Biểu tình phản đối phân biệt đối xử lan rộng hầu khắp Australia

hữu tiến,
Chia sẻ

Thông điệp mà những người biểu tình muốn đưa ra là kêu gọi công lý cho những người Australia bản địa đã bị chết trong thời gian giam giữ.

Bất chấp lệnh cấm tụ tập giai đoạn dịch bệnh, các cuộc biểu tình sau cái chết của người đàn ông da màu tại Mỹ đã diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Australia. Thông điệp mà những người biểu tình muốn đưa ra đó là kêu gọi công lý cho những người Australia bản địa đã bị chết trong thời gian giam giữ.

 - Ảnh 1.

Người biểu tình tập trung tại quảng trường Victoria ở thành phố Adelaide để ủng hộ phong trào Black Lives Matter và yêu cầu chấm dứt tình trạng ngược đãi của cảnh sát đối với những người bản địa. Ảnh: ABC.

Ngày hôm nay (6/6), hàng nghìn người dân Australia đã xuống đường biểu tình đòi công lý và yêu cầu chấm dứt tình trạng ngược đãi của cảnh sát đối với những người bản địa. Biểu tình đã diễn ra tại hầu hết các thủ phủ của các bang tại Australia bao gồm Sydney, Brisbane, Melbourne, Adelaide và Hobart.

Bắt nguồn từ cái chết của nạn nhân George Floyd tại Mỹ, hơn 5.000 người đã biểu tình ôn hòa dưới sự giám sát của cảnh sát tại thành phố Brisbane. Trong khi đó, khoảng 5.000 người cũng đã xuống đường biểu tình tại thành phố Sydney vào chiều nay sau khi đề nghị biểu tình được thông qua.

Trước đó vào hôm qua (5/6), một tòa án của bang New South Wales đã ra lệnh cấm biểu tình do lo ngại nguy cơ lây lan dịch bênh. Tuy nhiên, người biểu tình tiếp tục gửi khiếu nại lên Tòa án phúc thẩm và được cấp phép vào chiều nay.

Các quan chức y tế Australia đã lên tiếng kêu gọi người dân không tham gia các hoạt động tụ tập đông người trong giai đoạn dịch bệnh để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát các địa phương đã được huy động để ngăn chặn các hành động vượt quá giới hạn hay các hành vi bạo động.

Theo Hội đồng Y tế Thổ dân và Dân đảo của bang Queensland, các tình huống tương tự như cái chết của người đàn ông Mỹ gốc Phi George Floyd đã quá quen thuộc với các cộng đồng thiểu số tại Australia. Từ năm 1991 đến nay đã có ít nhất 432 thổ dân và dân đảo Torres bị chết trong các cơ sở giam giữ của cảnh sát./.

Chia sẻ