Bú bình sữa nhựa PC: Trẻ dễ bị đần độn

Theo Giadinh,
Chia sẻ

Ngày 21/3, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chính thức khuyến cáo không nên sử dụng bình sữa trẻ em bằng nhựa trong PC.

Bởi vì chúng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ.
 
Tác động xấu đến hệ nội tiết

Liên minh châu Âu thông báo, từ 1/6/2011 sẽ cấm lưu thông và nhập khẩu bình sữa trẻ em bằng nhựa trong PC (Poly Carbonate) do lo ngại chất Bisphenol A có thể thôi nhiễm. Chất Bisphenol A (BPA) gồm các chất polymer dẻo nóng, trong suốt dùng để tráng bên trong các hộp đựng bằng nhựa và kim loại để chống thấm và ăn mòn. Nó nguy hiểm khi bao bì được đun nóng, hay làm sạch bằng các chất tẩy rửa mạnh, hoặc tiếp xúc với thức ăn, đồ uống có tính a xít là có thể thôi nhiễm...

Ở Việt Nam thông tin về chất BPA và các mức độ nguy hiểm của nó với trẻ nhỏ ít người biết tới. Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) cho biết, BPA là hóa chất hay dùng sản xuất nhựa PC (loại vẫn dùng để sản xuất bình sữa trẻ em - lứa tuổi chưa có men giúp tiêu hủy BPA ra khỏi cơ thể). Nếu BPA vào cơ thể trẻ nhỏ có thể gây ảnh hưởng không tốt đến nội tiết của trẻ.  

Các chuyên gia khuyên nên thay thế bình sữa nhựa bằng bình thủy tinh.  Ảnh minh họa

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội), các nhà khoa học đã thử nghiệm trong các dung môi hòa tan trong nước, rượu, thực phẩm... thấy bình sữa có BPA có thôi nhiễm, tan ra rất nguy hiểm cho trẻ em bởi nó tích lũy trường diễn, tác động vào não làm trẻ đần độn, tác dụng vào gan gây viêm gan... "Hiện Việt Nam cho phép nồng độ thôi nhiễm rất thấp: 0,6 microgam/kg/ngày đêm, tuy nồng độ thấp nhưng cũng nên cấm luôn để an toàn cho trẻ em"- TS Nguyễn Duy Thịnh bày tỏ quan điểm.

Thay thế bằng bình sữa thủy tinh

Theo TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐH Quốc Gia Hà Nội), với bình sữa trẻ em, người tiêu dùng nên thay thế bằng bình thủy tinh vì độ an toàn cao hơn. TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng bình sữa bằng thủy tinh được cho là ưu việt hơn so với bình sữa bằng nhựa vì nguy cơ nhiễm một số chất trong sản phẩm bằng thủy tinh thấp hơn.

Trên thị trường tự do, các loại đồ nhựa, bình nhựa đa số nhập của nước ngoài. Mặc dù hầu hết các sản phẩm này đều có hướng dẫn sử dụng và khuyến cáo như: Tránh dùng hộp nhựa có chứa chất BPA (được đánh dấu số 7 hoặc ký hiệu PC); Giảm tối đa việc sử dụng thức ăn đóng hộp, dùng chai đựng nước không có BPA (ký hiệu BPA free); Nếu để sử dụng đựng thức ăn, nước uống nóng nên sử dụng các sản phẩm thay thế khác bằng thủy tinh, thép không gỉ, đồ sứ, nhựa an toàn hơn... Song không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu điều này.

Ngay từ tháng 11/2010 Cục ATVSTP đã cảnh báo và lấy một số mẫu bình sữa đang lưu hành trên thị trường xét nghiệm và thấy tất cả các mẫu bình sữa đều có hàm lượng BPA không vượt quá quy định cho phép của Việt Nam. Do đó các sản phẩm đạt tiêu chuẩn vẫn được lưu hành. Việc giám sát chất lượng sản phẩm đặc biệt này vẫn luôn được thực hiện cùng với việc cập nhật liên tục các thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới...

Hiện Cục ATVSTP đang tiếp tục rà soát, kiểm nghiệm mở rộng và liên tục cập nhật các tài liệu khoa học liên quan, các thông tin từ FAO, WHO... và Hội đồng tư vấn chuyên môn để có quyết định quản lý phù hợp, đồng thời kiểm nghiệm nghiêm ngặt đối với các mặt hàng chứa, đựng nói chung và đối với bình sữa trẻ em nói riêng để người tiêu dùng yên tâm.  Cơ bản đồ nhựa của Việt Nam gần đây qua kiểm tra là an toàn (trước tiêu chuẩn là 25 microgam/kg, nay quy định là 0,6 microgram). Kết quả kiểm tra thấy mẫu các loại nhựa đều thấp hơn nồng độ cho phép.

 
Người tiêu dùng khi mua sản phẩm bằng chất liệu nào cũng phải có nguồn gốc rõ ràng, bởi sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng thì không chỉ lo ngại về BPA mà có thể là tạp chất khác. Với BPA, khuyến cáo cũng không nên dùng vào đồ của người lớn (như chậu nhựa, ly cốc nhựa…), tránh hiện tượng biết có nguy hiểm lâu dài mà cứ dùng. Với các đồ chơi nhựa cầm tay của trẻ em thì không sao (bởi BPA chỉ thôi nhiễm qua nước, rượu thực phẩm…), nhưng đồ chơi trẻ nhỏ hay cầm ngậm vào miệng thì cấm luôn, vì ngậm cũng không khác gì bú.
TS Nguyễn Duy Thịnh
(Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm
ĐH Bách khoa Hà Nội)
 
Cục ATVSTP đã mời các chuyên gia hàng đầu về nhựa PC tham dự Hội đồng tư vấn thảo luận về mặt khoa học và quản lý bình sữa trẻ em làm bằng nhựa trong PC và đã có khuyến cáo: Không nên sử dụng bình sữa trẻ em bằng nhựa trong PC. Nếu bắt buộc phải sử dụng bình sữa thì không sử dụng nước nóng trên 600C để pha sữa trong bình, không cho bình sữa vào nồi đun cách thủy hoặc lò vi sóng… Tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ; hạn chế tối đa cho trẻ bú bình.
Ông Nguyễn Công Khẩn
(Cục trưởng Cục ATVSTP)
Chia sẻ