Bé 29 tháng tuổi bị chó cắn rách mặt và những quy tắc an toàn cho con bố mẹ phải nhớ

A.T,
Chia sẻ

Bé Trường bị chó cắn liên tiếp khi sang nhà người chú ruột chơi vào buổi trưa ngày 27/3 và để lại thương tích nặng nề.

Câu chuyện đau lòng về cậu bé 29 tháng tuổi bị chó cắn rách toạc khuôn mặt

Một hình ảnh đang khiến cư dân mạng gai người trong vài ngày qua là khuôn mặt của một cậu bé với đầy những vết thương sâu, những mảng da bị xé toạc, phần gần mắt cũng bị tổn thương nghiêm trọng. Tưởng tượng ra những nỗi đau phía sau đó, hẳn không ai không cảm thấy xót xa, đau đớn.

Bé 29 tháng tuổi bị chó cắn rách mặt và những quy tắc an toàn cho con bố mẹ phải nhớ - Ảnh 1.

Hình ảnh cậu bé đang bị cấp cứu với khuôn mặt rách toạc.

Theo tìm hiểu, danh tính cậu bé trong bức ảnh đang được lan truyền chóng mặt trên mạng tên là Lý Seo Trường (SN 20/10/2015, người dân tộc Mông, trú tại thôn Vi Mã, thị trấn Phong Hải, Bảo Thắng, Lào Cai). Bé bị chó cắn liên tiếp khi sang nhà người chú ruột chơi vào buổi trưa ngày 27/3.

Hậu quả để lại là bé bị tổn thương cơ vòng mắt phải, rách đến tận khóe mắt dài khoảng 7cm, sâu 1 đến 1,5cm sát xuống xương. Vùng mặt có 1 vết thương lớn, tổn thương cơ nâng môi trên, cơ nâng mũi, cơ gò má lớn, gò má nhỏ. Bên phải có vết thương đứt ngang dái tai, tổn thương động mạch dưới mắt. Bên trái có vết thương hình vòng cung dài khoảng 10cm. Bé còn bị vỡ xương hàm trên và 1 phần xương gò má trái và thông xoang hàm trái. Vết thương chủ yếu ở vùng mặt.

Bé 29 tháng tuổi bị chó cắn rách mặt và những quy tắc an toàn cho con bố mẹ phải nhớ - Ảnh 2.

Bé Trường sống ở Lào Cai và hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng, Lào Cai.

Được biết, gia cảnh bé Trường rất khó khăn, bố mẹ thường xuyên đi làm nên không có thời gian trông nom, chăm sóc dẫn đến vụ việc đáng tiếc như trên.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, bố mẹ đã đưa bé Trường đi sơ cứu đồng thời chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Sau khi xử lý, vết thương trên mặt bé đã bắt đầu khô, sức khỏe bé cũng dần bình phục. Bé tỉnh táo và ăn được 1 chút cháo tuy nhiên vẫn phải theo dõi những chuyển biến tiếp theo.

Lời cảnh tỉnh cho các bố mẹ, cần chú ý đảm bảo an toàn cho con, tránh bị chó cắn

Sự việc đau lòng của bé Trường một lần nữa lại khiến các bố mẹ phải giật mình. Vì từ trước đến nay, trẻ nhỏ đang trong độ tuổi khám phá, vốn cực kỳ yêu thích các loại động vật, nhất là chó và thường không lường hết được nguy hiểm khi chập chững bước lại gần.

Trẻ không biết rằng hàm răng sắc nhọn của những con chó luôn là một trong những mối đe dọa hàng đầu đến sự an toàn của trẻ trong lúc đùa giỡn với chúng. Những con chó thường không có ý thức, tàn bạo và rất hung dữ, có thể nhảy chồm lên để cắn người bất cứ khi nào. Vậy nên, bố mẹ cần xác định rằng không thể đảm bảo an toàn 100% trong trường hợp để trẻ tiếp xúc với chó.

Vì vậy, bố mẹ cần lưu ý những điều dưới đây để phòng tránh tai nạn cho trẻ do chó gây ra:

- Trẻ ở độ tuổi chập chững biết đi, tuyệt đối không để trẻ đến gần chó. Bởi ở tuổi này, trẻ chưa ý thức được việc thấy chó là muốn lại gần túm lấy đầu chó, khiến chó bị đau và rất dễ phản kháng, tấn công.

Bé 29 tháng tuổi bị chó cắn rách mặt và những quy tắc an toàn cho con bố mẹ phải nhớ - Ảnh 3.

Khi chó đang ngủ hoặc ăn, hãy để cho nó một mình. Không lại gần hỏi han hay vuốt ve. (Ảnh: wikihow)

- Đối với trẻ lớn hơn, bố mẹ cần giáo dục trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân, không đến gần súc vật lạ, không chọc phá súc vật nhất là khi chúng đang ăn hoặc đang ngủ.

- Tuyệt đối phải tránh xa những con chó lạ: Cần dặn trẻ không được tự ý tiếp cận, vuốt ve chó ngoài đường, phải hỏi chủ nhân trước khi vuốt ve, cho ăn. Đây là điều cực kì quan trọng bởi việc vuốt ve đột ngột có thể khiến chú chó giật mình và có những hành động tự vệ.

- Nếu nhà nuôi chó, không để trẻ một mình với chó, luôn phải có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ.

- Không bao giờ coi chó là đối tượng để trêu chọc, kéo tai hay đuôi chó, trèo hay cưỡi lên người chó.

- Trong trường hợp chó đến gần, bố mẹ cần dặn trẻ tuyệt đối không tỏ ra sợ hãi. Hãy cố gắng bước đi một cách tự tin và im lặng. Nếu chó đi theo sau, hãy bình tĩnh và đứng yên, giữ tay ở vị trí thấp, siết chặt tay ngay phía trước. Đây là vị trí phòng thủ quan trọng, chó sẽ cho rằng trẻ không có ý định làm hại nó. Tuyệt đối không vung tay bởi hành động này sẽ kích thích chó dễ tấn công vào ngực và cổ.

Bé 29 tháng tuổi bị chó cắn rách mặt và những quy tắc an toàn cho con bố mẹ phải nhớ - Ảnh 4.

Trong trường hợp tồi tệ nhất xảy ra, hãy nằm xuống, cuộn tròn người, ôm chặt đầu và mặt. (Ảnh: wikihow)

- Không la hét, bỏ chạy, đánh hay hành động bất ngờ với chó, điều này chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Tất cả những hành động này chỉ mang đến cảm giác bị đe dọa cho chó và sẽ khiến chúng hung hăng hơn.

- Không được nhìn trực tiếp vào mắt chó, đây là hành động khiêu khích, thúc đẩy chó tấn công.

Trong trường hợp đáng tiếc, nếu trẻ bị chó cắn, bố mẹ cần bỏ túi các nguyên tắc xử lý theo tài liệu của Bệnh viện Nhi đồng I cung cấp:

- Đầu tiên, người lớn nên an ủi trẻ, nhẹ nhàng trấn an trẻ nhằm tránh cho trẻ bị hoảng loạn.

- Sau khi trẻ bình tĩnh, bố mẹ cần xem xét vết thương thuộc loại nào (trầy da hay chảy máu, độ sâu, rộng, nhiều hay ít, ở vị trí nào trên cơ thể bé). Sau đó, rửa sạch vết thương bằng xà bông dưới vòi nước mạnh ít nhất 5 phút, dù cho đó là vết thương ngoài da. Bố mẹ lưu ý cần phải rửa tay thật sạch sẽ trước và sau khi sơ cứu cho bé.

- Dùng dung dịch sát khuẩn như cồn 70 độ hoặc dung dịch iod để sát trùng vết thương.

- Dùng vải sạch hoặc gạc y tế phủ lên vết thương, chỉ băng hờ, không được băng quá kín.

- Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ thăm khám, tìm ra hướng điều trị thích hợp.

Trong phần lớn trường hợp bị chó cắn, cán bộ y tế sẽ yêu cầu bố mẹ cho trẻ đi tiêm phòng. Trẻ sẽ được tiêm vắc-xin phòng dại và tùy theo tình trạng vết thương cùng với tiền sử tiêm phòng uốn ván trước đây mà bác sĩ sẽ chỉ định tiêm phòng uốn ván cho trẻ. Ngoài ra, trẻ có thể được tiêm huyết thanh kháng dại nếu vết cắn nằm ở đầu, mặt, cổ, vết thương ở các vị trí có nhiều dây thần kinh như đầu ngón tay, đầu ngón chân, bộ phận sinh dục, vết thương sâu và nhiều.

Chia sẻ