Cập nhật lúc 18:08 - 13/11/2021

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 10/11: Hà Nội sắp tiêm vaccine COVID-19 cho gần 800.000 trẻ từ 12-17 tuổi

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2021-11-09T00:11:00

    Ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng nhiều hơn thời Hà Nội giãn cách, sống chung với dịch bằng cách nào?

    Những ngày vừa qua Hà Nội phát hiện nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế nói đó là “chuyện bình thường”.

    Vì thực tế vẫn còn những ca cộng đồng và sẽ tiếp tục lây lan khi nới lỏng. “Đó là chuyện bình thường. Vấn đề là có ca F0 đến đâu thì lấy mẫu xét nghiệm sớm đến đó, khoanh vùng, dập dịch sớm thì càng tốt. Lúc này chưa thể thả lỏng được”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

    Chuyên gia cho rằng, diễn biến dịch hiện nay rất phức tạp, có nguy cơ bùng phát nhưng Hà Nội vẫn đang kiểm soát được. Lưu ý nhất đối với Thủ đô hiện nay là phải phát hiện sớm các ca bệnh từ đó khẩn trương khoanh vùng, truy vết, dập dịch.

    Song song với đó, Hà Nội vẫn phải lấy mẫu xét nghiệm đánh giá nguy cơ tránh để tình trạng dịch bùng lên, không phản ứng kịp.

    “Do đó vẫn cần phải xét nghiệm những đối tượng nguy cơ (người về từ vùng nguy cơ, cơ sở nguy cơ, chỗ nào có nguy cơ phải “đánh” luôn chỗ đó) chứ không phải chỉ có xét nghiệm để tách F0. Cụ thể thời điểm này do người từ trong nam, ngoài bắc về Hà Nội nhiều thì cần phải làm xét nghiệm nguy cơ ở cả bến xe, bến tàu”, ông Phu nhấn mạnh.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 10/11: Hà Nội ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng nhiều hơn thời giãn cách, sống chung với dịch bằng cách nào? - Ảnh 1.

    Lo ngại các ca trong cộng đồng có thể còn nhiều hơn thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách, PGS. TS Trần Đắc Phu lưu ý “chỗ não cũng phải an toàn”. Từ xí nghiệp, nhà máy hoạt động cũng phải an toàn, trường học mở cửa cho học sinh quay lại trường cũng phải an toàn, nhà hàng, chợ dân sinh đều phải có phương án hoạt động an toàn, không chủ quan.

    Theo ông Phu vẫn còn nhiều người chưa được tiêm vắc xin: những người già người mắc bệnh nền, trẻ em chưa được tiêm vắc xin, tỷ lệ tiêm mũi 2 cho người già ở Hà Nội cũng chưa cao. Đặc biệt những người nhập cư ở các địa phương lên Hà Nội làm ăn, sinh sống cũng chưa nhiều được tiêm vắc xin.

    “Nếu dịch bệnh lây cho những nhóm đối tượng này rất nguy hiểm. Trong khi đó, Hà Nội có rất nhiều hoạt động có nguy cơ cao (tập trung đông người, đường đông đúc, giao lưu đi lại lớn) khiến dịch dễ bùng phát.

    Ví dụ như hoạt động trải nghiệm đường sắt trên cao những ngày vừa qua hay tới đây ngày 11/11 diễn ra trận bóng đá Việt Nam - Nhật Bản tại sân Mỹ Đình. Đây là những hoạt động tiềm ẩn nguy cơ nếu không phòng bệnh tốt sẽ bùng phát dịch”, ông Phu cảnh báo.

    Trả lời câu hỏi với tình hình dịch như hiện nay, các ca bệnh trong cộng đồng tăng lên đáng kể, Hà Nội có cần thiết phải nâng mức phòng dịch lên với những biện pháp mạnh hơn không?

    Ông Phu cho rằng các quy định của Hà Nội hiện đã ổn rồi nhưng thực hiện thì vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể là việc kiểm tra, giám sát thực hiện ở các nhà hàng, công sở, người dân của các cấp chính quyền cơ sở chưa nghiêm.

    “Bảo giãn cách nhưng đi xe điện có giãn cách đâu, bảo khai báo y tế nhưng cũng có khai báo đâu…Kiểm tra cũng không kiểm tra được hết.

    Cần phải hiểu sống chung là thích ứng an toàn chứ không phải sống chung là cứ buông lỏng ra hết, là chết. Kể cả người dân cho đến chính quyền cơ sở.

    Người dân vào hàng ăn cứ chìa thẻ xanh ra “khoe” đã tiêm đủ vắc xin rồi nói chuyện với nhau mà không cần giữ khoảng cách, hay những người già cũng đi xe bus từ xa đến để chen chúc đi trải nghiệm đi đường sắt trên cao mà vẫn như chưa từng có dịch.

    Chúng ta cần truyền thông mạnh về đảm bảo an toàn phòng dịch khi mà ngành giao thông vận tải đã có quy định, đã có khuyến cáo để người dân biết thực hiện …

    Theo đó, đối với các cơ quan, công sở, các doanh nghiệp, tổ chức phải có phương án an toàn phòng chống Covid-19 để sống chung chứ không phải sống chung là thả lỏng, buông xuôi.

    Đặc biệt với từng người dân ngoài tuân thủ các biện pháp 5K vẫn phải cảnh giác cao độ. Người dân có ho sốt phải đi xét nghiệm ngay, có dấu hiệu nghi ngờ phải báo với y tế nhất là những trường hợp đi về từ vùng dịch”, ông Phu bày tỏ.

    Theo Infonet

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-09T23:11:00

    Số F0 tăng nhanh, địa phương siết chặt quản lý phòng dịch

    Sau 20 ngày, số ca Covid-19 cả nước tăng gấp 2,7 lần, tập trung ở 3 tỉnh thành Đông Nam Bộ và miền Tây. Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc dịch cũng nóng trở lại.

    Ngày 12/10, số ca Covid-19 cả nước xuống thấp nhất 3 tháng qua với 2.939. Dịch được kiểm soát, cả nước chuyển sang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Các địa phương thu hẹp phong tỏa, khôi phục hoạt động vận tải, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo 4 cấp độ dịch tương ứng với 4 màu xanh, vàng, cam, đỏ.

    Cùng với xu hướng nới lỏng giãn cách, số F0 tăng dần, đến ngày 8/11 vọt lên 7.954, gấp 2,7 lần so với 20 ngày trước (12/10). Tâm dịch tiếp tục là 3 tỉnh thành Đông Nam Bộ gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, với hơn 3.100 ca.

    Sở Y tế TP HCM ghi nhận một tuần qua số F0 tăng trở lại, riêng ngày 8/11 là 1.316, tăng hơn 300 ca so với ngày trước đó. Hiện cấp độ dịch TP HCM vẫn là vùng vàng, với tỷ lệ vùng xanh 59%, vàng 32%, còn lại là vùng cam. Trong đó, huyện Cần Giờ và thị trấn Nhà Bè tăng cấp độ (cấp 3, màu cam). Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, lý giải Nhà Bè và Cần Giờ có nhiều công nhân được xét nghiệm dương tính khi vào làm việc.

    Để kiểm soát F0, TP HCM đang xét nghiệm giám sát để phát hiện, xử lý ổ dịch, không để dịch lan rộng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thành phố cũng lập 550 trạm do bác sĩ quân y hỗ trợ kết hợp với 312 trạm y tế phường, xã để chăm sóc F0 tại nhà theo chủ trương mới của Bộ Y tế.

    Đồng Nai 7 ngày qua ghi nhận 6.705 ca, tăng 50% so với 7 ngày trước đó. Theo đánh giá của Sở Y tế, các ca cộng đồng có xu hướng tăng mạnh với trung bình 187 ca mỗi ngày (so với giai đoạn thực hiện Chỉ thị 15 là 5-10 ca/ngày). Các ổ dịch cộng đồng đa phần liên quan đến doanh nghiệp sản xuất và người về từ vùng có dịch, tạo thành nhiều ổ dịch lây nhiễm thứ phát rải rác trong cộng đồng.


    Tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ), số F0 tăng từ nửa cuối tháng 10, sau khi người dân từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê và việc giãn cách xã hội được nới lỏng. Đầu tháng 11, nhiều tỉnh nâng cấp độ phòng dịch lên cấp 3 (vùng cam), riêng nhiều đơn vị cấp xã, huyện áp dụng cấp độ 4 (vùng đỏ). Các tỉnh phải tăng cường điều trị F0 tại nhà để giảm tải áp lực cách ly, điều trị; đồng thời thực hiện nhiều biện pháp thích ứng linh hoạt với Covid-19.

    Bắc Giang ghi nhận 394 ca từ 26/10 đến nay, xuất hiện hàng loạt cụm dịch liên quan khu công nghiệp, quán karaoke, khu dân cư, trải rộng trên địa bàn các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên, Lục Ngạn. Huyện Yên Thế với hơn 110.000 dân phải phong tỏa từ ngày 6/11 khi ghi nhận hơn 80 F0. Địa phương kích hoạt 15 chốt kiểm dịch và lấy mẫu xét nghiệm diện rộng toàn dân. Trong đó, thị trấn Bố Hạ đã đổi màu đỏ - cấp độ dịch nguy cơ cao nhất.

    Theo VnExpress

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-09T23:11:00

    TP Hồ Chí Minh tập trung khống chế ổ dịch COVID-19 mới trong cộng đồng

    Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng tăng trở lại. Tại nhiều quận, huyện xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng và trở thành những điểm nóng phức tạp.      

    Các ca F0 tăng nhanh

    Mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận từ 900 đến 1.000 ca mắc COVID-19 mới. Hiện các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị cho hơn 11.000 người mắc COVID-19, hơn 31.000 ca F0 đang tự cách ly và được điều trị tại nhà. Trong đó số ca F0 mới phải nhập viện đang cao hơn số ca được điều trị khỏi, xuất viện mỗi ngày.

    Thống kê cho thấy, số ca mắc COVID-19 mới và số ca nhập viện ở "tầng 2" các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng nhẹ trong hai tuần gần đây, đặc biệt tại những quận, huyện có nhiều khu công nghiệp. Dù độ phủ vaccine của thành phố tương đối cao nhưng hiện nay rất nhiều người từ các tỉnh trở lại thành phố học tập, làm việc chưa được tiêm vaccine nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây nhiễm khá cao.

    Trước thực tế này, nhiều địa phương đã chủ động tăng cường những biện pháp mạnh để khống chế dịch và điều chỉnh nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các quận, huyện có số ca F0 tăng cao như Quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh... Theo khảo sát của ngành y tế, hầu hết ca bệnh là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và trú tại các khu trọ trên địa bàn.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 10/11: Hà Nội ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng nhiều hơn thời giãn cách, sống chung với dịch bằng cách nào? - Ảnh 1.

    Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM kiểm tra thực tế nơi bệnh nhân Covid-19 cách ly ở khu nhà trọ tại huyện Bình Chánh. Ảnh: HCDC.

    Cụ thể, tại huyện Hóc Môn, ngay sau khi phát hiện 9 ổ dịch COVID-19 mới tại xã Xuân Thới Thượng và xã Bà Điểm, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương dập dịch. Đến ngày 7/11, ngành chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 729 người dân và phát hiện 81 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

    Để chủ động hỗ trợ địa phương sớm kiểm soát dịch, Sở Y tế phối hợp với Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) điều động 15 Trạm Y tế lưu động từ quận Bình Tân tăng cường cho huyện Hóc Môn. Bên cạnh đó, Sở đề nghị Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 14 tăng cường hội chẩn, hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 nặng cho Bệnh viện huyện Hóc Môn.

    Quận 12 từ ngày 23/10 đến nay đã ghi nhận hơn 8.000 trường hợp F0, riêng phường Hiệp Thành ghi nhận hơn 1.200 trường hợp. Theo lãnh đạo Quận 12, các ca mắc mới tập trung chủ yếu ở công nhân, người dân sống ở các khu nhà trọ. Quận 12 đã giám sát và theo dõi, chăm sóc điều trị tại nhà cho 5.643 trường hợp đủ điều kiện cách ly.

    Từ đầu tháng 10 đến nay, huyện Bình Chánh có 6.201 ca F0 được phát hiện bằng test nhanh kháng nguyên và RT-PCR. Huyện Bình Chánh vẫn còn 8 Trạm Y tế lưu động do lực lượng quân y hỗ trợ để quản lý và chăm sóc F0.

    Mới đây, từ một số trường hợp ở hẻm trên Đường 3/2 (Phường 6, Quận 10) tự khai báo triệu chứng và tự làm xét nghiệm COVID-19, cơ quan chức năng Phường 6 đã tiến hành xét nghiệm và lấy mẫu các hộ lân cận. Kết quả là có hơn 20 hộ ở con hẻm và các hộ ở đường Bà Hạt có cửa thông với hẻm này có ca dương tính. Tất cả người lớn đã được tiêm hai mũi vaccine, trẻ nhỏ chưa được tiêm. 

    Theo bà Đỗ Thị Bích Ngọc, Chủ tịch UBND Phường 6, đây là ổ dịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn được phát hiện sau tháng 9 không có ca mắc mới và chỉ vài ca rải rác từ đầu tháng 10 đến nay. Con hẻm tập trung đông dân cư với hai dãy nhà đối diện nhưng bề ngang hẻm khá hẹp - chỉ khoảng 1 mét, người dân đi lại và tiếp xúc nhiều nơi nên nguy cơ lây lan cao, khó truy vết nguồn lây.

    Theo ông Nguyễn Hoài Nam Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh công nhân tập trung tại các khu trọ là nguồn lây nhiễm nguy cơ cao, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ tại các khu công nghiệp và khu nhà trọ công nhân. Các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên đánh giá và nắm chắc các nguồn lây nhiễm. 

    Bên cạnh đó, cần rà soát những trường hợp chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 để có kế hoạch tiêm cho những trường hợp này; tính toán nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch sớm thành lập các Trạm Y tế lưu động phải tương ứng với số lượng F0 mới để có thể hỗ trợ kịp thời cho người bệnh khi lực lượng quân y rút khỏi địa phương.

    Theo Báo Tin tức

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-10T00:11:00

    Bộ Y tế ra Hướng dẫn điều trị COVID-19 đối với trẻ em

    Ngày 9/11, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn điều trị COVID-19 ở trẻ em; trong đó những trẻ béo phì, có bệnh nền... dễ có nguy cơ diễn biến nặng.

    Theo Hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc điểm lâm sàng của bệnh nhi mắc COVID-19 thường có các triệu chứng như: Thời gian ủ bệnh từ 2 -14 ngày, trung bình là 4 - 5 ngày. Trong quá trình khởi phát, trẻ có một hay nhiều triệu chứng như: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ... tuy nhiên trẻ thường không có triệu chứng.

    Các triệu chứng lâm sàng ở trẻ mắc COVID-19 thường gặp là: Sốt (chiếm 63%), ho (34%), buồn nôn hoặc nôn (20%), ỉa chảy (20%), khó thở (18%), triệu chứng mũi họng (17%), phát ban (17%), mệt mỏi (16%), đau bụng (15%), triệu chứng giống Kawasaki (13%), không có triệu chứng (13%), triệu chứng thần kinh (12%), kết mạc (11%) và họng đỏ (9%).

    Trẻ cũng gặp các triệu chứng khác (ít gặp hơn) như: Tổn thương da niêm (hồng ban các đầu ngón chi, nổi ban da...); rối loạn nhịp tim; tổn thương thận cấp; viêm thanh mạc (tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tim); gan to, viêm gan; bệnh não (co giật, hôn mê hoặc viêm não).

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 10/11: Hà Nội ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng nhiều hơn thời giãn cách, sống chung với dịch bằng cách nào? - Ảnh 1.

    Điều trị bệnh nhi đang mắc COVID-19. Ảnh: BYT

    Theo đó, hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi; hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1-2 tuần. Có khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5- ngày thứ 8 của bệnh. Trong đó, một số trẻ (khoảng 0,7%) cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng như: hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng, và hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Các yếu tố tiên lượng nặng trẻ béo phì, trẻ chậm phát triển, bại não, bệnh phổi mạn, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, tim bẩm sinh... Tỷ lệ tử vong ở trẻ rất thấp (< 0,1%), hầu hết tử vong do bệnh nền.

    Trong thời kỳ hồi phục (thường trong giai đoạn từ ngày thứ 7-10 ngày), nếu không có các biến chứng nặng trẻ sẽ hết dần các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh.

    Theo Bộ Y tế, các yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh dễ diễn biến nặng là: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hoá; trẻ mắc các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản; bệnh ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi...); bệnh thận mạn tính; trẻ ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp); bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần); bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác - Các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; bệnh gan; trẻ đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; các bệnh hệ thống.

    Các yếu tố có nguy cơ gây huyết khối ở trẻ mắc COVID-19 như: Điều trị tại ICU phải thở máy bất động kéo dài; có đường truyền trung tâm (catheter) hoặc longline; D-dimer ≥ 5 lần giới hạn trên bình thường; béo phì (BMI > 95th percentile); trẻ có tiền sử gia đình có huyết khối tĩnh mạch không rõ nguyên nhân; tiền sử bản thân huyết khối hoặc suy giảm miễn dịch; bệnh ác tính hoạt động, hội chứng thận hư, viêm tiềm tàng hoặc hoạt động, biến cố tắc mạch trên người bệnh huyết sắc tố S; bệnh tim bẩm sinh hoặc mắc phải có ứ máu tĩnh mạch (hội chẩn chuyên khoa); trẻ rối loạn nhịp tim (hội chẩn chuyên khoa).

    Bộ Y tế cũng hướng dẫn nguyên tắc điều trị COVID-19 ở trẻ em như sau:

    - Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chuẩn trước và trong thời gian điều trị, chăm sóc.

    - Phân loại trẻ bệnh theo mức độ và điều trị theo các mức độ nặng của bệnh.

    - Tuân thủ nguyên tắc cấp cứu A-B-C: Kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn.

    - Cá thể hóa các biện pháp điều trị, đặc biệt là các ca bệnh nặng nguy kịch.

    - Điều trị nguyên nhân bằng thuốc kháng virus.

    - Điều trị cơn bão cytokin bằng corticoid, lọc máu, ức chế sản xuất hoặc đối kháng IL receptor.

    - Điều trị chống đông ở trẻ em cần cân nhắc cẩn thận, nhất là ở trẻ < 12 tuổi.

    - Dùng kháng sinh/kháng nấm khi có bằng chứng lâm sàng và xét nghiệm.

    - Điều trị hỗ trợ khác: Đảm bảo trẻ được bú mẹ và dinh dưỡng hợp lý theo mức độ nặng của bệnh, bù nước điện giải, vật lý trị liệu, sức khỏe tâm thần.

    - Điều trị triệu chứng: Hạ sốt giảm ho, giảm đau...

    - Điều trị bệnh nền nếu có.

    Bộ Y tế cũng chú ý, đối với thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế. Với thuốc đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh.

    Theo Báo Tin tức

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-10T04:11:00

    Nghệ An: Phát hiện 473 ca dương tính COVID-19 từ phía Nam về

    Sáng 10-11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết tỉnh này vừa ghi nhận thêm 16 ca dương tính COVID-19 mới.

    Trong đó, có 1 ca cộng đồng tại TP Vinh và 15 ca đã được cách ly từ trước (8 ca về từ Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Tháp và 7 ca từ F1 thành F0).

    Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết thêm, tổng số công dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về Nghệ An từ ngày 1-10 đến nay là 32.835 người. Trong đó, đã xét nghiệm, phát hiện 473 ca dương tính (469 ca nhiễm mới, 4 ca tái dương tính).

    Thời gian qua, những người từ các tỉnh, thành phía Nam, Hà Nội và vùng có dịch COVID-19 trở về Nghệ An đều phải cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm.

    Theo PLO

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-10T08:11:00

    Ổ dịch mới với hàng chục F0 tại Hà Nội: Diễn biến phức tạp, 1 phường nâng cấp độ dịch lên "nguy cơ cao"

    Trong cuộc họp giao ban Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 quận Nam Từ Liêm chiều 9/11, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế quận cho biết, từ đầu năm 2021 đến ngày 9/11, quận ghi nhận tổng số 106 ca dương tính SARS-CoV-2. Đặc biệt, trong đợt dịch thứ 4, từ ngày 27/4 đến nay, có 93 ca.

    Trong 3 ngày gần đây, số F0 tăng đột biến, đặc biệt phường Phú Đô, từ ngày 7-9/11 phát hiện khoảng 30 ca (tính đến tối 9/11, CDC Hà Nội mới công bố 11 ca). Ông Tuấn dự báo tình hình dịch tiếp tục phức tạp tại phường này.

    Tính tới nay, tổng số mẫu đã lấy của F1, người trong khu vực phong tỏa và người thuộc diện nguy cơ trên địa bàn là trên 2.000 mẫu.

    "Sau khi có kết quả xét nghiệm, chúng tôi sẽ đánh giá lại nguy cơ. Nếu tiếp tục phát hiện F0 cộng đồng sẽ mở rộng quy mô, có thể xét nghiệm sàng lọc ở tất cả các tổ dân phố, xét nghiệm toàn phường Phú Đô", ông Tuấn nói.

    Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm nhận định, ổ dịch tại phường Phú Đô có nguy cơ lây lan lớn. Bởi khu vực này nhiều ngõ ngách nhỏ hẹp, nhà san sát nhau, liền tường, dân cư đông đúc. Hơn nữa, trước đây Phú Đô là làng, người dân vẫn theo văn hóa làng xã, các hộ gia đình thường xuyên giao lưu, tiếp xúc.

    Quận Nam Từ Liêm tập trung toàn lực triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý ca bệnh tại ổ dịch phường Phú Đô, nâng cấp độ dịch lên mức 3 (màu cam - nguy cơ cao), phong tỏa chặt chẽ 6 điểm tại 3 tổ dân phố 1, 5, 6, đồng thời triển khai lấy mẫu diện rộng; khẩn trương truy vết các đối tượng nguy cơ F1, F2 và người liên quan để bóc tách kịp thời F0 ra khỏi cộng đồng; xử lý ổ dịch theo quy định với phương châm khoanh vùng phong tỏa hẹp, xét nghiệm diện rộng.

    Ngoài ra, chính quyền tiếp tục rà soát các đối tượng nguy cơ về từ vùng dịch, đặc biệt các khu vực cấp độ dịch 2, 3, 4 để khai báo y tế, cách ly, xét nghiệm kịp thời; vận hành các khu cách ly tập trung hoạt động hiệu quả, đúng quy định, tránh lây nhiễm chéo và các vi phạm phòng chống dịch.

    Xem chi tiết tại đây

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-11-10T09:11:00

    Hà Nội sắp tiêm vaccine COVID-19 cho gần 800.000 trẻ từ 12-17 tuổi

    Theo kế hoạch liên ngành tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn thành phố, từ quý I/2021 và quý I/2022, Hà Nội sẽ triển khai tiêm vaccine cho toàn bộ trẻ đủ 12-17 tuổi (bao gồm trẻ đi học tại các trường đóng trên địa bàn thành phố và trẻ không đi học sinh sống tại Hà Nội) có chỉ định sử dụng vaccine của nhà sản xuất và Bộ Y tế.

    Dự kiến, có 791.921 trẻ được tiêm, trong đó có 519.547 trẻ từ 12 đến dưới 16 tuổi và 272.374 trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi.

    Việc triển khai tiêm cho trẻ được tiến hành ngay khi tiếp nhận vaccine và tùy theo tiến độ cung ứng vaccine của Bộ Y tế.

    Hà Nội sẽ triển khai tiêm vaccine trên toàn địa bàn thành phố và theo lộ trình hạ dần lứa tuổi (từ 17 tuổi xuống 12 tuổi; tương đương khối 12 tiêm trước, tiếp đến khối 11 và lần lượt cho đến khối 7), bảo đảm tiêm chủng đúng đối tượng, an toàn nhất, sớm nhất và nhanh nhất.

    Ngoài ra, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh trên thực tế tại thời điểm triển khai tiêm chủng, sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm bảo đảm tối ưu nhất công tác phòng, chống dịch bệnh.

    Kế hoạch cũng đề ra 3 địa điểm triển khai tiêm cho trẻ.

    Cụ thể là: Tiêm tại các điểm tiêm chủng lưu động ở trường học và các điểm lưu động khác căn cứ vào kế hoạch của địa phương; tiêm tại trạm y tế hoặc điểm tiêm chủng: Tiêm vét (cho những đối tượng tạm miễn, hoãn tại trường) và những trẻ không đi học; tiêm tại bệnh viện cho trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu... hoặc nghe tim phổi bất thường, phản vệ độ 3 với bất cứ dị nguyên nào theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ