Bộ Y tế hướng dẫn phòng phản ứng phản vệ có thể xảy ra khi tiêm vắc xin phòng COVID-19

Thái Bình,
Chia sẻ

Khi thấy một trong các dấu hiệu của phản vệ sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 như khó thở, vật vã, phù nhanh, mạch nhanh nhỏ, đau quặn bụng... cần tiêm ngay 1/2 mg Adrenalin tiêm bắp, ưu tiên mặt trước bắp cơ đùi, sau đó theo dõi và xử trí theo Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ ban hành kèm theo Thông tư số 51...

Bộ y tế vừa có công văn gửi các Bệnh viện/ Viện có giường bệnh; Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế các bộ, ngành về việc triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Theo Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, nhằm phát hiện và xử trí kịp thời các sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện khám sàng lọc theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca ban hành kèm theo Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế, tuân thủ đầy đủ các nội dung của việc khám sàng lọc trước tiêm chủng, lưu ý đối với các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng.

Thực hiện xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo các Hướng dẫn chuyên môn (Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ ban hành kèm theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-BYT ngày 22/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bộ Y tế hướng dẫn phòng phản ứng phản vệ có thể xảy ra khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh 1.

Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ, nhân viên y tế theo Nghị quyết 21

Để phòng phản ứng phản vệ có thể xảy ra khi tiêm vắc xin phòng COVID-19:

Để tránh mất thời gian lấy thuốc ra khỏi tủ hoặc hộp thuốc vì diễn biến phản ứng phản vệ rất nhanh, yêu cầu mỗi bàn tiêm chủng trước khi tiêm vắc xin và tại khu vực theo dõi phản ứng sau tiêm chủng phải chuẩn bị và xử trí như sau:

Chuẩn bị sẵn 01 Bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml (rút sẵn 1ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml vào bơm tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp).

Khi thấy một trong các dấu hiệu của phản vệ (khó thở, vật vã, phù nhanh, mạch nhanh nhỏ, đau quặn bụng, ỉa chảy ...) tiêm ngay 1/2 mg Adrenalin tiêm bắp (ưu tiên mặt trước bắp cơ đùi), sau đó theo dõi và xử trí theo Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ ban hành kèm theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT.

Kết thúc buổi tiêm chủng nếu không sử dụng đến cần phải hủy bỏ bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml.

Khẩn trương tổ chức cấp cứu theo hướng dẫn trên và đồng thời báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) theo số máy 0984371919, đặc biệt là các trường hợp đề nghị cần hội chẩn trực tuyến đặc thù liên hệ theo số máy 0912477566.

Tính đến chiều ngày 22/5, cả nước đã tiêm 1.027.659 liều vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 28.961 người.

Bộ Y tế hướng dẫn phòng phản ứng phản vệ có thể xảy ra khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh 2.

Chia sẻ