Bố chồng siêu “hãm”

Việt An,
Chia sẻ

Trước những lời phàn nàn ra rả của các ông bố chồng, nhiều chị em đã bị rơi vào trạng thái mất hẳn cảm hứng với chồng chỉ vì nhìn cái mặt chồng lại liên tưởng đến bố chồng.

Cay cực vì bố chồng phàn nàn ra rả…

Chị Nga ở Đống Đa kể: Chị phải đi làm ở một cơ quan có phong cách hơi “Tây” nên phải chịu sức ép khá lớn về công việc. Đầu óc chị luôn phải quay như chong chóng mới hòa nhịp được với các đồng nghiệp trong cơ quan. Đi làm đã vậy. Về nhà, chị lại phải chịu đựng ông bố chồng quá “Ta”.

Bố chồng chị đã có tuổi. Người già ngủ ít là chuyện bình thường. Nhưng ông ngủ ít đồng nghĩa với việc bắt chị cũng phải ngủ ít theo. Bố chồng luôn gắt lên với chị: “Con dâu thì phải dậy sớm nhất nhà để dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn sáng cho cả nhà, giặt giũ… không làm thì không ai hầu. Con dâu luôn phải thức khuya dậy sớm để chăm sóc cho bố mẹ chồng và tiễn chồng ra cửa đi làm. Con dâu thì phải…”. Bố chồng chị đã “tua đi tua lại” cái điệp khúc này. Đến nỗi, có lần chị Nga bực quá liền nói: “Bố không cần phải nói nữa cho mệt. Con dâu thì phải…” – chị nhắc lại y nguyên lời bố chồng.

Bố mẹ chồng chị mới nghỉ hưu được hai năm nay. Sức khỏe của họ còn rất tốt. Chồng chị làm văn phòng ở một đơn vị hành chính sự nghiệp nên khá nhàn hạ. Họ đều có thời gian có thể chăm sóc bản thân hoặc phụ giúp cho chị trong công việc gia đình. Thế nhưng, nếu chị có lỡ về muộn vì công việc công ty quá tất bật thì bố mẹ chồng kiên quyết: “chợ không đi, cơm không nấu, đó là việc của con dâu”. Chị Nga luôn cảm thấy về nhà chồng chẳng khác nào “về chốn giam lỏng”. Rất mệt mỏi và chán nản!

Chị Phúc ở Gia Lâm nói: “Chẳng phải nói xấu bố chồng nhưng quả thật không chỉ riêng tôi mà hàng xóm, láng giềng cũng nói là bố chồng tôi có tài “chửi đổng”. Chị Phúc có bằng đại học kinh tế. Bố chồng chị luôn xỉa xói: “Trình độ cao làm gì, đại học đại hò gì, chẳng được tích sự gì trong nhà, còn thua đứa osin”. Nhiều lúc bố chồng bĩu môi quát lớn vào mặt chị: “Đại học đấy, có giỏi thì kiếm tiền nuôi cả gia đình đi”. Bố chồng chị thừa biết lương công chức của chị chỉ đủ tôi và con ăn tằn tiện chứ không hề dư dả kinh tế. Sao bố chồng cứ lấy cái bằng đại học của chị ra để trách móc? Ông đâu có phải bỏ một đồng nào để nuôi chị ăn học đại học. Bằng cấp của chị đạt được bây giờ là kết quả nỗ lực không ngừng của chị và công lao chắt chiu từng hào của bố mẹ chị mà nên.
 

Đã thế, chồng chị Phúc chẳng bao giờ đứng ra “nói lý giúp vợ” và không hề có một lời nào để chia sẻ hay an ủi vợ cả. Chị Phúc thấy chán ông bố chồng suốt ngày nói “đểu” con dâu. Cuộc sống của vợ chồng chị ngày một “dẫu gần mặt mà xa cách lòng”.

Nàng dâu ức chế, mất hết cảm hứng “chiều chồng”

Từ lúc cưới chồng đến nay đã gần được một năm, thế nhưng, số lần hai vợ chồng chị ân ái có lẽ chỉ vượt qua… hai lần số đầu ngón tay chút thôi. Thậm chí vài tuần gần đây, dẫu vẫn nằm chung giường nhưng chị chỉ cho phép chồng đặt tay hoặc gác chân lên người chị là cùng. Còn… cấm “đụng chạm”. Theo chị Nga thì chị bị cảm giác “xa” chồng vì ức chế với… bố chồng.

Chị Nga buồn bã nói: “Nhiều lúc cũng cảm thấy thương chồng lâu không được “làm ăn” gì. Nhưng khi hai vợ chồng nhìn thẳng mặt nhau là tôi lại thấy hình ảnh ông bố chồng. Chắc tại bố con nên giống mặt nhau. Y rằng lúc ấy dẫu chồng đã “nằm trên” thì tôi vẫn kiên quyết đẩy ra vì không thể chịu đựng được khuôn mặt ấy sát trên mặt mình”. Thực tình, anh chồng cũng không thực sự có lỗi. Có chăng cái lỗi do quá giống… mặt bố. Nên khi người vợ ức chế với bố chồng thì cũng tỏ “thái độ” luôn với chồng.

Chị Nga chẳng biết cuộc hôn nhân của mình còn tồn tại đến bao lâu bởi cảm giác chán, sợ, mệt với “khuôn mặt ấy”. Nhiều lúc chị cố gắng nhắm mắt lại để mặc cho chồng “hành sự”. Song không phải lúc nào cứ phải nhìn thì mới thấy khuôn mặt. Đôi khi chỉ là tưởng tượng cũng nhìn ra khuôn mặt ông bố chồng rồi.

Còn chị Phúc đã bàn với chồng mấy lần về việc hai vợ chồng dọn nhà ra ở riêng. Nhưng chồng chị không đồng ý vì hai vợ chồng lương công chức ít ỏi. Đi thuê nhà thì không đủ tiền nuôi con. Chừng nào còn ở trong nhà thì chị Phúc còn thấy mệt mỏi trước mức độ và tần số “rỉa rói” ngày càng tăng của bố chồng.

Đầu óc luôn búc xúc và mệt mỏi trước những lời nói cay nghiệt của bố chồng, chị Phúc cũng chán luôn việc ân ái với chồng. Dẫu chồng chị có “đề nghị” thì chị cũng kiếm cớ này cớ khác để từ chối. Nếu từ chối không được thì chị đành miễn cưỡng mặc cho chồng “làm gì thì làm” chứ bản thân chị không còn có hứng thú ân ái với chồng.

Cuộc sống của những nàng dâu chán chồng vì bức xúc với bố chồng có nhiều nguyên nhân mà thiếu lời giải hợp tình hợp lý. Trong những trường hợp này, sự khéo léo quan tâm của người chồng đối với vợ sẽ là cứu cánh!

Chia sẻ