Bế con đang sốt 39 độ trên tay vẫn bị mẹ chồng sai đi làm cơm đón em rể, tôi nghẹn ngào đáp trả

Miss Mộng Mơ,
Chia sẻ

Hôm ấy, em chồng và em rể báo sẽ về chơi. Tôi đã đi chợ từ sớm để mua đồ, nhưng tới gần trưa, bỗng thấy con trai quấy khóc, bám mẹ không rời. Tôi sờ trán con thì nóng rẫy, đo nhiệt độ thì sốt tới 39 độ C.

Tôi lấy chồng nhưng không được hạnh phúc như nhiều bạn bè cùng lứa. Không phải Thăng không thương vợ con, mà tất cả cũng bởi mẹ chồng tôi quá xét nét và thiên vị em chồng ra mặt.

Hơn 2 năm về chung sống, mặc dù ở cùng nhà, ăn cùng mâm, sinh một cậu con trai kháu khỉnh nhưng bà vẫn luôn coi tôi là người ngoài. Nếu thành viên nào đó về muộn, bà sẽ bắt chờ cơm bằng được. Nếu là tôi, cứ đúng giờ là bà bắt mọi người ngồi vào mâm. Thậm chí, việc đơn giản nhất là gắp riêng vài miếng đồ ăn ra cho tôi, bà cũng không làm. Mỗi khi về muộn mệt mỏi, nhìn mâm cơm để phần mà như đồ bỏ, tôi chỉ muốn ôm mặt khóc.

Nhưng vẫn chưa tủi thân bằng mỗi lần em chồng và em rể trở về, bà không chỉ cho tôi là không khí mà còn luôn mồm sai bảo tôi như ô-sin. Em rể có ái ngại, gọi tôi lên ăn uống cùng thì bà còn gạt đi:

- Con cứ kệ nó, ăn đi. Nó làm xong thì lên sau, phận làm dâu phải thế.

- Thôi, mình cứ để chị dâu lên thì cùng ăn ạ.

- Thôi thôi, mẹ bảo rồi. Nó vụng thối ra, chờ nó tới khi nào mới xong.

Riết rồi cũng quen, mỗi lần như thế, tôi chỉ lẳng lặng quay đi lau giọt nước mắt trực rơi mà thôi. Thăng thì biết rằng mẹ chồng không ưa tôi vì gia cảnh tôi không tốt, cũng không dám cãi lời bà. Khi nào về phòng riêng, anh mới động viên tôi:

- Mẹ cứ nói vậy thôi chứ nào có ý gì. Em đừng nghĩ nhiều rồi lại tự tủi thân nhé. Với lại người ta bảo dâu con, rể khách. Hai vợ chồng nhà Thư – Phát ít về nên mới được mẹ quý như thế. Chứ cứ chung sống xem bà có luôn mồm sai không?

- Em không nghĩ làm sao được, em không buồn làm sao được? Em là con người chứ phải sắt đá đâu? Không phải "dâu con" đâu, bà chưa từng xem em là người nhà.

- Thôi, anh xin. Để gia đình yên ấm thì nhịn đi 1 chút. Dù sao chúng mình cũng đang sống ở nhà ông bà, con cũng nhờ ông bà trông mà. Em đừng tự nghĩ rồi tự buồn phiền nữa.

- Anh thấy em cãi lời mẹ bao giờ chưa? Dù sai dù đúng, dù bị coi như người dưng hay người ở, em vẫn im lặng nghe theo mà. Anh còn muốn gì nữa?

0

(Ảnh minh họa)

Tôi ức quá, bật khóc nức nở khi Thăng cứ liên tục yêu cầu tôi phải nhẫn nhịn. Tận lúc này, anh mới ôm lấy vai tôi, rồi bảo:

- Thôi, được rồi. Mình mà muốn ra ở riêng thì phải cố gắng kiếm tiền. Còn không có tiền, cứ sống chung thế này thì phải nhẫn nhịn thôi. Anh hiểu em khổ, nhưng mình cùng cố gắng nhé.

Nghe anh nói vậy, tôi cũng chỉ nguôi ngoai phần nào, chứ thật tâm tôi biết cái ngày vợ chồng chúng tôi được ra ở riêng còn xa vời lắm.

Mọi chuyện vẫn cứ thế tiếp diễn, cho tới một lần nọ. Hôm ấy, em chồng và em rể báo sẽ về chơi. Tôi đã đi chợ từ sớm để mua đồ, nhưng tới gần trưa, bỗng thấy con trai quấy khóc, bám mẹ không rời. Tôi sờ trán con thì nóng rẫy, đo nhiệt độ thì sốt gần 40 độ. Hốt hoảng quá, tôi bảo mẹ chồng:

- Mẹ ơi, không xong rồi, Tít bị sốt quá, con nhờ chú Năm hàng xóm chở ra trạm y tế xã.

- Ơ, ơ đi đâu giờ này? Tới giờ cơm rồi.

- Con đưa cháu đi khám mà.

- Sốt thôi, có gì nghiêm trọng đâu. Con cứ để cháu nằm ngủ trong phòng, xuống nấu nướng đi. Chứ cả mâm chục món, mình mẹ làm sao xuể? 2 đứa nó về tới bây giờ, không lẽ đến nhà còn chưa có cơm ăn, vợ chồng nó lại phải vào bếp cùng mẹ à?

Nghe bà nói, tôi ức quá, bật khóc nức nở rồi bảo:

- Mẹ ơi, mẹ không biết rằng sốt cao ở trẻ con dễ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, hay mẹ không quan tâm tới nó ạ? Mẹ thấy bữa ăn thết đãi con rể và con gái mẹ quan trọng hơn tính mạng cháu đích tôn của mẹ à? Mẹ coi con như người dưng cũng được, nhưng thằng Tít là cháu mẹ mà!

Thấy thái độ của tôi, bà hơi ngại ngùng, sau cùng không nói được gì. Còn tôi thì mặc kệ bà, ôm con chạy đi khám. Tôi thấy mình vì gia cảnh kém cỏi nên đã chịu nhẫn nhịn bà bao năm, nhưng không thể chấp nhận được cảnh con trai mình chịu nguy hiểm như thế này được.

Chia sẻ