Biến thể Delta làm gia tăng số ca nhiễm mới tại một số nước

Ban Thời sự,
Chia sẻ

Biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ đang làm gia tăng số ca nhiễm mới tại một số nước, ngay cả những nước đã rất thành công trong việc dập dịch.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới cho biết, biến thể Delta đang trở thành loại phổ biến trên toàn cầu.

Tiến sĩ Anthony Faucity, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ khẳng định, biến thể Delta là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ nhằm chấm dứt đại dịch COVD-19 ở trong nước. Theo ông Fauci, biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn so với chủng virus ban đầu của dịch COVID-19, đồng thời nó còn làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, các loại vaccine hiện nay được cấp phép sử dụng ở Mỹ như Pfizer/BioNTech có hiệu quả đối với các biến thể mới.

Israel, một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất và nhanh nhất cũng đang ghi nhận sự gia tăng của các ca nhiễm mới. Thủ tướng Israel nói: "Biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới, với tỷ lệ lây nhiễm cao hơn nhiều. Và chúng ta cũng đang chứng kiến sự lây lan của biến thể này tại Israel".

Ngày 21/6, Bộ Y tế Israel ghi nhận thêm 125 ca mắc COVID-19, mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua. Nguyên nhân được xác định là do từ những người Israel từ nước ngoài nhập cảnh.

Do đó để ứng phó dịch, Israel sẽ tăng cường xét nghiệm tại sân bay, kiểm soát cách ly với người nhập cảnh, trang bị thêm các trạm lấy mẫu xét nghiệm.

Tại châu Âu, khu vực đang hy vọng có thể "mở cửa" hoàn toàn trong mùa Hè này, đặc biệt là khôi phục ngành du lịch, biến thể Delta đang đe dọa "đảo ngược" tất cả và nguy cơ làn sóng lây nhiễm mới có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Tại Anh, biến thể này đã lây lan nhanh chóng khi chỉ trong 1 tuần đầu tháng 6, số lượng người nhiễm đã lên tới hơn 33.000 trường hợp. Tại Bồ Đào Nha, biến thể Delta cũng đang không ngừng lan rộng, hiện chiếm hơn 60% tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này.

Tỷ lệ mắc mới trong 7 ngày qua ở thủ đô Lisbon đã tăng lên 180/100.000 dân, khiến chính quyền phải thực hiện lệnh phong tỏa trở lại từ cuối tuần trước.

Tình hình dịch bệnh cũng diễn ra tương tự ở Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ. Nga cũng đang trở thành điểm nóng lây lan loại biến thể nguy hiểm này, đặc biệt là tại thủ đô Moscow. Biến thể Delta chiếm tới gần 90% số ca mắc mới ở thủ đô. Dịch bệnh có xu hướng vượt ngoài tầm kiểm soát buộc chính quyền phải triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch và đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng.

Biến thể Delta là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng COVID-19 tồi tệ tại Ấn Độ hồi tháng 4, tháng 5 vừa qua làm hàng trăm ngàn người thiệt mạng. Biến thể Delta có nhiều đột biến, trong quá trình lan rộng, nó liên tục biến đổi. Qua nghiên cứu sơ bộ, các nhà khoa học đã biết rằng các đột biến này cho phép virus liên kết với tế bào của người mắc COVID-19 một cách dễ dàng hơn và tránh được một số phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Chia sẻ