Bé trai 7 tuổi ở Vĩnh Long mang khối u "khổng lồ" hiếm gặp vùng lưng như chiếc mai rùa

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Bé trai có một khối u nhỏ xuất hiện ở vùng lưng lúc mới sinh nhưng dần dần phát triển theo thời gian. Vài tháng gần đây, khối u nổi cộm lên, đen sì và chiếm gần trọn vùng da lưng khiến bé như mang chiếc mai rùa.

Bác sĩ Trần Quốc Việt, Phòng Kế hoạch tổng hợp,Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, nơi đây vừa tiếp nhận điều trị thành công trường hợp bé trai bị u hắc tố khổng lồ ở vùng lưng.

Bé H.H.H (7 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long) mang một khối u nhỏ có lông xuất hiện ở vùng lưng từ khi mới sinh. Khối u này ngày càng lớn dần theo quá trình phát triển của bé. 

Khi bé được 1 tuổi thì xuất hiện thêm nhiều u hắc tố nhỏ rải rác khắp người. 

Bé trai 7 tuổi ở Vĩnh Long mang khối u khổng lồ hiếm gặp vùng lưng như chiếc mai rùa - Ảnh 1.

Khối bướu của bé trai trước phẫu thuật.

Đến vài tháng trở lại đây, u to nhanh hơn và nổi cộm lên bề mặt da. Kích thước u lên đến 30 x 30 cm chiếm gần trọn vùng da lưng gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Chính vì sự "khổng lồ" và hình dạng bất thường của khối u gây mất thẩm mỹ khiến bé mặc cảm, không tự tin trong học tập và giao tiếp với bạn bè xung quanh.

Bác sĩ Ngô Hồng Phúc,phẫu thuật viên trực tiếp cho bệnh nhi chia sẻ khối u rất to, nếu cắt bỏ đi nguy cơ sẽ bị thiếu da vùng lưng rất nhiều và không thể khâu lại được. 

Bé trai 7 tuổi ở Vĩnh Long mang khối u khổng lồ hiếm gặp vùng lưng như chiếc mai rùa - Ảnh 2.

Lưng bé sau phẫu thuật 10 ngày. (BSCC)

Với kinh nghiệm ghép da nhiều năm cho bệnh nhân bỏng diện tích lớn, thiếu da diện rộng, kíp điều trị đã cắt bỏ trọn khối u hắc tố khổng lồ và dùng da vùng đùi của bé để ghép lên vùng mất da ở lưng sau cắt u. 

Sau 5 ngày phẫu thuật, da ghép lành tốt, bé đã được xuất viện trong niềm vui và hạnh phúc của gia đình.

Theo y văn, u hắc tố khổng lồ chiếm tỉ lệ khoảng 1/20.000 ở trẻ em. U thường do nguyên nhân bẩm sinh xuất hiện ngay sau sinh, kích thước phát triển tăng dần ≥ 20cm và có nguy cơ hoá ác tính cao với tỉ lệ 5 - 10%. 

Vì vậy, cần phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u nhằm tránh nguy cơ hóa ác và mất thẩm mỹ cho bé.

Trước đó vào tháng 8/2016, bé Trần Thị Ngọc Thắm (10 tuổi), con chị Thạch Thị Đa Ni (34 tuổi, quê Sóc Trăng) đã nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) trong tình trạng lưng nổi một cục bướu rất lớn màu đen như mai rùa.

Bé trai 7 tuổi ở Vĩnh Long mang khối u khổng lồ hiếm gặp vùng lưng như chiếc mai rùa - Ảnh 3.

Bé Trần Thị Ngọc Thắm.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, qua chẩn đoán xác định bé Thắm mắc căn bệnh bướu hắc tố bẩm sinh (có tên khoa học là Congentinal melano citye Nevi) nhưng kích thước quá "khủng".

Ngoài ra, trên người bé còn có trên 200 nốt ruồi lớn nhỏ (gọi là bướu vệ tinh). 

Vì mang trên người chiếc "mai" lớn, bé thường xuyên bị bạn bè trêu chọc là cô bé mai rùa. Phần vì không có điều kiện nên lớp 3 bé Thắm phải nghỉ học.

Bé trai 7 tuổi ở Vĩnh Long mang khối u khổng lồ hiếm gặp vùng lưng như chiếc mai rùa - Ảnh 4.

Khối bướu khiến nhiều người gọi bé là "lưng rùa".

3 ngày sau khi nhập viện, ca phẫu thuật lóc bướu hắc tính cho cô bé Trần Thị Ngọc Thắm đã thành công. 

Ca mổ kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ, với thành quả là "chiếc mai" nặng hơn 1kg, đường kính 22 cm đã tách rời khỏi cơ thể bé nhỏ của bệnh nhi.


Chia sẻ