Bagdhad với dân số hàng triệu người", ông nói.

Nguồn: Al Jazeera

Chia sẻ