Bé gái đọc vanh vách hơn 100 quốc kì các nước dù mới 2 tuổi, biết lý do ai cũng gật gù

San San,
Chia sẻ

Cô bé không chỉ xinh xắn, đáng yêu mà còn rất thông minh nữa.

Các bậc phụ huynh đều phải công nhận rằng trẻ con rất giỏi nhớ và bắt chước người lớn, thế nên nếu được dạy dỗ hàng ngày thì các bé rất nhanh làm quen với mọi thứ xung quanh. Chị Thuỷ Trần (đến từ Gia Lai), mẹ của bé Lý Diệp Thy Thy (hơn 2 tuổi) đã lựa chọn phương pháp giáo dục sớm để con có thể khám phá nhiều điều hơn từ lúc còn nhỏ. 

Mới đây, chị Thuỷ đăng tải clip con gái đọc thuộc làu tên quốc kì các nước khiến ai nấy tấm tắc khen ngợi. Trong video, mẹ chỉ đến cờ nước nào là bé Thy Thy đọc ngay lập tức tên quốc kì nước đó, từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... cho đến Austraylia, Myanmar, Brazil... Số cờ mà cô bé nhớ được lên đến hơn 100.

Bé gái đọc tên hơn 100 quốc kì trên thế giới

Ai cũng khen bé còn nhỏ, giọng vẫn còn ngọng líu lo nhưng nhớ rất giỏi. Các bé khác trong độ tuổi này chỉ mới làm quen một vài lá cờ đơn giản nên việc Thy Thy thuộc nhiều tên cờ đến vậy quả thực rất đáng khen. 

Chia sẻ thêm về con gái, chị Thuỷ cho biết Thy Thy mới hơn 2 tuổi nhưng đã thuộc khá nhiều bài hát cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Dù nói câu dài chưa rõ ràng nhưng bé đã nắm kha khá từ tên con vật, màu sắc, trái cây, mặt số. Trước đó, chị Thủy chưa từng dạy nhưng Thy Thy xem chương trình trên TV và tự thuộc làu cả bảng chữ tiếng Anh. 

Để được như vậy, chị Thuỷ đã cho con tiếp xúc với sách truyện từ rất sớm: "Mình cho con làm quen từ lúc bé mới 3, 4 tháng tuổi. Lúc này cũng nhận nhiều phản đối vì cho rằng bé như thế đã biết gì mà học, còn riêng mình thấy lúc này bé vẫn còn nằm 1 chỗ nên sẽ tập trung hơn. Khi đã lớn, bé hay chạy lung tung không chịu ngồi 1 chỗ để nghe nữa. 

Bé Thy Thy, con gái lém lỉnh và sáng dạ của chị Thủy

Đến khi con hơn 1 tuổi, mình cho bé học flash card, có lúc thì tập trung ngồi nghe nhưng cũng có lúc không thích nữa thì bé sẽ bỏ đi, thường lúc đó mình không ép và tôn trọng con. Ngoài ra, mình mua hình dán tường, sách tranh, cho bé xem TV về động vật, các chủ đề nhưng có kiểm soát và tương tác nhiều với bé". 

Bên cạnh đó, khi bé Thy Thy gặp điều gì mới lạ, chị Thuỷ cũng sẽ hướng dẫn con luôn bằng cách nói đây là cái gì, kia là cái gì để bé dần nhớ được. Đến khi Thy Thy 1,5 tuổi bé mới nói các từ đơn, đến gần 2 tuổi thì bé đã có thể nhận biết được rất nhiều thứ. 

"Mình thấy con thuộc rất nhanh nên thử mở youtube quốc kỳ thế giới cho bé xem, mua sách các lá cờ về đọc cho bé nghe. Chỉ một thời gian ngắn sau, khả năng của bé khiến mình khá bất ngờ, chỉ nghe và đọc lướt qua mà con đã thuộc được khá nhiều nước, và có khi thuộc cả mặt chữ tên nước", chị Thuỷ hào hứng nói. 

Chị Thủy mong con gái sẽ được khám phá thêm về thế giới xung quanh nhờ phương pháp giáo dục sớm.

Chia sẻ thêm về phương pháp dạy tiếng Anh cho con gái, chị Thủy hào hứng cho biết sau khi bé đã thuộc nhuần nhuyễn các chủ đề bằng tiếng Việt thì chị mới chuyển sang dạy tiếng Anh cho con: "Mình không dạy con dịch ngôn ngữ như "quả táo tiếng Anh là apple", "red là màu đỏ" vì sợ bé còn nhỏ không phân biệt rõ sẽ dẫn đến rối loạn ngôn ngữ. Bởi vậy, mình bắt đầu bằng việc cho bé nghe bài hát tiếng Anh, dạy phương pháp flash card và tương tác trực tiếp, ví dụ như chỉ vào màu vàng và hỏi "what color is this?", "this is yellow". 

Chị Thủy cho biết ban đầu bé Thy Thy chưa hiểu và chỉ trả lời bằng tiếng Việt, nhưng sau 1 thời gian kiên trì tương tác thì bé biết rằng đang học thêm 1 ngôn ngữ khác. Và sau đó khi mẹ hỏi bằng tiếng Anh thì bé trả lời tiếng Anh, hỏi bằng tiếng Việt sẽ trả lời bằng tiếng Việt và không bị nhầm lẫn giữa 2 ngôn ngữ. Bây giờ thì bé đã thuộc khá nhiều từ vựng tất cả chủ đề, trả lời được những câu đơn giản và biết tương tác bằng tiếng Anh với mẹ. 

Chia sẻ của chị Thuỷ khiến nhiều phụ huynh gật gù tán dương, bé Thy Thy giỏi như vậy là nhờ có mẹ Thuỷ khéo léo, luôn đồng hành nhưng cũng không quá ép buộc con để con được phát triển khả năng một cách tự nhiên nhất.

Giáo dục sớm được xem là việc giáo dục con trẻ trong giai đoạn 0-6 tuổi. Mục đích là tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần. Nhấn mạnh đến phát triển của trẻ về nhu cầu xã hội, cảm xúc, phản biện, học tập, tư duy,…

Giáo dục sớm còn quan tâm xây dựng cho con những thói quen tốt, tự lập, tinh thần lạc quan,… Qua đó, ba mẹ dễ dàng phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, thế mạnh và nhân cách của con. Giúp con chuẩn bị tốt nhất cho hành trình học tập suốt đời.

Vai trò của ba mẹ, của người lớn trong giáo dục sớm không phải là thầy cô giáo đi dạy. Vị trí của con càng không phải là cô cậu học trò nhỏ buộc phải học. Giáo dục sớm là tôn trọng, yêu thương và khuyến khích con phát triển thuận tự nhiên. Và ba mẹ đóng vai trò là người bạn, người đồng hành dẫn dắt con trên hành trình ấy.

Chia sẻ