Bố mẹ ơi, đừng đánh đừng quát khi con mút tay, bởi hành động đó có nghĩa là...

Newben,
Chia sẻ

Mỗi khi bị bố mẹ đánh vì mút tay, con đau, con tức, con buồn, con khóc...

Be mut ngon tay
(Ảnh: parenting)

Con vẫn hay bị bố mẹ đánh vào tay mỗi khi mút ngón tay. Hồi con còn bé, bé lắm, để ngăn con không mút tay, bố mẹ hay nhét tay con vào quần. Nhưng được một lúc thôi, con lại lén lút rút tay ra và mút lấy mút để. Ngon lắm bố mẹ ạ. Thậm chí, có lúc con còn bị bố mẹ bôi dầu, bôi cà phê đắng vào ngón tay với mục đích để con mút vào thấy cay và đắng quá thì sẽ chừa, không bao giờ dám tái phạm nữa. Nhưng ngặt nỗi nếm những vị đó riết đâm quen, con vẫn tiếp tục mút tay một cách thích thú, mặc kệ cay và đắng ra sao. Và thế là con bị bố mẹ đánh vào tay. Con đau, con tức, con buồn, con khóc...

Con tức và con buồn lắm. Mỗi khi bị đánh, con hay bị bố mẹ hay hỏi rằng: "Sao không nghe lời?", "Sao lại mút tay?", "Con có biết mút tay dơ lắm không hả?". Những lúc đó con chỉ ước mình nói thật sõi, thật rành để trả lời hết câu hỏi của bố mẹ thôi. Thực ra con là đứa trẻ ngoan mà (con hay nghe bố mẹ bảo thế nhé), con là đứa bé biết nghe lời (ông bà hay khen con thế đấy), con có lý do hẳn hoi để giải thích cho việc mút tay của mình nhé.

Ngày bé khi mới ra đời, con hay mút tay là bởi đói, cái này thì chắc bố mẹ hiểu rõ phải không? Còn bây giờ, khi đã hơn 1 tuổi, con vẫn còn mút tay, đó không phải vì con đói đâu, mà vì con stress đấy. Khoan! Bố mẹ khoan vội cười vào chữ stress của con nhé. Điều này là con nói thật đấy. Tuy là con là con nít nhưng con cũng biết stress và căng thẳng, lo âu như người lớn nhé. 

Mỗi khi tiếp cận cái mới, khi đến nơi lạ lẫm, bố mẹ liền thấy con đưa ngón tay vào mút đúng không? Đó là cách để con tự trấn an bản thân mình, giúp bản thân tự vượt qua điều mới lạ. Đặc biệt những lúc không có mẹ bên cạnh thì con lại càng mút tay hơn bởi chỉ có như thế thì con mới cảm thấy dễ chịu, cảm thấy như tìm lại được bầu sữa mẹ và thấy gần gũi với mẹ hơn. Với con, đó là sợi dây vô hình duy nhất kết nối con và mẹ mỗi khi mẹ không kề bên, để con cảm thấy vững tâm hơn khi vắng mẹ.

Bố mẹ đã đọc hết "tâm thư" của con rồi đấy. Giờ thì đừng khẽ tay hay la mắng mỗi khi con mút tay nữa bố mẹ nhé.

Yêu bố mẹ nhất trên đời

Con yêu của bố mẹ

Theo Hiệp hội Nha khoa Mỹ (The American Dental Association) thói quen mút tay không hề làm hỏng sự liên kết của răng và hàm cho đến khi răng vĩnh viễn xuất hiện (khoảng 6 tuổi), như bố mẹ vẫn hay lo lắng. 

Bố mẹ chỉ cần giữ bàn tay trẻ sạch sẽ, cắt móng tay, để tránh nhiễm những bệnh lây qua đường tay và miệng như tay chân miệng, cúm, thủy đậu, nhiễm giun và đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa. Cũng đừng để bé đưa ngón tay vào quá sâu kẻo bị nôn, trớ sau khi ăn no. 

Để giúp con dần dần bỏ đi thói quen mút tay, bạn có thể tạo sự chú ý vào vật nào đó, kích thích tay con phải hoạt động. Khi bé mút tay vì căng thẳng, bố mẹ tuyệt đối không được quát nạt mà nên dành cho con sự an ủi, ôm ấp, vỗ về để con cảm thấy được trấn an, dễ dàng vượt qua căng thẳng. Còn đối với trẻ lớn, bạn nên giải thích tác hại khi mút tay và tiếp tục khuyến khích những hoạt động phải dùng đến ngón tay nhiều, như thế sẽ giúp con dần bỏ được thói quen này.


(Nguồn: babycenter)
Chia sẻ