Biểu tình vì quyền phụ nữ làm rung chuyển Iran và lan rộng ra nhiều nước
Những cuộc biểu tình sau cái chết của Masha Amini không chỉ diễn ra khắp Iran mà còn lan rộng đến Mỹ, Úc, các quốc gia châu Âu và nhiều nơi khác.
Các cuộc biểu tình sau cái chết của Masha Amini đã làm rung chuyển Iran. Internet bị cắt ở nhiều vùng và quyền truy cập vào các nền tảng như WhatsApp, Instagram bị chặn sau 7 ngày biểu tình ở các thành phố.
Biểu tình bắt đầu vào hôm 16/9 sau cái chết của Mahsa Amini, một phụ nữ người Kurd 22 tuổi bị cảnh sát đạo đức giam giữ vì đội khăn trùm đầu "không đúng cách". Cái chết của Amini đã làm dấy lên sự phẫn nộ về các vấn đề bao gồm hạn chế quyền tự do cá nhân ở Iran, các quy định nghiêm ngặt về trang phục đối với phụ nữ và một nền kinh tế quay cuồng với các lệnh trừng phạt.
Từ biểu tình trên khắp Iran…
Ít nhất 41 người đã thiệt mạng trong tình trạng bất ổn kéo dài 1 tuần - truyền hình nhà nước cho biết hôm thứ Bảy (24/9). Các cuộc biểu tình đã diễn ra tại ít nhất 40 thành phố trên toàn quốc. Những người biểu tình yêu cầu chấm dứt bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ cũng như chấm dứt việc bắt buộc đội khăn trùm đầu.
Các cuộc biểu tình đang diễn ra với phạm vi, quy mô và tính chất nữ quyền chưa từng có. Một thế hệ trẻ Iran đang đứng dậy chống lại sự đàn áp hàng thập kỷ, được cho là táo bạo hơn bao giờ hết. Biểu tình có từ khu vực người Kurd ở phía tây bắc, đến thủ đô Tehran và thậm chí cả những thành phố bảo thủ truyền thống hơn như Mashhad.
Phụ nữ đóng một vai trò nổi bật trong các cuộc biểu tình, họ vẫy tay và đốt khăn che mặt. Một số đã công khai cắt tóc khi đám đông giận dữ kêu gọi hạ bệ Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Firuzeh Mahmoudi, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ nhân quyền United for Iran, nói: "Hiện tại chúng ta không chỉ chứng kiến biểu tình ở các thành phố lớn, mà còn các thành phố nhỏ hơn, điều mà trước đây chưa từng xảy ra. Giờ đây, chúng ta cũng đang chứng kiến những cách mà mọi người chưa từng thể hiện, cả trong thông điệp và sự táo bạo".
Mahmoudi cho biết những lời hô vang tại các cuộc biểu tình, như "Chúng tôi sẽ hỗ trợ chị em phụ nữ với cuộc sống và sự tự do" được nghe thấy trên khắp đất nước. Đây là điều chưa từng có đối với chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ thấy phụ nữ cởi khăn trùm đầu hàng loạt như thế này".
Không chỉ người dân, một số người nổi tiếng trong và ngoài nước đã tuyên bố ủng hộ những người biểu tình, bao gồm các diễn viên, nữ diễn viên, vận động viên. Một số nhân vật nữ nổi tiếng cũng đã cởi bỏ khăn trùm đầu.
…đến làn sóng lan rộng ở nhiều quốc gia
Phẫn nộ trước cái chết của Amini xuất phát từ sự hoài nghi của công chúng về giải trình của các quan chức nhà nước - những người nói rằng Amini chết sau khi lên cơn đau tim và rơi vào hôn mê. Tuy nhiên, gia đình Amini cho biết cô là một người khỏe mạnh và không mắc bệnh tim.
Cái chết của Amini giờ đây đã trở thành biểu tượng của sự áp bức bạo lực mà phụ nữ phải đối mặt ở Iran trong nhiều thập kỷ. Tên tuổi của Amini đã lan rộng khắp thế giới, khi các nhà lãnh đạo thế giới nhắc đến cô tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở Thành phố New York (Mỹ) trong tuần qua.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm thứ Năm (22/9) cho biết các chuyên gia Liên Hợp Quốc lên án mạnh mẽ việc chính quyền nhà nước sử dụng bạo lực thân thể đối với phụ nữ ở Iran. "Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Iran tổ chức một cuộc điều tra độc lập, công bằng và nhanh chóng có kết luận về cái chết của cô Amini, công khai kết quả điều tra và quy trách nhiệm cho tất cả các thủ phạm".
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hôm 24/9 đã tuyên bố nước này phải đối phó dứt khoát với các cuộc biểu tình. Phát biểu này được ông Raisi đưa ra khi gọi điện cho gia đình một thành viên của lực lượng tình nguyện Basij thiệt mạng trong lúc tham gia chiến dịch trấn áp tình trạng bất ổn ở thành phố Mashhad, đông bắc Iran.
Trong khi đó, Liên Hợp Quốc cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ các cuộc biểu tình ở Iran. "Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà chức trách tôn trọng quyền của phụ nữ và xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái, thực hiện các biện pháp hiệu quả để bảo vệ họ khỏi các vi phạm nhân quyền khác, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế".
Vào thứ Bảy vừa qua, tại các thành phố ở Iraq, Đức, Hy Lạp, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Mỹ, nhiều người cũng xuống đường biểu tình để bày tỏ ủng hộ với người dân Iran.
Cụ thể, tại Iraq, hàng chục người Kurd ở Iraq và Iran đã tập hợp bên ngoài khuôn viên Liên Hợp Quốc ở phía bắc thành phố Erbil, mang theo những tấm biểu ngữ có ảnh của Amini.
Hàng trăm người Iran xa xứ đã tập hợp tại Paris và các thành phố khác ở châu Âu để phản đối việc Iran đàn áp các cuộc biểu tình sau cái chết của Amini. Những người biểu tình đã tập trung ở trung tâm thủ đô của Pháp và hô vang các khẩu hiệu chống lại Khamenei, đồng thời thúc giục Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tạm dừng đàm phán với Iran.
Tại Melbourne, người Úc gốc Iran và các nhà hoạt động đã tuần hành ở Phố Swanston và hô vang "tự do cho Iran". Các cuộc biểu tình nhỏ hơn cũng diễn ra ở Canberra.