Bất ngờ lao dốc, giá vàng mất mốc 57 triệu đồng/lượng

Anh Đặng,
Chia sẻ

Phiên sáng nay (29/9), giá vàng trong nước đồng loạt đi xuống theo xu hướng giảm của giá vàng thế giới.

Ghi nhận vào lúc 9h10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,35 - 56,97 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua (28/9).

Tại Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, giá vàng PNJ cũng được doanh nghiệp điều chỉnh giảm 200.000 ở chiều mua và 100.000 đồng/lượng chiều bán so với phiên hôm qua. Hiện giá vàng PNJ giao dịch ở mức 50,2 - 51,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI điều chỉnh giảm giá vàng SJC về mức 56,65 - 57,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng cả ở chiều mua và bán ra so với phiên giao dịch hôm qua.

Giá vàng thế giới giảm

 - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia dự đoán, giá vàng có thể sẽ tiếp tục suy giảm, khi ngân hàng trung ương một số nước đang hướng đến khả năng rút đi chính sách kích thích tiền tệ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giảm hơn 1% xuống mức thấp nhất trong 7 tuần trong phiên 28/9, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Vào lúc 0h43 sáng 29/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.736,81 USD/ounce, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 11/8 là 1.726,19 USD/ounce trước đó cùng phiên. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,8% xuống mức 1.737,5 USD/ounce.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trở lại trên 1,5%, lên mức cao nhất trong hơn 3 tháng qua, là yếu tố chính tạo áp lực lên giá vàng, cùng với việc các thị trường bắt đầu định giá vào khả năng lạm phát tại Mỹ cao hơn trong tương lai.

Ngoài ra, giới đầu tư đã thu gom USD để mua trái phiếu làm cho đồng tiền này tăng thêm sức mạnh. Giá vàng luôn nhạy cảm với các biến động của lợi suất trái phiếu, vì lợi suất cao giúp đồng USD đi lên và làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lời.

Kim loại quý cũng chịu áp lực giảm khi nhiều ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới đang chuẩn bị siết dần các chính sách tiền tệ nới lỏng vốn được áp dụng kéo dài trong nhiều năm qua.

Theo nhận định của giới chuyên gia, giá vàng đang chờ đợi các bài phát biểu quan trọng của quan chức FED trong tuần này, đặc biệt là việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Powell sẽ phải điều trần trước Quốc hội Mỹ. Từ đây, thị trường sẽ đoán định được sẽ có động thái gì với chính sách tiền tệ cũng như phản ứng trước đại dịch COVID-19.

Chia sẻ