Bẽ bàng những ông chồng… vô sinh

Tuệ Nhi,
Chia sẻ

Câu chuyện của anh Đức đáng buồn ở chỗ, trong tờ đơn ly hôn mà vợ anh đem trình tòa và “giãi bày” với bàn dân thiên hạ có cái lý do rất chua xót: “Tôi muốn ly hôn vì chồng tôi… vô sinh”.

Sức mạnh của người đàn ông không đơn giản chỉ thể hiện ở sự lực lưỡng của cơ bắp, sự khỏe mạnh mà niềm tự hào lớn nhất của họ là khả năng “thống lĩnh” chuyện chăn gối. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn có những trường hợp người đàn ông yếu sinh lí hoặc vô sinh. Câu chuyện khó chấp nhận đó đã tạo nên nhiều bi kịch cho những người đàn ông.

Lí do ly hôn: “Vì chồng tôi vô sinh”

Đã gần 1 tháng kể từ ngày ly hôn, anh Đức (Từ Liêm) không dám ra khỏi nhà vì mặc cảm và xấu hổ. Chuyện vợ chồng không ăn ở được với nhau dẫn đến ly hôn trong xã hội hiện đại đã trở thành điều quá đỗi bình thường. Nhưng câu chuyện của anh Đức đáng buồn ở chỗ, trong tờ đơn ly hôn mà vợ anh đem trình tòa và “giãi bày” với bàn dân thiên hạ có một cái lý do rất chua xót: “Tôi muốn ly hôn vì chồng tôi… vô sinh”.

Có lẽ sẽ không có lí do quá đáng đó nếu như mẹ anh không đối xử quá quắt với chị Mai – vợ anh Đức trước đó. Lấy nhau về hơn 2 năm mà vợ chồng anh Đức vẫn chưa có con khiến cả gia đình lo sốt vó. Theo suy nghĩ thông thường của những người dân Việt, hễ hai vợ chồng nào chậm con là người ta suy ngay ra cô vợ “không biết đẻ”. Hơn nữa, nhìn vẻ bề ngoài của anh Đức, cao to, vạm vỡ như trai Tây nên mẹ anh cho rằng: “Không có lí gì là ở thằng Đức cả, chỉ tại vợ nó mà thôi”.
 

Áp đặt cái suy nghĩ đó, mẹ Đức bắt đầu thái độ với con dâu. Ngay cả chính bản thân chị Mai cũng nghĩ có lẽ lỗi tại mình. Vừa bị mẹ chồng đỏng dảng nói chuyện “con cá rô đực”, vừa đau khổ khi nghĩ mình là người có lỗi khiến chị nhanh chóng suy sụp. Mẹ Đức ngày một ra mặt khinh con dâu, sự đối xử của bà khiến Mai ấm ức không tài nào chịu nổi. Chị Mai tâm sự với gia đình, mẹ đẻ chị cứ phải động viên: “Thôi con ạ, tại  mình nên giờ chỉ cần chồng nó không bỏ là được, cố gắng mà chịu đựng con ạ”.

Rồi anh Đức và mẹ anh bắt chị Mai đi khám. Chị Mai nghĩ là bệnh tại mình giờ đi khám chỉ thêm đau lòng song không từ chối được trước yêu cầu gắt gao của gia đình nhà chồng. Nhưng kết quả ở cả ba bệnh viện nơi chị đến khám đều ghi rõ ràng "bình thường". Thấy như vậy, chị Mai lựa lời khuyên chồng đi khám xem sao để hai vợ chồng biết mà điều trị. Vừa mới nghe con dâu nói vậy, mẹ anh Đức đã rít lên: “Chị đừng có ăn nói hàm hồ, chị xem, chồng chị ra ngoài có nhiều kẻ phải chạy dài, đừng có mà đổ lỗi tại nó. Có thể chị bình thường, nhưng ở đời, biết đâu kiếp trước chị ăn ở thế nào thành ra trời quở, chứ tuyệt nhiên không bao giờ là tại chồng chị được”.

Cuối cùng sau nhiều lần động viên của vợ, lại lo lắng không hiểu có chuyện gì xảy ra mà hai vợ chồng mãi không có con nên anh Đức quyết định cùng vợ đi khám. Vừa cầm tờ kết quả trên tay, chị Mai đã quay ngoắt thái độ với chồng. Tự nhiên chị thấy khinh thường một người đàn ông có vẻ ngoài mạnh rắn rỏi nhưng “trong tinh dịch không có tinh trùng” như anh Đức. Vì anh Đức xấu hổ không dám nói với mẹ, nên bà lại cứ tiếp tục nhằm đầu con dâu mà dè bỉu: “Thôi, tôi nói thế này, chị cứ suy nghĩ, vợ chồng anh chị không có duyên với nhau, một là chia tay, hai là để thằng Đức nhà tôi nó kiếm lấy đứa con bên ngoài chứ nhà tôi không thể vì chị mà tuyệt tự được”. Vốn là người đanh đá, trước giờ chịu khuất phục mẹ chồng âu cũng vì nghĩ lỗi tại mình, nay biết không phải, chị Mai quay lại dè bỉu: “Không biết ai mới là người kiếp trước ăn ở không ra gì nên trời quở phạt, con trai mẹ mới là cái người không biết đẻ. Con sẽ đưa đơn ly dị. Con cũng phải tìm hạnh phúc khác cho mình”.

Vậy là ngày hôm sau, chị Mai đưa cho anh Đức tờ đơn ly dị với lí do: “Chồng vô sinh” rồi thu xếp quần áo về bên nhà đẻ ở. Không những vậy, khi biết nguyên nhân là tại anh Đức, gia đình chị Mai càng cay cú vì nghĩ bấy lâu con mình bị oan uổng nên càng ra ngoài nói cho bõ tức. Từ hôm đó, anh Đức không dám đi đâu vì thiên hạ cứ nhìn anh mà xì xào: “Rõ khổ, trong thì to con thế kia mà không có con”.

Vợ có bầu cũng bị nghi oan

Cũng giống như trường hợp của anh Đức trong chuyện sinh lý, nhưng anh Mạnh (Gia Lâm) có phần may mắn hơn. Anh Mạnh không hẳn bị vô sinh mà do tinh trùng yếu nên vợ khó thụ thai. Cũng lấy nhau mấy năm trời không có con, vợ chồng anh Mạnh chạy đôn chạy đáo tìm thầy chữa bệnh. Hàng xóm láng ghiềng không rõ vì sao mà biết nhưng mỗi khi nhìn anh họ đều lắc đầu tỏ vẻ đầy thương cảm.
 

Cảm thấy rất tủi hổ nhưng được sự động viên và chia sẻ của vợ, anh Mạnh quyết định chạy chữa. Tìm tới bệnh viện, bác sĩ kết luận tinh trùng của anh yếu, hơn nữa cộng với việc một tháng anh chỉ về nhà 1, 2 lần cơ hội gần gũi của hai vợ chồng ít nên càng dẫn đến khó thụ thai. Vậy là theo phác đồ điều trị của bác sĩ, anh Mạnh quyết tâm chữa bệnh với mong muốn có được một đứa con.

Gần một năm trời thuốc thang, anh Mạnh cũng cố gắng thu xếp mặc dù làm xa nhà nhưng cuối tuần anh đều về nhà để tiện điều trị hơn. Cuối cùng may mắn cũng mỉm cười với vợ chồng anh. Ngày vợ anh Mạnh biết mình có thai, hai vợ chồng cứ ôm nhau khóc. Những tưởng như thế là hạnh phúc ngập tràn, cứ ngỡ mọi người xung quanh sẽ mừng cho anh chị nào ngờ họ lại bắt đầu nghi ngờ “tác giả” của cái thai thực sự là ai. Hàng xóm láng giềng mỗi lần thấy vợ anh Mạnh vác bụng bầu đi chợ lại xì xào bàn tán: “Liệu có chắc của ông Mạnh thật không, nghe nói yếu sinh lí mà. Mà bị cái bệnh gì còn chữa được chứ cái bệnh đó khó lắm, đã thế lại vắng nhà suốt, không khéo của ông nào cũng nên”. Vợ Mạnh cay đắng không biết thanh minh thế nào. Còn anh Mạnh thấy mặt nóng ran lên vì tức giận.

Gần 9 tháng vợ anh Mạnh mang bầu là quãng thời gian khó khăn không khác gì khi anh và vợ chưa thể có con. Mọi người xung quanh bàn ra tán vào, hết nghi cho người nọ, người kia, lại đoán già đoán non: “Chắc biết mình không thể có con nên thằng Mạnh cho vợ đi kiếm chỗ khác. Như thế vừa che đậy được chuyện xấu hổ là vô sinh, vừa có đứa trẻ cho vui cửa vui nhà”. Chỉ cho đến khi vợ anh sinh con, một thằng cu trắng trẻo bụ bẫm và giống anh như đổ khuôn, vợ chồng anh mới như trút được gánh nặng ngàn cân. Nhìn thằng bé như vậy, những kẻ lắm chuyện mới vỡ lẽ và tin chuyện anh có thể có con là thật. Từ hôm đó, người ta thấy anh Mạnh mỗi lần bế con đều cưng nựng: “Cục vàng của bố, con giống bố như đúc thế này là cứu tinh cho đời bố đấy biết không?”.

Không thể có con đối với bất kì ai cũng là nỗi đau đớn khó chấp nhận, nhưng nếu là một người đàn ông nỗi đau đó còn bị nhân lên gấp bội bởi lời đàm tiếu của những người xung quanh. Chính những lời phán xét cay nghiệt đó đã đẩy cuộc sống của những người đàn ông yếu sinh lí đến bi kịch. Hãy biết cảm thông và chia sẻ với họ, đừng xoáy sâu vào nỗi đau mà họ đã gặp phải trong cuộc sống.

Chia sẻ