Cập nhật lúc 19:25 - 12/03/2022

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 26/2: Gia tăng trẻ em mắc COVID-19, những lưu ý khi điều trị tại nhà

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2022-02-25T02:02:00

    Đừng quá xem thường việc nhiễm bệnh vì nhiều F0 mệt mỏi, kiệt sức vì phải chiến đấu với di chứng hậu Covid-19

    Khi dịch Covid-19 xuất hiện, giới khoa học và người dân toàn cầu lo lắng trước bị lây nhiễm. Sự bí ẩn của chủng virus kỳ lạ khiến các chuyên gia sức khỏe tập trung tìm cách cứu chữa những F0 nguy kịch, giảm tỷ lệ tử vong xuống thấp nhất.

    Những ngày đen tối tạm qua đi, giờ đây, chúng ta lựa chọn chung sống với đại dịch. Song, áp lực với người khỏi bệnh và hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu vẫn chưa dừng lại. Họ tiếp tục phải sống chung với hội chứng Long Covid, hàng loạt triệu chứng bí ẩn không thể giải thích lý do.

    Cuộc chiến với kẻ thù vô hình

    Huyết áp cao không lý do là triệu chứng phổ biến nhiều F0 gặp phải hậu Covid-19. Lindsay Polega, 28 tuổi, luật sư từ St.Petersburg, Florida, Mỹ, không tiền sử mắc bất kỳ bệnh nào trước khi nhiễm nCoV.

    Theo Washington Post, cô từng là vận động viên bơi lội thời còn trung học, luôn có thói quen bơi, tập thể dục hơn một giờ mỗi ngày. Nhưng sau hai lần mắc Covid-19 (lần một vào đầu năm 2020 và lần hai vào mùa xuân năm 2021), Lindsay bất ngờ khi biết bản thân bị tăng huyết áp, dẫn tới ngực đau từng cơn. Cả người cô run rẩy và yếu ớt.

    Trong những lần huyết áp tăng vọt, có lúc, chỉ số lên tới 210/153 mmHg, cao hơn nhiều so với mức thông thường 120/80 mmHg. Cũng vì điều này, Lindsay đã bị ngất và phải nhập viện cấp cứu khi đang trong lớp học Pilates nhẹ. Lần khác, tình huống tương tự lại xảy ra khi cô đang đi bộ.

    Cô được giới thiệu tới gặp bác sĩ chuyên khoa về nội tiết, miễn dịch, tim mạch, thần kinh. Tại một phòng khám, bác sĩ đặt giả thuyết nguyên nhân gây ra hàng loạt tình trạng này của Lindsay có thể do tuyến thượng thận.


    Đau tim, huyết áp cao, nhịp tim nhanh bất thường là những triệu chứng không thể giải thích ở nhiều F0 khỏi bệnh. Ảnh: Freepik.

    Các nhà khoa học đã ghi nhận nCoV có thể nhắm tới các tuyến thượng thận - nơi sản xuất hormone giúp điều chỉnh huyết áp cho hoạt động hàng ngày. Lindsay được kê thuốc huyết áp loại nặng eplerenone, thường được sử dụng cho những bệnh nhân sau cơn đau tim. Nó giúp thuyên giảm nhưng không thể loại bỏ các cơn đau.

    Phần đáng sợ nhất với Lindsay đó chính là tác dụng phụ mà eplerenone gây ra. Nghiên cứu trên động vật cho thấy dùng thuốc này khiến con chào đời bị nhẹ cân và gặp hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn khác.

    Lindsay và bạn trai mới cùng nhau mua nhà, chuẩn bị lập gia đình, có con. Những việc đang xảy ra như cú đánh mạnh vào cô.

    “Nó là sự đánh đổi rất lớn. Căn bệnh đã lấy đi điều quý giá nhất của tôi - tương lai của tôi”, cô tâm sự, mệt mỏi vì phải chiến đấu với kẻ thù vô hình mang tên di chứng hậu Covid-19.

    “Thoắt ẩn thoắt hiện”

    Trong số tất cả triệu chứng của Long Covid-19, tình trạng gây khó chịu nhất là nhịp tim thất thường và chậm không rõ nguyên nhân.

    Tiffany Brakefield, dược sĩ, 36 tuổi, ở Bonita Springs, Florida, Mỹ, mắc bệnh vào tháng 6/2020. Hậu Covid-19, cô đối mặt tình trạng nhịp tim đập liên hồi bất ngờ, đến nỗi, cô phải ngồi sụp xuống để ổn định hơi thở.

    “Tôi cảm thấy mình sắp ngã xuống. Và tất cả điều tôi có thể làm là đợi trái tim bình tĩnh trở lại”, Tiffany chia sẻ. Các bác sĩ đã cho cô dùng thuốc trợ tim metoprolol, nhưng triệu chứng vẫn không thuyên giảm.

    Rick Templeton, giảng viên đại học 52 tuổi ở Lynchburg, Virginia, Mỹ, cũng có cảm nhận tương tự. Ông bị tức ngực, kèm theo nhịp tim nhanh. Nó xuất hiện trong 5-6 tháng sau khi ông mắc Covid-19 vào tháng 9/2020. Sau đó, tình trạng này biến mất. Các bác sĩ không biết nguyên nhân và các xét nghiệm cũng không thể phát hiện điểm bất thường. Bản thân Rick lo lắng không biết liệu tình trạng này có quay trở lại hay không và nó có thể khiến sức khỏe của ông tồi tệ đến mức nào.

    Rajpal, bác sĩ tim mạch ở bang Ohio, cho hay phần lớn ca khám di chứng hậu Covid-19 mà ông tiếp nhận đều báo cáo về tình trạng tim đập nhanh bất thường hoặc có những vấn đề về tim. Triệu chứng phổ biến là khó thở, tức ngực, nhịp tim nhanh. Song, khi các bác sĩ còn đang tìm hiểu chuyện gì xảy ra thì chúng biến mất.

    Theo David Goff, Giám đốc khoa Tim mạch của Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ, các triệu chứng này rất giống với hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) - rối loạn ảnh hưởng lưu lượng máu. Ở những người này, hệ thống thần kinh không thể tự điều chỉnh các yếu tố như nhịp tim, huyết áp, đổ mồ hôi, thân nhiệt. Đây đều là những yếu tố mà ở người bình thường, hệ thống thần kinh vốn tự kiểm soát rất tốt.

    Ông cho biết nhịp tim không ổn định với nhiều F0 khỏi Covid-19 "có thể khá nghiêm trọng và trở thành suy nhược, gây trở ngại cho họ trong các hoạt động bình thường hàng ngày”. Các bác sĩ có thể sử dụng thuốc huyết áp để cố gắng ổn định nhịp tim nhưng không thể chữa trị dứt điểm.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-02-25T23:02:00

    Cả nước tăng vọt ca COVID-19, Hà Nội tiến gần 10.000 F0/ngày

    Ngày 25/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 78.795 ca nhiễm mới với 21 ca nhập cảnh và 78.774 trường hợp trong nước (tăng 9.655 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành, có 54.345 ca trong cộng đồng. 

    Đây là ngày có số ca mắc mới cao kỉ lục tại Việt Nam. Hà Nội cũng ghi nhận gần 10.000 F0 mới trong 24 giờ qua.

    Cụ thể: Hà Nội (9.836 ca), Quảng Ninh (4.615 ca trong 02 ngày), Bắc Giang (3.563), Tuyên Quang (2.797), Phú Thọ (2.696), Nam Định (2.581), Hải Dương (2.441), Nghệ An (2.424), Hưng Yên (2.403), Hòa Bình (2.385), Vĩnh Phúc (2.367), TP. Hồ Chí Minh (2.206), Bắc Ninh (2.139), Lạng Sơn (2.046), Sơn La (2.001), Ninh Bình (1.971), Hải Phòng (1.919), Đắk Lắk (1.912), Yên Bái (1.785), Khánh Hòa (1.631), Thái Bình (1.585), Lào Cai (1.525), Hà Giang (1.493), Thái Nguyên (1.489), Quảng Nam (1.328), Quảng Bình (1.218), Bình Phước (1.080)...

    Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng nhiều nhất so với ngày trước đó: Tuyên Quang (+1.679), Hà Nội (+972), Nghệ An (+795).

    Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-608), Hải Dương (-507), TP Hồ Chí Minh (-260).

    Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 57.160 ca/ngày.

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-02-25T23:02:00

    Bộ Y tế khuyến cáo trường hợp không được sử dụng thuốc Molnupiravir

    Chiều 25/2, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng thuốc Molnupiravir. Theo Bộ Y tế, thuốc chứa Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành.

    Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế. Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ do các phản ứng có hại của thuốc.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 26/2: Cảnh báo tình trạng người dân mắc COVID-19 nhưng không khai báo với y tế địa phương - Ảnh 1.

    Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị COVID-19 như sau:

    Về chỉ định của thuốc:

    Molnupiravir được sử dụng để điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

    Các giới hạn sử dụng thuốc:

    - Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu trứng dưới 5 ngày.

    - Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp.

    - Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.

    Khuyến cáo và thận trọng khi dùng thuốc:

    Phụ nữ có thai và cho con bú

    - Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

    - Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

    Trẻ em và thanh thiếu niên

    Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.

    Nam giới

    Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.

    Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc nêu trên. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sỹ hoặc dược sỹ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

    Đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-02-26T00:02:00

    Thứ trưởng Bộ Y tế: Còn quá sớm để coi COVID-19 là cúm mùa

    Chiều 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức phiên giải trình về vấn đề tổ chức dạy học trong bối cảnh COVID-19. Nêu chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) đặc biệt quan tâm đến chủ trương mở cửa trở lại trường học trong bối cảnh số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh, nhiều học sinh và giáo viên bị F0, phụ huynh chưa an tâm cho con đến trường. Đại biểu đề nghị lãnh đạo các Bộ đánh giá về việc mở cửa trở lại trường học trong bối cảnh hiện nay? Việc cho trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin đến trường liệu có an toàn?

    Giải trình vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trước ngày 1/2, tỷ lệ mắc COVID-19 với trẻ em từ 0-2 tuổi là 3,5%, từ 3- 5 tuổi là 2,7%, từ 6- 12 tuổi là 7,9%.

    “Trẻ em mắc bao giờ cũng diễn biến nhẹ, tỷ lệ tử vong chiếm rất thấp”, ông Tuyên nói. Cũng theo ông Tuyên, đến nay chúng ta đã tiêm vắc xin cho trẻ từ 12- 17 tuổi với tỷ lệ mũi một đạt 99%, mũi hai đạt 94%. Thủ tướng đã có quyết định giao cho Bộ Y tế mua 22 triệu liều vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5- 11 tuổi.

    Theo đại diện Bộ Y tế, đến nay, một số đại biểu và người dân có ý kiến coi dịch COVID-19 là cúm mùa thông thường. 

    “Chúng tôi làm việc với Tổ chức Y tế thế giới, họ cho rằng như vậy là quá sớm. Đến nay, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên chúng ta không thể lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch”, ông Tuyên cho hay.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-02-26T00:02:00

    Cảnh báo tình trạng người dân mắc COVID-19 nhưng không khai báo với y tế địa phương

    Ngày 25/2, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có Báo cáo về một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 thuộc lĩnh vực Ủy ban Pháp luật phụ trách (7/2 – 24/2/2022).

    Theo Ủy ban Pháp luật, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận số ca F0 trong cộng đồng tăng đột biến…

    Đáng lo ngại là theo kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến chủng Omicron bằng xét nghiệm PCR tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 10/2 đến ngày 17/2, có 70/92 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron, chiếm 76%; biến chủng Delta chỉ còn chưa đến 30%. Điều này cho thấy, biến chủng Omicron tại TP. Hồ Chí Minh đang tăng cao, chiếm ưu thế, có khả năng lan ra các địa phương khác trong cả nước. Do đó, đề nghị Bộ Y tế cần tổ chức xem xét khả năng này để có biện pháp ứng phó phù hợp và kịp thời, tránh bị động.

    Cảnh báo tình trạng người dân mắc COVID-19 nhưng không khai báo với y tế địa phương - Ảnh 2.

    Chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà. Ảnh minh họa.

    Cũng trong thời gian qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật nổi lên một số vấn đề về thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy nổi lên nhiều vấn đề, nhưng trong đó nổi bật là vấn đề khai báo nhiễm bệnh. Cụ thể: 

    Nhiều F0 không khai báo khi phát hiện mắc COVID-19 với y tế địa phương.

    Hiện nay, tại một số địa phương có tình trạng nhiều người khi phát hiện mắc COVID-19 đã không khai báo với y tế địa phương mà tự điều trị tại nhà gây khó khăn cho địa phương, ngành y tế trong công tác giám sát, quản lý số lượng người mắc COVID-19 trên địa bàn.

    Đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng khi rác thải của những người mắc COVID-19 này không được xử lý đúng quy trình. 

    Theo phản ánh của người dân thì một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do người dân không được hỗ trợ gì nhiều trong quá trình điều trị COVID-19 tại nhà.

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-02-26T04:02:00

    Cấp độ dịch mới nhất tại Hà Nội

    Ngày 26/2, UBND thành phố Hà Nội ban hành thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố tính đến 9 giờ ngày 25/2.

    Theo đánh giá cấp độ dịch quy mô xã, phường, thị trấn (dựa theo Quyết định số 218/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 27/1), Hà Nội hiện có: 283 xã, phường, thị trấn đạt cấp độ 1 - tương ứng với màu xanh, nguy cơ thấp; 222 xã, phường ở cấp độ 2 - màu vàng, nguy cơ trung bình; 74 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 - màu cam, nguy cơ cao và không có địa bàn nào ở cấp độ 4 - màu đỏ, nguy cơ rất cao.

    Cụ thể 74 xã, phường, thị trấn dịch diễn biến phức tạp, đánh giá cấp độ dịch từ mức cấp độ 3 trở lên như sau bao gồm: Ba Đình 2 đơn vị, Bắc Từ Liêm 4 đơn vị, Chương Mỹ 5 đơn vị, Đan Phượng 3 đơn vị, Đông Anh 8 đơn vị, Đống Đa 1 đơn vị, Gia Lâm 2 đơn vị, Hà Đông 3 đơn vị, Hai Bà Trưng 2 đơn vị, Hoài Đức 3 đơn vị, Hoàn Kiếm 1 đơn vị, Hoàng Mai 1 đơn vị, Long Biên 3 đơn vị, Mê Linh 5 đơn vị, Nam Từ Liêm 6 đơn vị, Quốc Oai 2 đơn vị, Sóc Sơn 5 đơn vị, Tây Hồ 1 đơn vị, Thạch Thất 8 đơn vị, Thanh Oai 2 đơn vị, Thanh Trì 3 đơn vị, Thanh Xuân 1 đơn vị, Thường Tín 3 đơn vị.

    Trước đó, ngày 25/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết từ 18 giờ ngày 24/2 đến 18 giờ ngày 25/2, Hà Nội ghi nhận 9.836 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 3.404 ca cộng đồng, 6.432 ca đã cách ly.

    Các bệnh nhân phân bố tại 542 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

    Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (904), Sóc Sơn (781), Hoài Đức (611); Nam Từ Liêm (542); Hoàng Mai (521); Bắc Từ Liêm (467).

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-02-26T05:02:00

    Gia tăng trẻ em mắc COVID-19: Những lưu ý khi điều trị tại nhà

    PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết biến chủng Omicron đã khiến việc lây nhiễm COVID-19 nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%).

    Hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi; hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1-2 tuần. Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh. Trong đó một số trẻ (khoảng 0,7%) cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng như: hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng và MIS-C.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 26/2: Sai lầm nghiêm trọng khi sử dụng test nhanh COVID-19 và thuốc điều trị - Ảnh 1.

    Chăm sóc bệnh nhi mắc COVID-19 tại Bệnh viện Nhi T.Ư

    Điều trị trẻ mắc COVID-19 tại nhà

    Theo chuyên gia y tế, ngoài các cách hạ sốt, cha mẹ cần cho trẻ uống nước thường, nước điện giải. Những biểu hiện mất nước như tiểu ít, nước tiểu vàng, đậm đặc, môi khô. Nước điện giải cần pha đúng liều lượng. Sau khi cho con uống, cha mẹ theo dõi cả ngày và đêm, sau bù nước mà tiểu nhiều, trong hơn, môi không khô thì có thể yên tâm. 

    Cách thức uống: 15 - 20 phút/ lần, mỗi lần vài thìa; cho trẻ bú và ăn nhẹ nhàng, chia nhỏ và nhiều hơn các cữ bú và bữa ăn. 

    “Không uống quá nhiều nước cam, nước quả nguy cơ gây nôn, đầy bụng”, TS Trần Minh Điển. Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư khuyến cáo, đồng thời lưu ý, nếu trẻ ho có thể sử dụng các loại siro ho thảo dược để giảm triệu chứng. Trẻ không cần đưa đến viện nếu cha mẹ đảm bảo theo dõi sát trẻ chơi ngoan không, ăn bú đầy đủ và có đáp ứng với thuốc hạ sốt, giảm sốt trẻ tỉnh táo.

    Nhóm trẻ lớn, có khả năng tự bảo vệ và nói ra triệu chứng, cảm nhận cơ thể tốt hơn, cha mẹ vẫn cần đặc biệt chú ý đánh giá sốt cả thời điểm ngày và đêm, cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38,5 độ C; theo dõi biến chuyển trong 4 tới 6 giờ liên tục bằng cách đo nhiệt độ.

    Ở nhóm trẻ từ 2 đến 6 tuổi khi sốt cao có thể có nguy cơ co giật khi nhiệt độ tăng nhanh trong thời gian ngắn. Nếu trẻ có hiện tượng co giật cha mẹ phải thực sự bình tĩnh, gọi thêm sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. 

    Đặt trẻ nằm trên một mặt phẳng cứng, ngửa nhẹ đầu và nghiêng đầu sang một bên; không đưa bất cứ thứ gì vào miệng trẻ để tránh gây tình trạng tụt lưỡi hoặc khó thở; không vội vàng ôm chầm lấy trẻ hay bế dựng trẻ lên; cởi bỏ bớt quần áo cho trẻ, cặp nhiệt độ, cho trẻ hạ sốt bằng thuốc đặt đường hậu môn; lấy khăn ấm lau chườm cổ, nách, bẹn và tiếp tục theo dõi tình trạng của trẻ. 

    Thông thường cơn co giật do sốt cao đơn thuần chỉ diễn ra trong vòng khoảng 1-2 phút. Nếu sau đó môi và tứ chi của bé ấm, hồng bình thường thì có thể hoàn toàn yên tâm. Nếu trẻ có biểu hiện nặng hơn và kéo dài, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

    Lưu ý khi trẻ diễn biến bất thường

    TS Điển cho biết thêm, hầu hết trẻ có thể tự hồi phục sau 1 - 2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bệnh tình diễn biến nặng, cần được can thiệp y tế ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm. Khi con có bất cứ biểu hiện bất thường nào ngoài triệu chứng thông thường, cha mẹ hãy đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. 

    Đặc biệt, với những trẻ có bệnh nền như: đẻ non cân nặng thấp, bệnh phổi mạn, hen, ung thư, bệnh thận mạn, ghép tạng, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, bệnh huyết học, bệnh hệ thống, suy giảm miễn dịch, đang điều trị thuốc corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch… cần được quan tâm, bảo vệ nhiều hơn, theo dõi sát sao hơn bởi các bác sĩ chuyên khoa.

    PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho hay, thông thường trẻ khi mắc COVID-19 chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, một tỉ lệ rất nhỏ vào viện khám. Với những trẻ có triệu chứng thở nhanh, chỉ số bão hòa ô xy giảm, bác sĩ cần chỉ định chụp X-quang, nếu X-quang bình thường thì kiểm tra lại, có thể cho trẻ về nhà. Thể nặng và nguy kịch là khi bão hòa ô xy tụt, trẻ kém ăn, bỏ bú, tổn thương phổi rõ rệt, thậm chí có trường hợp bị sốc, suy đa phủ tạng, phải thở máy…cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để có biện pháp điều trị kịp thời.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-02-26T06:02:00

    Chuyên gia chỉ rõ sai lầm nghiêm trọng khi sử dụng test nhanh COVID-19 và thuốc điều trị

    Hiện nay số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao, quá lo lắng, một số người dân ngày nào cũng mua kit test nhanh COVID-19 để xét nghiệm hoặc không tin kết quả test nhanh lại làm xét nghiệm RT-PCR.

    Liên quan đến vấn đề xét nghiệm COVID-19, PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Y Học gia đình & Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: "Khi xét nghiệm test nhanh dương tính hay âm tính cũng không nhất thiết phải làm RT-PCR".

    1. Những sai lầm xung quanh test COVID-19

    1.1 Lạm dụng test nhanh gây lãng phí

    Có người quá lo lắng, sốt ruột, mua cùng lúc nhiều kit xét nghiệm nhanh về để ngày nào cũng tự test.

    Có người quá lo lắng, sốt ruột, mua cùng lúc nhiều kit xét nghiệm nhanh về để ngày nào cũng tự test.

    Các chuyên gia khẳng định việc này không cần thiết và gây lãng phí bởi, sau khi tiếp xúc với F0 phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, xét nghiệm ngay không có giá trị, ít nhất phải 3-4 ngày sau hãy test.

    Nếu vừa tiếp xúc với nguồn lây hoặc ở giai đoạn ủ bệnh, bạn có thể đã nhiễm bệnh song tải lượng virus thấp… nếu test cũng không chính xác vì khả năng âm tính cao bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để phát hiện bằng test nhanh. Nếu bạn không có triệu chứng thì có thể test vào ngày thứ 5 và ngày thứ 7 sau tiếp xúc F0.

    Trong trường hợp gia đình có người mang thai, người mắc bệnh lý nền, nếu lo lắng quá thì trước hết cần tuân thủ biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế và đợi đến ngày thứ 4 mới nên test, nếu âm tính thì ngày thứ 7 test lại để hoàn toàn yên tâm.

    Còn các trường hợp khác chỉ cần nên test khi có các biểu hiện nghi ngờ như: chảy nước mũi, ho, sốt, đau nhức mình mẩy…

    1.2 Vạch đậm chứng tỏ bệnh nặng

    Trên kết quả test, vạch mờ hay đậm không nói lên được bệnh nặng, nhẹ, nhiều hay ít virus như nhiều người suy diễn. Ngoài ra, khi có xét nghiệm test nhanh dương tính, bạn cũng không nhất thiết phải làm xét nghiệm RT-PCR khẳng định.

    1.3 Kết quả test nhanh âm tính là khỏi bệnh

    Nhiều bạn đọc thắc mắc vậy test nhanh âm tính là khỏi bệnh đúng không? Các chuyên gia cho rằng điều này không chính xác.

    Test nhanh âm tính chỉ có nghĩa là nguy cơ lây thấp vì còn ít hoặc không còn virus ở đường hô hấp trên. Do đó vẫn phải tiếp tục theo dõi. Ví dụ ngày thứ 5 test nhanh âm tính thì không được chủ quan mà vẫn phải theo dõi SpO2 đủ 10 ngày.

    2. F0 điều trị tại nhà: Có thuốc đúng và uống đúng thời điểm

    Theo các chuyên gia, với F0 điều trị tại nhà "có thuốc đúng và uống đúng thời điểm" mới là tốt chứ không phải thuốc gì cũng uống, cứ uống thuốc là tốt, là yên tâm.

    Đối với thuốc chữa triệu chứng như paracetamol để hạ sốt, oresol bù điện giải cũng cần đọc hướng dẫn để dùng đúng liều lượng phù hợp với cân nặng, số tuổi của người bệnh. Oresol bù điện giải dùng cho bệnh nhân sốt cần pha đúng liều lượng.

    Các thuốc có thể dùng ở cộng đồng, cần theo đúng khuyến cáo hoặc có ý kiến của nhân viên y tế. Ví dụ: 

    Thuốc Corticoid được dùng khi bắt đầu có dấu hiệu tụt SpO2. Lý do cần đúng thời điểm:

    • Nếu dùng sớm quá lúc virus đang nhân chia nguy cơ gây bùng phát nặng hơn;
    • Dùng muộn quá (do chủ quan không theo dõi SpO2) thì lỡ thời cơ ngăn chặn tổn thương phổi tiến triển.

       

      Sau khi dùng 01 liều, người bệnh cần vào viện để được các bác sĩ theo dõi và điều trị tiếp.

    - Đối với thuốc molnupiravir có nguồn gốc tin cậy:

    • Thời điểm đúng là trước ngày thứ 5 của triệu chứng. Lưu ý là sau khi dùng thuốc nếu test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 rồi vẫn phải theo dõi đủ 10 ngày.
    • Không dùng thuốc cho phụ nữ có thai, một số ý kiến khuyên nếu người bệnh là nam nữ trẻ tuổi cũng không nên dùng molnupiravir.

    Các chuyên gia cho biết, nhiều thuốc đã được chứng minh không có tác dụng với COVID-19 và thậm chí có hại, trong đó phải kể đến là thuốc aspirin, hydroxychloroquine, ivermectin, azithromycin, "thuốc xanh đỏ" được cho là hàng xách tay từ Nga,...

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2022-02-26T07:02:00

    Thủ tục mua vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi cơ bản đã hoàn tất

    Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc tiêm phòng vaccine cho trẻ em và lứa tuổi học sinh để có đủ sức khỏe khi quay trở lại trường học tại phiên giải trình "Dạy học trong bối cảnh COVID-19" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đối với công tác tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, việc tiêm vaccine mũi 1 cho đến nay đạt trên 99%, mũi 2 là khoảng 98%, mũi 3 là khoảng 32%. Đối với trẻ từ 12-17 tuổi, đến nay tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 khoảng 99%; mũi 2 là khoảng 94%.

    Thủ tục mua vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi cơ bản đã hoàn tất - Ảnh 1.

    Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thủ tục mua vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi cơ bản đã hoàn tất

    Đối với trẻ em từ 5-11 tuổi, Bộ Y tế đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định đồng ý cho Bộ Y tế mua 21,9 triệu liều vaccine của Pfizer để tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

    Thủ tục mua vaccine cơ bản đã thực hiện xong và Bộ Y tế đề nghị cấp chậm nhất là đến 30/4/2022 để đẩy nhanh việc bao phủ tiêm vaccine cho trẻ em. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn y tế cơ sở về việc đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine cho trẻ em.

    Trong công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 "thần tốc hơn nữa"; đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi.

    Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn. Tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.

    Liên quan đến việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, trước đó, Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã triển khai cuộc thăm dò dư luận tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thu thập những thông tin khách quan về ý kiến của các tầng lớp Nhân dân chung quanh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và công tác phòng, chống dịch COVID-19.

    Số lượt người tham gia trả lời là 387.037. Viện Dư luận xã hội đã tiến hành chọn mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên phân tầng, chọn 18.743 mẫu, đại diện cho các giai tầng và 6 khu vực kinh tế - xã hội của cả nước. Kết quả cụ thể cho thấy:

    Về mức độ quan tâm việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, 78% số người được hỏi cho biết họ "rất quan tâm". Tỷ lệ "khá quan tâm" là 19%. Chỉ 1% số người được hỏi bày tỏ thái độ ít hoặc không quan tâm đến vấn đề này.

    Mức độ quan tâm trong nhóm những người có con từ 5-11 tuổi khá tương đồng với tỉ lệ chung (79% những người trong nhóm này "rất quan tâm").

    Kết quả khảo sát nhận thức về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong thời điểm hiện nay 78% ý kiến cho rằng việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi là "Rất cần thiết, cần tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em càng sớm càng tốt".

    Coi việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em giống như tiêm các loại vaccine thông thường (ho gà, uốn ván, lao, sởi...)".

    Tỷ lệ này trong nhóm những người có con trong độ tuổi từ 5-11 tuổi là 76%.

    Kết quả thăm dò về mức độ sẵn sàng đưa trẻ em từ 5-11 tuổi đi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho thấy đại đa số ý kiến- 81% cho rằng họ "Sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng COVID-19" nếu ngành Y tế tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong thời gian tới. Tỷ lệ này trong nhóm những người có con trong độ tuổi từ 5-11 tuổi là 80%.

    Tỷ lệ "Do dự hoặc chưa muốn đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng COVID-19" là 12%. Chỉ có 3% cho rằng họ "Không sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng COVID-19".

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ