Bé gái Hà Nội mới học cấp 1 đã biết đi chợ nấu cơm, nấu được cả những món đến người lớn cũng lắc đầu chịu thua

Thanh Hương,
Chia sẻ

Dù mới chỉ học cấp 1 nhưng 2 bé gái này sớm được mẹ dạy nấu các món từ cơ bản đến phức tạp. Không chỉ vậy 2 bé còn sống rất tự lập.

Không ít cha mẹ cho rằng, nấu ăn là công việc của người lớn và không nên để trẻ nhỏ vào bếp vì nguy hiểm. Chính vì vậy, nhiều đứa trẻ lớn lên thiếu hụt kỹ năng sống. Thực tế, trẻ nhỏ không nhất thiết phải nấu được một bữa ăn ngon và hoàn chỉnh như người lớn. Nhưng ít nhất, bố mẹ hãy dạy cho trẻ biết những kỹ năng bếp núc cơ bản. Điều này sẽ giúp trẻ học được nhiều bài học quý giá như tính tự lập, sự sáng tạo,...

Chị Phương Mai (Hà Nội) có 2 cô con gái nhỏ: bé lớn Phương Thu (lớp 4) và bé út Phương Chi (lớp 1). Dù mới học cấp 1 nhưng cả Thu và Chi đều đã thành thạo những kỹ năng nấu nướng cơ bản. Cô út có thể nấu canh rau, làm trứng hấp ngải cứu, rang thịt và làm những món bánh đơn giản như bánh khoai tây. Còn cô lớn thì cừ khôi hơn khi nấu được cả một nồi canh cua đầy gạch sánh mịn và không bị vụn - đây là món ngay đến nhiều người lớn cũng lắc đầu chịu thua.

2 bé gái cấp 1 đã biết đi chợ nấu cơm cùng mẹ, nấu được cả những món đến người lớn cũng "lắc đầu lè lưỡi" chịu thua - Ảnh 1.

Bé Phương Thu, Phương Chi và mẹ.

Ngay từ khi các con còn nhỏ, chị Mai đã cho con xuống bếp, tập làm quen với những công việc đơn giản như nhặt rau, bóc tỏi, gọt khoai,... giúp mẹ. Dần dần, 2 cô bé bắt đầu yêu thích việc nấu ăn và thường xuyên xem các clip Youtube để học làm theo. Chị Mai cũng xem cùng và hướng dẫn các con thực hành.

"Hiện tại các bé nhà mình đã tự nấu được 3/4 mâm cơm. Tuy các bé còn nhỏ nhưng mình phân công luôn nhiệm vụ, cho thay phiên nhau nấu ăn mỗi ngày. Nay cô chị nấu thì mai cô em nấu. Ăn xong cô chị rửa bát thì cô em lau dọn bàn ăn. Các bé giờ thích nấu nướng lắm vì mỗi lần nấu xong đều được bố mẹ khen ngợi, động viên nên càng hứng chí", chị Mai chia sẻ.

2 bé gái cấp 1 đã biết đi chợ nấu cơm cùng mẹ, nấu được cả những món đến người lớn cũng "lắc đầu lè lưỡi" chịu thua - Ảnh 2.

Cô cả Phương Thu nấu được cả nồi canh cua sánh mịn.

2 bé gái cấp 1 đã biết đi chợ nấu cơm cùng mẹ, nấu được cả những món đến người lớn cũng "lắc đầu lè lưỡi" chịu thua - Ảnh 4.

Cô út cũng rất vui vẻ vào bếp.

Không chỉ dạy các con nấu ăn, chị Mai còn dẫn các bé đi chợ cùng. Mỗi lần như vậy, chị sẽ hướng dẫn con cách chọn lựa đồ ăn tươi ngon và cả cách cân nhắc chi tiêu. Qua những dịp đi chợ cùng mẹ, hai bé Thu, Chi học hỏi thêm được nhiều rất kỹ năng sống bổ ích.

Nhiều người khi biết chị Mai cho con tự xuống bếp thì vừa thán phục vừa lo, bởi nhà bếp là nơi dễ xảy ra những tình huống nguy hiểm như bị dao cứa tay hay không may bị bỏng nước sôi. Nói về điều này, chị Mai tâm sự: "Hồi đầu mình cũng lo nhưng đến 1 độ tuổi nhất định, nếu hướng dẫn kỹ thì các con sẽ làm được thôi.

Ví dụ bé lớn nhà mình giờ các kỹ năng bếp núc cũng tạm ổn còn bé út mới được dùng dao nhỏ để thái đồ mềm như mướp, rau thơm thôi. Còn về những nguy hiểm như phích nước nóng,... thì mình chưa cho con bê và cũng chỉ ngay từ đầu đó là những thứ con không được lại gần. Nói chung cũng nên dần dần cho tiếp xúc để con học được tính tự lập".

2 bé gái cấp 1 đã biết đi chợ nấu cơm cùng mẹ, nấu được cả những món đến người lớn cũng "lắc đầu lè lưỡi" chịu thua - Ảnh 5.

Hai bé được mẹ dạy nấu ăn từ những công việc nhỏ nhất.

Dạy con tự lập từ những điều nhỏ nhặt nhất

Đối với bé út Phương Chi, chị Mai áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW từ nhỏ. Từ lúc 5 tháng tuổi, Chi đã được mẹ cho làm quen với thức ăn và được tự chọn lựa món yêu thích. "Mình hầm mềm các loại củ như su su, cà rốt và cho con ngồi vào ghế ăn dặm ăn. Đến 9 tháng là con ăn được cơm nát. Sau này mình cũng cho con dùng thìa và đũa từ rất sớm".

Khi có bé lớn Phương Thu, vì chưa biết đến phương pháp ăn dặm BLW nên chị chưa áp dụng. So sánh phương pháp tự chỉ huy và phương pháp nuôi dạy thông thường, chị Mai nhận xét: "Phương pháp này giúp bé út nhà mình tự lập hơn rất nhiều. Nếu bé lớn ngồi ăn cả tiếng mới hết 1 bát cháo con thì bé út cứ ăn phăm phăm 20-30 phút là hết một bữa".

Không chỉ dạy con tự lập trong việc ăn uống, bà mẹ Hà Nội còn chú trọng dạy con độc lập cả trong những công việc hàng ngày. Ở độ tuổi cấp 1, nhiều bé vẫn được bố mẹ dọn dẹp phòng giúp và không phải động tay, động chân vào bất kỳ việc nhà nào. Tuy nhiên chị Mai lại không có quan điểm như vậy.

2 bé gái cấp 1 đã biết đi chợ nấu cơm cùng mẹ, nấu được cả những món đến người lớn cũng "lắc đầu lè lưỡi" chịu thua - Ảnh 7.

Với chị, bất kể việc gì con có thể tự làm, chị sẽ để cho con làm. Bắt đầu bằng việc chị sẽ gọi con ra làm cùng những công việc nhà. Khi con dần quen thuộc thì chị sẽ khuyến khích con tự làm một mình. Cả Thu và Chi đều phải tự dọn dẹp nhà cửa, tưới cây, gấp quần áo, tự dọn phòng ngủ. Sau khi các công việc hoàn thành, chị Mai sẽ đích thân kiểm tra lại một lần nữa.

2 bé gái cấp 1 đã biết đi chợ nấu cơm cùng mẹ, nấu được cả những món đến người lớn cũng "lắc đầu lè lưỡi" chịu thua - Ảnh 8.

Các con của chị Mai rất tự lập trong các công việc nhà.

"Bé lớn thì mãi đến năm lớp 2 mình mới để làm các công việc nhà vì cũng hơi chiều. Còn bé út vì có chị làm gương rồi nên 4 tuổi đã tự dọn dẹp. Không chỉ việc nhà mà cả việc học mình cũng để các bạn ấy tự lập. Đợt này nghỉ ở nhà học online, các bé phải dùng Email và Drive để lưu trữ và gửi bài tập cho thầy cô. Mình hướng dẫn xong rồi để các bé tự làm hết".

2 bé gái cấp 1 đã biết đi chợ nấu cơm cùng mẹ, nấu được cả những món đến người lớn cũng "lắc đầu lè lưỡi" chịu thua - Ảnh 9.

Hai bé tự lập trong cả việc học.

Chị Mai cũng cho biết, 2 bé nhà chị được mẹ cho ngủ riêng từ rất sớm. Lúc đầu, 2 cô công chúa nhỏ còn phụng phịu không muốn xa mẹ nhưng sau lại thích ngủ riêng vì thoải mái và có nhiều không gian riêng tư hơn. "Bố mẹ nên rèn cho con tính tự lập từ những điều nhỏ nhặt nhất", chị Mai đúc rút kinh nghiệm.

2 bé gái cấp 1 đã biết đi chợ nấu cơm cùng mẹ, nấu được cả những món đến người lớn cũng "lắc đầu lè lưỡi" chịu thua - Ảnh 10.


Chia sẻ