Bộ LĐ-TB-XH đề nghị không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

Văn Duẩn,
Chia sẻ

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề nghị không tăng lương tối thiểu vùng vào tháng 1-7-2021, đồng thời tiếp tục duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1 như hiện hành thay vì chuyển sang 1-7 hàng năm như đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 24-12-2020, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 từ ngày 1-7-2021 thay vì hoãn không tăng lương cả năm 2021. Mức tăng cụ thể tùy vào tình hình kinh tế - xã hội, "sức khỏe" doanh nghiệp. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ từ năm 2022 điều chỉnh thời điểm tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7 hằng năm thay vì ngày 1-1 như hiện nay.

Bộ Lao động đề nghị không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 - Ảnh 1.

Việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm giúp người lao động có thêm thu nhập

Vấn đề này Thủ tướng giao Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ để đề xuất, báo cáo Chính phủ trước Quý II năm 2021.

Hiện Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo báo cáo Chính phủ. Dự thảo nêu rõ trong năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định lựa chọn, thống nhất phương án khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.

Bộ LĐ-TB-XH cho biết trên thực tế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2020 tăng 3,23% nên lương tối thiểu năm 2020 sau khi cập nhật lại đã đảm bảo cao hơn 2,28% so với mức sống tối thiểu. Vì vậy khi tiếp tục giữ nguyên mức lương tối thiểu này để áp dụng cho năm 2021 thì vẫn đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Trường hợp CPI cả năm 2021 tăng cao hơn 2,28% thì về nguyên tắc hội đồng sẽ tính toán phần lương tối thiểu thấp hơn mức sống tối thiểu để xem xét đưa vào điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ năm 2022.

Năm 2020 cả nước có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019. Trung bình mỗi tháng có gần 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Từ thực tế nêu trên, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng việc không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 là phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm, tái tham gia thị trường lao động trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Vẫn theo Bộ LĐ-TB-XH, nếu tình hình kinh tế xã hội và các yếu tố điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng thuận lợi thì có thể xem xét điều chỉnh tiền lương vào ngày 1-1-2022 mà không cần phải xem xét tiếp tục lùi vào thời điểm 1-7-2022 như kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Về thời gian điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng các quy định pháp luật, Bộ luật Lao động hiện không ấn định thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu cụ thể mà chỉ quy định các yếu tố làm căn cứ điều chỉnh lương tối thiểu vùng.

Từ năm 2000 đến nay Việt Nam đã 18 lần điều chỉnh lương tối thiểu nói chung, trong đó 3/18 lần thay đổi thời gian điều chỉnh sang tháng 10 là vào các năm 2005, 2006, 2011. Còn lại 15/18 lần đều điều chỉnh vào ngày 1-1 hàng năm.

Bên cạnh đó đa số các quốc gia lựa chọn thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu trùng với thời điểm bắt đầu năm tài chính để tạo thuận tiện cho việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Năm tài chính của Việt Nam bắt đầu từ ngày 1-1 và kết thúc vào ngày 31-12.

Vì vậy việc Việt Nam lựa chọn thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vào thời điểm 1-1 như hiện nay là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Từ những nội dung trên, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1 như thời gian vừa qua đã thực hiện. Nếu có yếu tố biến động bất thường, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Chia sẻ