Bức thư mẹ gửi con trai sau 1 biến cố lớn khiến hàng ngàn phụ huynh giật mình: Với trẻ, cuối cùng điều gì là quan trọng nhất?

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Ngày 14/10/2022, Hồ Hâm Vũ, học sinh 1 trường trung học ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) mất tích. Cuối tháng 1/2023, thi thể của em được phát hiện. Các cơ quan công an kết luận Hâm Vũ tự vẫn. Nguyên nhân có thể xuất phát từ vấn đề tâm lý. Hồ Hâm Vũ vốn có tính cách hướng nội, quá quan tâm đến nhận xét của người khác. Kết quả học tập sa sút, căng thẳng kéo dài, Vũ dần trở nên trầm cảm.

Câu chuyện của Hâm Vũ khiến nhiều phụ huynh xót xa. Họ cũng giật mình nhìn lại quá trình giáo dục con cái. Đau xót trước cái chết của cậu bé còn quá trẻ, một bà mẹ có con trai tuổi vị thành niên đã viết cho con một bức thư. Nhiều phụ huynh sau khi đọc xong đã thốt lên rằng: Người mẹ này đã thay họ nói hết những điều muốn nói, cả những gì giấu kín nhất trong lòng mình...

Bức thư mẹ gửi con trai sau 1 biến cố lớn nhận hàng ngàn lượt thích: 3 điều quan trọng cha mẹ nào cũng cần nắm - Ảnh 1.

Hồ Hâm Vũ.

Con trẻ cũng có rất nhiều nỗi cô đơn, áp lực trong hành trình trưởng thành của mình. Hãy nói với con, dù có chuyện gì xảy ra, cha mẹ sẽ luôn là nơi trú ẩn an toàn ấm áp nhất.

Bức thư có nội dung như sau:

Vài ngày trước, khi biết rằng Hâm Vũ tự kết thúc cuộc đời mình, mẹ đã rơi nước mắt. Mẹ cũng cảm thấy như gia đình của Vũ, thật đau lòng khi mất đi một cậu con trai đang ở độ tuổi sung sức nhất. Sốc hơn nữa khi nghe thấy nội dung ghi âm và sổ ghi chép được giới truyền thông phanh phui.

Vũ nói: "Khi chịu nhiều áp lực học tập và điểm số giảm mạnh, tôi đã nghĩ về "điều đó", muốn một lần và kết thúc mãi mãi".

Có thể những bậc cha mẹ không bao giờ nghĩ rằng, đứa con vốn ngoan ngoãn nghe lời, ham học hỏi và năng động lại có những suy nghĩ tiêu cực như vậy. Thì ra, con cũng đã vất vả, đã chịu áp lực, chỉ là mẹ không thể nhìn thấy.

Những đứa trẻ như các con hiện nay lớn lên trong thời đại sung túc về vật chất, không phải chịu cảnh đói rét, nhưng không vì thế mà coi thường áp lực tinh thần. Công việc học tập nặng nề, kỳ vọng cha mẹ đều là thử thách cho con. Nhưng hỡi các con, không có con đường đời nào bằng phẳng và không lo âu. Ai cũng sẽ gặp phải trải qua những gập ghềnh. Có điều, dù thế nào đi nữa, cái chết không phải là giải pháp cho những sự lo lắng.

Mẹ muốn nhân cơ hội này nói với con những lời từ tận đáy lòng.

Chàng trai của mẹ, con không cần phải tuyệt vời nhất.

Như Hâm Vũ, cậu ấy từng đạt điểm xuất sắc ở cấp 2 và được nhận vào trường trung học Zhiyuan. Nhưng ở trường mới, với toàn bạn học xuất sắc, Hâm Vũ chỉ xếp thứ hạng 58/65 học sinh. Không thể thích nghi, điểm số giảm mạnh khiến Hâm Vũ cảm thấy áp lực. Cậu rất muốn đuổi kịp các bạn và trở nên xuất sắc như trước, nhưng kỳ vọng vô hình khiến Hâm Vũ nghẹt thở rồi trở nên chán chường.

Các con! Cho dù đó là việc học hiện tại hay công việc trong tương lai, sẽ luôn có những người thông minh hơn, giỏi hơn và chăm chỉ hơn. Con có thể phấn đấu để bắt kịp, nhưng không được rơi vào nỗi ám ảnh về "sự xuất sắc" và đánh mất chính mình. Những đứa trẻ được bao quanh bởi ánh hào quang của "sự ưu tú" có khi trái tim đầy lỗ hổng, nhưng không ai biết.

Mẹ nhớ rằng trước đây, mẹ từng kể cho con nghe về một cậu bé tên là Zhang Yide. Thành tích học tập của cậu ấy thuộc loại tốt nhất, năm 18 tuổi, được nhận vào Đại học Emory, một trong những "New Ivy Leagues" của Hoa Kỳ, với số điểm là 118 (trên 120).

Cậu ấy có rất nhiều sở thích, giỏi nấu ăn, giỏi thể thao. Điều không ai ngờ tới là một người xuất sắc đến mức gần như hoàn hảo, đã tự tử ngay sau khi vào một ngôi trường danh giá.

Hiệu trưởng trường trung học cơ sở của Yide đã từng viết: "Có lẽ con sẽ tốt hơn chỉ một học sinh trung bình". Có lẽ, chính sự xuất sắc và hoàn hảo này đã khiến Yide tự đẩy mình vào ngõ cụt trong khi vẫn hàng ngày hưởng thụ những lời khen ngợi.

Những đứa trẻ đã quen với sự ưu tú hầu như có những yêu cầu khắt khe đối với bản thân, không cho phép mình có bất kỳ sai lệch nào. Một khi kết quả không như mong đợi, trẻ sẽ rơi vào tình trạng tự trách và nghi ngờ bản thân sâu sắc, đi đến bờ vực suy sụp.

Con à, mẹ đã từng hy vọng con có thể trở thành niềm tự hào của cha mẹ, là niềm vinh quang của gia đình. Mẹ đã bắt con phải cố gắng làm việc chăm chỉ, không cho phép con chểnh mảng. Nhưng chứng kiến hết lần này đến lần khác những việc đau lòng, mẹ phải thôi thúc giục và bình tĩnh để suy ngẫm để chấp nhận 1 điều:

Cảm xúc và trạng thái tinh thần của con quan trọng hơn điểm số ấn tượng.

Bức thư mẹ gửi con trai sau 1 biến cố lớn nhận hàng ngàn lượt thích - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Mẹ hiểu rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, có quá trình tăng trưởng và phát triển khác nhau. Có trẻ tư duy nhanh nhạy, ngoan ngoãn, nhạy bén, trí nhớ tốt, có trẻ tư duy chậm chạp, nghịch ngợm, hiếu động, trí nhớ kém. Cha mẹ cần có thái độ khoan dung và kiên nhẫn chờ đợi con trưởng thành từ từ. 

Có người nói giáo dục con cái giống như "dắt ốc sên đi dạo". Mẹ tin rằng, hoa nào cũng có lúc nở, chỉ là nở sớm hay muộn. Cha mẹ so sánh quá nhiều và kỳ vọng quá nhiều sẽ tạo gánh nặng tâm lý và không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của con cái.

Vì vậy, mẹ muốn:

Con không cần phải đứng trên đỉnh cao, được tặng nhiều hoa, bằng khen và nghe ngàn tiếng vỗ tay. Hãy tìm ra nhịp điệu của chính mình, không rối loạn tâm trí, kiệt sức vì thành tích. Chỉ cần ngày hôm nay tiến bộ so với quá khứ là đã quá tốt rồi.

Chia sẻ