Bộ Y tế nêu lý do cần ký cam kết tiêm vaccine COVID-19

Minh Khánh,
Chia sẻ

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc ký cam kết tiêm vaccine COVID-19 là cần thiết, thể hiện vai trò của người dân trong công tác phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới cũng như khi xuất hiện các biến chủng mới.

Gần đây, TP.HCM và một số địa phương yêu cầu người dân không đồng ý tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, 4 phải ký cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, các địa phương phải báo cáo số lượng người dân không đồng ý tiêm về sở y tế ngay sau khi đợt cao điểm kết thúc.

Trước đó, Bộ Y tế có văn bản thông báo kết luận của Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về việc kiểm điểm tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong đó có nội dung thống nhất quan điểm truyền thông về tiêm vaccine là tiêm vaccine phòng chống dịch; địa phương nào không tiêm, người dân nào không tiêm để xảy ra dịch phải chịu trách nhiệm. Người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết.

Ký cam kết tiêm vaccine là cần thiết

Trao đổi với các phóng viên về vấn đề người dân phải ký cam kết tiêm vaccine có đúng hay không, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định quan trọng nhất giai đoạn này là việc người dân tiêm nhắc mũi 3, 4.

Bộ Y tế nêu lý do cần ký cam kết tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Tiêm mũi 4 cho người thuộc nhóm nguy cơ cao ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Ảnh minh họa

PGS Hồng cho rằng, tới đây các địa phương sẽ phải tiếp tục nhận vaccine về địa phương với mong muốn đạt tỷ lệ bao phủ tiêm chủng mức cao nhất để người dân chủ động phòng chống những biến thể của SARS-CoV-2 trong thời gian tới đây.

“Thực tế vừa qua, chúng ta có hơn 40 triệu liều vaccine đã được tiêm cho mũi 3 và hơn 3,4 triệu liều tiêm mũi thứ 4 và ghi nhận tính an toàn tiêm chủng là tốt, số liệu phản ứng thông thường tương tự các mũi tiêm cơ bản, thậm chí thấp hơn. Chúng ta phải truyền tải những thông điệp này để người dân tin tưởng việc tiêm chủng mũi nhắc lại. Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo người dân nên đi tiêm mũi nhắc lại để chúng ta có miễn dịch bền vững”- bà Hồng cho biết.

Cũng theo PGS Dương Thị Hồng, chính quyền địa phương cần phải giúp cho ngành y tế rà soát đối tượng nào chưa tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm nhắc lại thì nhắc người dân đến các điểm tiêm chủng để tiêm vaccine.

“Chúng ta cố gắng trong 3 tháng tới, các đối tượng đủ điều kiện để tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4, kể cả những người đã mắc Covid-19 trong thời gian vừa qua thì cũng đến thời gian cần phải tiêm mũi nhắc lại”- PGS Hồng nói.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết việc tiêm vaccine là yêu cầu của phòng chống dịch. Người dân cần đi tiêm đúng lịch.

"Chúng ta biết ký cam kết là cam kết giữa hai bên trong thực hiện trách nhiệm. Ký cam kết thể hiện chúng ta đặt vai trò cao hơn của người dân trong công tác phòng chống dịch giai đoạn bình thường mới và tiếp theo khi xuất hiện các biến chủng mới. Việc ký cam kết nêu rõ trách nhiệm các bên là cần thiết. Đặc biệt để chính quyền và người dân hiểu rõ hơn về các biến thể mới, hiệu quả vaccine cũng như ứng phó trong thời gian tới với biến thể mới"- ông Lân khẳng định.

GS Lân cũng phân tích, bản thân virus SARS-CoV-2 liên tục biến hóa, biến hóa khôn lường không như các dịch bệnh khác. “Từ chủng gốc, bình thường một đại dịch sẽ đi theo xu hướng là tăng dần miễn dịch nếu có của vaccine hoặc miễn dịch mắc phải và lúc đó tăng dần số liệu lên thì sẽ giảm dần xu thế của dịch. Cuối cùng hoặc là dịch sẽ biến mất hoặc là trở thành một bệnh dịch lưu hành. Tuy nhiên, đối với SARS-CoV-2 sự tiến hóa khôn lường”- ông Lân lý giải.

Với Covid-19, từ biến chủng gốc, số người mắc tăng dần, sau đó xuất hiện các biến chủng Alpha, Delta, sau đó là Omicron; trong Omicron có 5 biến chủng phụ. Do vậy, Tổ chức Y tế thế giới khẳng định "nơi nào tiêm thấp, vùng kháng thể chưa đảm bảo thì nơi đó chưa an toàn, vẫn có nguy cơ bùng dịch”.

"Các nghiên cứu so sánh giữa người mắc tiêm thêm vaccine và người mắc không tiêm, thì nhóm người mắc tiêm mũi nhắc lại có kháng thể tăng rất cao, thời gian bảo vệ lâu hơn. Do đó, vaccine vẫn là lá chắn bảo vệ cộng đồng thời gian tới", ông Lân nói.

Thông điệp Tổ chức Y tế thế giới rất rõ, nơi nào chưa an toàn có nghĩa là vùng chưa tiêm chủng vaccine và có nguy cơ kết hợp trở thành biến thể mới. "Một điều chúng ta thấy vaccine khác nhau giữa đáp ứng với các biến thể nhưng vaccine làm giảm ca mắc COVID-19 nặng, tử vong", ông Lân nói.

Cần thận trọng với các biến chủng mới

Bà Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, hiện tỷ lệ tử vong do Covid-19 cũng đã có xu hướng giảm, tuy nhiên chỉ một vài tuần trước, trên toàn cầu đã có hơn 3 triệu ca F0 mới và hơn 7.000 ca tử vong. Vì vậy WHO khuyến cáo cần thận trọng hơn với dịch Covid-19.

“Chúng ta không thể coi COVID-19 là bệnh nhẹ, vì ngay cả những người khỏe mạnh, những người đã tiêm cũng không đảm bảo là sẽ không mắc COVID-19”- đại diện WHO nói.

Dịch vẫn chưa kết thúc và tại nhiều quốc gia cũng đã xuất hiện một số biến chủng mới. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cảnh báo các biến chủng mới đang ngày càng gia tăng và có thể nhân rộng ở nhiều quốc gia trên toàn cầu như BA.4, BA.5, dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc trên toàn cầu. Sự gia tăng của các chủng này cũng sẽ gây hệ lụy về tỷ lệ nhập viện cũng như tỷ lệ bệnh nặng gia tăng nhiều hơn ở một số các quốc gia có sự xâm nhập của biến chủng này./.

Chia sẻ