Bệnh nhân "rước họa" từ thói quen liên tục trong 40 năm

PV,
Chia sẻ

Sau 2 tháng ho nhiều, nam bệnh nhân 59 tuổi đi khám thì bất ngờ phát hiện ung thư phổi - bệnh lý có nguy cơ tử vong hàng đầu ở nam giới.

Bệnh nhân "rước họa" từ thói quen liên tục trong 40 năm - Ảnh 1.

Hình ảnh khối u phổi của bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Khoảng 2 tháng gần đây, bệnh nhân L.V.L., 59 tuổi, quê ở Hà Giang xuất hiện ho nhiều, ho có đờm đặc kèm theo đau ngực. Bệnh nhân đã đến một bệnh viện tại Hà Nội khám và kết quả được chuẩn đoán u phổi phải.

Trước đó qua khai thác tiền sử, bệnh nhân có tới hơn 40 năm sử dụng thuốc lá liên tục.

Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec kiểm tra lại. Tại đây, bệnh nhân được các chuyên gia chỉ định sinh thiết u phổi dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính.

Bệnh nhân "rước họa" từ thói quen liên tục trong 40 năm - Ảnh 2.

Hình chụp cắt lớp vi tính. Ảnh: BVCC

Trước khi sinh thiết, bệnh nhân làm các xét nghiệm máu cơ bản, tình trạng đông máu, các bệnh nhiễm trùng viêm gan B, C và HIV, đo chức năng hô hấp, siêu âm ổ bụng.

Sau 3 ngày, kết quả mô bệnh học của bệnh nhân là ung thư biểu mô vảy xâm nhập. Việc chẩn đoán sớm bản chất khối u đã giúp bệnh nhân được chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh, để từ đó bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Trường hợp của bệnh nhân này, chỉ là một trong số rất nhiều ca mắc ung thư phổi phát hiện tại bệnh viện do hút thuốc lá.

Bệnh nhân "rước họa" từ thói quen liên tục trong 40 năm - Ảnh 3.

Bác sĩ tiến hành sinh thiết. Ảnh: BVCC

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư ở phụ nữ (chỉ sau ung thư vú).

Mỗi năm có hơn 20.000 người mắc, trong đó có đến 17.000 người đã tử vong, 56 người mắc mới mỗi ngày. Đáng báo động hơn là tình hình mắc bệnh này có xu hướng ngày càng tăng.

Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời thì có thể kéo dài thời gian sống, thậm chí chữa khỏi.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh ung thư phổi diễn biến thầm lặng, bệnh nhân cần đi thăm khám để được tư vấn chuyên sâu tại các cơ sở y tế chuyên khoa, nếu xuất hiện các triệu chứng sau:

- Ho kéo dài trên 2 tuần.

- Ho ra máu, máu lẫn đờm, máu thường sẫm màu. Đây là yếu tố tiên lượng xấu, nên khi xuất hiện những triệu chứng trên, bệnh nhân nên đi khám ngay.

- Đau ngực: Thường lúc đầu đau liên quan vận động, sau đau liên tục, uống thuốc giảm đau không thuyên giảm.

- Khó thở: Cảm giác hụt hơi, lúc đầu khó thở khi vận động mạnh, lên cầu thang, về sau khó thở liên tục.

- Mệt mỏi, sút cân: Bệnh nhân thường chán ăn, ăn kém, người mệt và sụt cân nhanh.

- Thần kinh: Đau đầu, yếu liệt hay tê chân tay khi khối u di căn tới não.

Các dấu hiệu liên quan đến nội tiết như: Sưng đau các khớp nhỡ và nhỏ, sạm da, móng tay và móng chân khum, ngón dùi trống, thay đổi tâm tính, hay lo lắng, nóng giận, trầm cảm

Ngoài ra, để phòng và phát hiện bệnh kịp thời, các chuyên gia và bác sĩ khuyến cáo người dân nên: Không hút thuốc lá, tránh ô nhiễm môi trường; Tăng cường chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể thao...

Đặc biệt, người dân nên hình thành thói quen khám sức khỏe định kỳ 6 tháng đến 1 năm một lần. Những người từ 55 - 75 tuổi, có tiền sử hút thuốc nhiều năm, hoặc khi có bất kỳ những triệu chứng bất thường thì đều nên đến bệnh viện để được thăm khám.

Chia sẻ