Bệnh nhi bị thủng nhiều lỗ trong nội tạng vì chiếc tăm xỉa răng

Vân Sơn,
Chia sẻ

Bệnh nhi 8 tuổi bị đau bụng kéo dài nhưng thăm khám, điều trị nhiều nơi không khỏi. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ xác định trẻ bị dị vật đường tiêu hóa và tiến hành phẫu thuật, lấy ra chiếc tăm xỉa răng dài 5cm đã đâm xuyên nhiều lỗ trong nội tạng bệnh nhi.

Ngày 7/9, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp bị dị vật đường tiêu hóa rất nguy hiểm. Bệnh nhi là bé trai N.T.Đ. (8 tuổi) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng đau bụng kéo dài nhiều tuần.

Gia đình cho biết, bé N.T.Đ. đau bụng ngày càng nặng đã đi khám, điều trị nhiều nơi với chẩn đoán viêm loét dạ dày nhưng các giải pháp sử dụng thuốc không mang lại kết quả.

Qua thăm khám, bác sĩ Vương Minh Chiều, Khoa Ngoại tổng hợp cho biết, trẻ bị đau nhiều bên hông phải, kết quả siêu âm phát hiện tình trạng phù nề thành tá tràng. Tuy kết quả CT-Scan không phát hiện cản quang nhưng qua các dấu hiệu bệnh cho thấy trẻ có nguy cơ bị dị vật đường tiêu hóa.

Bệnh nhi bị thủng nhiều lỗ trong nội tạng vì chiếc tăm xỉa răng - Ảnh 1.

Chiếc tăm xỉa răng dài 5cm là "thủ phạm" đâm thủng nhiều vị trí nội tạng của bệnh nhi

Sau chẩn đoán theo dõi dị vật đường tiêu hóa, các bác sĩ đã điều trị tích cực cho bệnh nhi nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm. Qua hội chẩn, ê kíp quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật nội soi tìm dị vật.

Quá trình phẫu thuật nội soi phát hiện, trong lòng tá tràng D2 dị vật đã đâm thủng xuyên thành tá tràng hướng xuống, gây viêm thâm nhiễm tụ dịch xung quanh dọc đại tràng. Sau bóc tách và thám sát trong lòng tá tràng, các bác sĩ phát hiện dị vật là chiếc tăm tre xỉa răng.

Chiếc tăm tre đã làm thủng một lỗ ở đoạn đầu tá tràng D2 gần rốn gan và một lỗ ở đoạn tá tràng D3. Các vị trí bị đâm thủng có mô viêm dày bao lại. Kíp mổ đã nỗ lực lấy nguyên vẹn dị vật (tăm tre dài 5cm) sau đó tiến hành khâu lại các lỗ thủng.

Sau phẫu thuật nội soi, sức khỏe bệnh nhi đã cải thiện tốt. Đây là trường hợp gây nhiều khó khăn trong chẩn đoán vì trẻ không biết mình nuốt cây tăm khi nào. Bệnh nhi đã may mắn thoát khỏi nguy cơ viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng đe dọa tính mạng.

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh hạn chế cho con trẻ sử dụng tăm để xỉa răng thay vào đó nên hướng dẫn trẻ sử dụng chỉ nha khoa. Khi nghi ngờ trẻ nuốt dị vật, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa. Những trường hợp bị đau bụng nhiều ngày, điều trị không khỏi cần phải đưa đến bệnh viện chuyên khoa nhi để có giải pháp chẩn đoán, can thiệp phù hợp.

Chia sẻ