Bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh sau lùm xùm nợ lương y bác sĩ

GIA ĐOÀN,
Chia sẻ

Tiến sĩ Lê Mạnh Cường được bổ nhiệm Phó giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Sáng 7/4, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm TS Lê Mạnh Cường (SN 1968) giữ chức vụ Phó Giám đốc học viện kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh sau lùm xùm nợ lương y bác sĩ - Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Quốc Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam (trái) trao quyết định bổ nhiệm TS Lê Mạnh Cường giữ chức Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (phải).

Việc bổ nhiệm mới vị trí Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh diễn ra trong bối cảnh bệnh viện gặp nhiều khó khăn về hoạt động tự chủ và trả lương cho cán bộ, y bác sĩ. Để giải quyết các khó khăn trên, tập thể lãnh đạo Học viện Y Dược học cổ truyển Việt Nam thống nhất phương án tái cơ cấu các chức vụ quản lý, phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động của bệnh viện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị trực thuộc học viện. Từ tháng 1/2019, bệnh việc được giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính. Tuy nhiên, hai năm qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của bệnh viện.

Bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh sau lùm xùm nợ lương y bác sĩ - Ảnh 2.

Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương

Trước khi được bổ nhiệm, TS Cường từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương từ năm 2016 đến nay.

Tại lễ công bố, ông Phạm Quốc Bình, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam kỳ vọng ông Lê Mạnh Cường sẽ phát huy phẩm chất năng lực của mình, phát huy đoàn kết, đưa Học viện, Bệnh viện Tuệ Tĩnh ngày càng phát triển. Nhận nhiệm vụ mới, ông Lê Mạnh Cường gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Bộ Y tế, Ban giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã giao trọng trách mới.

“Tôi nhận thức được việc nhận chức vụ mới là vinh dự và trách nhiệm được lãnh đạo Bộ Y tế, Học viên giao phó. Tôi xin hứa phấn đấu, nỗ lực không ngừng thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch đưa ra, cùng lãnh đạo Học viên, Bệnh viện thực hiện mục tiêu đưa Học viện, Bệnh viện Tuệ Tĩnh ngày càng phát triển”, ông Cường nêu.

Bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh sau lùm xùm nợ lương y bác sĩ - Ảnh 3.

Như trước đó đã đưa, vào hồi tháng 0/2022 vừa qua, hàng chục cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã xuống đường, tập trung trước cổng Học viện Y dược học cổ tuyền Việt Nam, đơn vị chủ quản của Bệnh viện Tuệ Tĩnh để đòi quyền lợi. 

Đến ngày 23/3, sau nhiều ngày đấu tranh và mòn mỏi chờ đợi, gần 160 cán bộ, nhân viên đã được Bệnh viện Tuệ Tĩnh chi trả tiền nợ lương tháng 2 và tháng 3/2022. Ông Phạm Quốc Bình, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, đơn vị đã thực hiện việc chi trả nợ lương trong 2 tháng qua cho gần 160 cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp kết dư của Học viện (theo hướng dẫn của Bộ Y tế). 

Ông Bình cũng cho hay, việc vay tiền Học viện để chi tiền lương cũng chỉ là giải pháp tình thế. Quan trọng nhất là Bệnh viện tự chủ, phải từng bước tháo gỡ những khó khăn để bệnh viện có nguồn thu, đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế.

Trước đó, từ tháng 5/2021, 158 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ hưởng mức lương hơn 2 triệu đồng do Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ 50% lương, khiến nhiều người phải tranh thủ bán rau, ship hàng sau giờ làm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Đã không ít lần, họ phải kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền can thiệp để đòi quyền lợi. 

Đến tháng 1/2022, Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã thanh toán hết số tiền nợ lương hơn 5 tỉ đồng cho gần 160 người lao động bị nợ lương trong 8 tháng trước đó. Nguyên nhân khiến Bệnh viện Tuệ Tĩnh rơi vào tình cảnh khó khăn và phải nợ lương hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế do Covid-19 bệnh viện không có nguồn thu và trước đó bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ có phần vội vàng, thiếu sự chuẩn bị. 

Chia sẻ